Thời gian mang thai, vú của bà bầu to dần lên theo thời gian. Đó là do sự đồng kích thích của tuyến yên sinh ra sữa, nhau thai sinh ra chất sữa, estrogen, progetogen, làm tăng ống tuyến sữa và tiểu thùy.
Khi đấy núm vú to và chuyển sang màu đen, quầng vú có mầu đậm, xung quanh quầng vú có những đốm lồi dạng nút thắt.
Trong giai đoạn cuối của thời kì mang thai, nếu xoa vú thì thai phụ có thể tiết ra vài giọt thể dịch loãng màu vàng, gọi là sữa đầu. Do việc bảo vệ vú trong thời kì mang thai có liên quan đến việc cho con bú sau khi sinh nên các bà mẹ cần phải có những chuẩn bị trước.
1. Trước và sau khi mang thai, phụ nữ nên lựa chọn và mặc áo nịt ngực thích hợp, để nâng ngực lên, tránh xệ hay làm tổn thương mô ở ngực.
2. Hàng ngày nên lau rửa vú và núm vú ít nhất một lần. Nên dùng vải mềm và nước sạch đủ ấm để lau rửa. Không nên dùng xà phòng, vì chất tẩy trong xà phòng có thể làm núm vú bị nứt nẻ.
3. Cùng với lau rửa, nên xoa bóp vú bằng tay. Nâng hai bầu vú xoa, nắn nhẹ từ ngoài vào trong. Trường hợp vú cương, đau, núm vú cứng, trước khi xoa bóp nên áp khăn nóng vào mỗi bên. Thời gian xoa bóp mỗi lần khoảng 5 phút.
4. Đối với phụ nữ có núm vú ngắn, thậm chí bị thụt sâu vào trong thì cùng với việc xoa bóp toàn bộ vú, cần xoa nắn đầu núm vú, day, ấn cho núm vú lồi lên.
5. Khi gần đến tháng đẻ, việc chăm sóc vú như trên phải hết sức nhẹ nhàng. Nếu xoa nắn (nhất là ở núm vú) thấy cảm giác căng tức ở bụng dưới từng cơn (do tử cung co bóp) thì cần ngừng ngay để tránh bị chuyển dạ đẻ non. Theo Eva