Vệ sinh trước khi "quan hệ", mặc quần áo lót rộng rãi... sẽ giúp giảm thiểu viêm nhiễm đường sinh dục. Tuy nhiên, rất ít chị em thực hiện bí quyết đơn giản này.
Trong cuộc đời người phụ nữ, bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục là căn bệnh mà không ai tránh được, chỉ có bị ít hay nhiều. Bệnh này có rất nhiều nguyên nhân, do nhiễm khuẩn, nấm, ký sinh trùng, nhiễm virus, vi trùng... Có nhiều người bị tới 3-4 tác nhân gây nhiễm khuẩn.
Bệnh thường gặp...
Nhiễm khuẩn đường sinh dục được chia làm 2 nhóm hoàn toàn khác nhau: Nhóm lây và nhóm không lây. Nhóm lây gọi là bệnh lây truyền qua đường tình dục, liên quan tới quan hệ tình dục không lành mạnh, do những nguyên nhân có yếu tố xã hội tác động lên. Trong phạm vi bài viết này chỉ đề cập tới nhóm không lây, nghĩa là có nhiều chị em - nhất là ở nông thôn- chung thuỷ, thực hành vệ sinh tốt... nhưng vẫn mắc bệnh nhiễm khuẩn đường sinh dục.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn đường tình dục là sự phát triển quá mức của các tác nhân gây bệnh có sẵn trong âm đạo. Tức là trong âm đạo bình thường có rất nhiều vi trùng, nấm, ký sinh trùng. Trong đó có nhóm có lợi, nhóm có hại, hai nhóm này đấu tranh sinh tồn với nhau, khống chế nhau.
Cấu tạo bộ phận sinh dục nữ có rất nhiều điểm khiến cho nhóm có hại vùng lên "tác oai tác quái". Chẳng hạn, đường sinh dục có nhiều ngóc ngách và sâu, dễ đọng các chất dịch; cộng với cấu tạo mặt trong âm đạo thường xuyên tiết dịch dẫn tới môi trường luôn ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Một điểm nữa là hiện tượng kinh nguyệt, chửa đẻ, nạo hút thai có nhiều máu, sản dịch... cũng là môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Ngoài ra, khi quan hệ tình dục, dù cả 2 vợ chồng đều sạch sẽ nhưng cấu tạo bộ phận sinh dục nam có đường dẫn tinh gần với đường tiểu nên rất khó tách bạch đâu là tinh dịch, đâu là nước tiểu nên có lẫn tác nhân gây bệnh...
Hạn chế "được phần nào, hay phần đó"
Hiện nay, điều đáng mừng là số chị em phụ nữ đi khám bệnh phụ khoa tăng nhiều. Lý do đầu tiên, là hiểu biết về bệnh tật của chị em tăng lên, có biểu hiện viêm nhiễm là đi khám bệnh.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là rất nhiều chị em mắc bệnh hoặc để bệnh tình nặng lên một cách... oan uổng. Trước hết, vệ sinh trong quan hệ tình dục có quyết định tới bệnh đường sinh dục nhưng ít chị em để ý tới yếu tố này.
Để đảm bảo vệ sinh thì phải rửa ráy trước và sau khi quan hệ tình dục. Nhưng mà ở ta, "tình yêu nó đến bất chợt", chẳng ai nghĩ tới việc tắm rửa trước khi quan hệ tình dục mà thường làm việc đó sau. Thực tế, rửa ráy trước khi "quan hệ" rất quan trọng, giúp loại bỏ các loại vi khuẩn, virus đang tồn tại trong cơ thể và bộ phận sinh dục. Việc rửa ráy sau khi quan hệ tình dục hầu như không có mấy ý nghĩa.
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa: Yêu cầu vệ sinh ở bộ phận sinh dục nữ là khô và thoáng, bởi nóng và ẩm là điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Nhưng hiện nay, nhiều chị em mặc quần bò, quần lót quá chật, đóng băng vệ sinh hàng ngày hoặc băng vệ sinh siêu thấm. Điều này tưởng là vệ sinh nhưng thực ra lại tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
Nhiều chị em cũng lạm dụng các loại nước rửa vệ sinh. Các loại nước này thường được dùng khi có chỉ định của bác sĩ phối hợp điều trị viêm nhiễm phụ khoa. Nếu dùng thường xuyên sẽ tiêu diệt cả các vi khuẩn có lợi.
Với chị em phụ nữ ở nông thôn, nguyên nhân mắc bệnh còn liên quan tới vấn đề về sức khỏe. Điều kiện kinh tế khó khăn, vệ sinh kém, dinh dưỡng kém nên bệnh có cơ hội hoành hành. Đây cũng là đối tượng ít đi khám phụ khoa để phát hiện bệnh và điều trị. Nếu để bệnh ủ lâu dài, hậu quả nặng nề nhất là ung thư và vô sinh. Theo BS Lương Thanh Bình (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)