Buồn nôn, chuột rút, đau lưng, táo bón... là những bệnh thường gặp trong quá trình mang thai.
Buồn nôn và nôn 70 - 85% phụ nữ có thai có triệu chứng buồn nôn khi mang thai, trong khi đó nôn thực sự chỉ chiếm 50%. Các triệu chứng này thường bắt đầu từ tuần thứ 4 - 8 của thai kỳ, lên đỉnh điểm vào khoảng tuần thứ 9 và giảm dần sau tuần thứ 12. Nôn và buồn nôn rất hiếm gặp sau tuần thứ 20. Nguyên nhân: Một trong các nguyên nhân giải thích cho việc buồn nôn và nôn trong lúc mang thai là so sự thay đổi hormon ở người mẹ.
Cách xử lý
- Tăng cường nghỉ ngơi;
- Tránh để bụng đói, ăn thành nhiều bữa (5 bữa một ngày: 3 bữa chính và 2 bữa phụ), mỗi bữa ăn ít lại, ưu tiên ăn các thức ăn mình thích, tránh thức ăn có mùi vị mạnh;
- Ra khỏi giường từ từ, tránh đột ngột, ăn nhẹ (bánh quy, bánh mỳ nướng…) trước khi ra khỏi giường buổi sáng;
- Cần đến gặp bác sĩ nếu nôn và buồn nôn: nghiêm trọng và kéo dài, sụt cân, có dấu hiệu mất nước (khô mũi, khô môi, nước tiểu vàng đậm).
Chuột rút
Trên 50% phụ nữ có thai bị chuột rút trong suốt thai kỳ, đặc biệt là từ sau tuần thứ 20. Chuột rút thường xảy ra về đêm.
Nguyên nhân:Trái với một số đồn thổi, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do sự tích tụ acid lactic và pyruvic trong các cơ chân gây đau đớn. Tuy nhiên hoàn toàn không có gì nguy hiểm.
Cách xử lý:
- Kéo căng chân, các ngón chân hướng lên trên;
- Mátxa vùng cơ bị đau;
- Ra khỏi giường và đi lại;
Nếu hôm sau bạn vẫn thấy hơi đau, đừng lo, đây là chuyện bình thường, không có gì nguy hiểm cả. Nếu tình trạng không cải thiện, bạn nên đi gặp BS.
Nóng rát dạ dày và trào ngược thực quản
Hiện tượng này thường xảy ra ngay từ đầu thai kỳ và có thể nặng hơn khi thai lớn lên.
Nguyên nhân:Sự thay đổi hócmôn khi mang thai làm việc tiêu hóa bị chậm lại, dẫn đến việc các dịch trong dạ dày trào lên thực quản.
Cách xử lý:
- Kê cao gối khi ngủ;
- Mặc áo quần rộng rãi, thoáng mát;
- Thay đổi chế độ ăn uống, tránh nằm ngay sau khi ăn, chia thành nhiều bữa nhỏ; giảm thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc cay nóng, chứa chất kích thích (ví dụ: cafe) gây khó chịu dạ dày; tránh ăn uống nhiều trước khi ngủ.
Táo bón và trĩ
Bệnh thường gặp nhất ở quý thứ 2 và 3 của thai kỳ.
Nguyên nhân: Hormon khi mang thai dẫn đến việc tiêu hóa bị chậm lại, gây táo bón. Việc uống viên sắt cũng có thể khiến bạn bị táo bón. Một nguyên nhân nữa của hiện tượng táo bón là bệnh trĩ. Trong khi đó, khi mang thai, tử cung to tạo áp lực xuống các tĩnh mạch hậu môn làm chúng sưng phồng lên, gây ra bệnh trĩ.
Cách xử lý:
- Ăn thức ăn nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên cám;
- Ăn nhiều rau, trái cây, đặc biệt là quả mận;
- Uống nhiều nước.
Nếu bị trĩ, bạn có thể ngâm mình trong nước ấm hoặc bôi vào búi trĩ các loại thuốc mỡ chứa kẽm.
Đau và tê bàn tay
Khoảng 25% phụ nữ mang thai bị đau và tê 2 bàn tay, nhất là về đêm, chủ yếu trong quý thứ 3 của thai kỳ.
Nguyên nhân: Khi mang thai, cơ thể giữ nước làm sưng phồng các mô cổ tay. Các dây thần kinh xung quanh vì thế bị chèn ép, dẫn đến hiện tượng đau và tê bàn tay.
Cách xử lý :
- Nói chung hiện tượng này không nghiêm trọng và thường biến mất sau sinh nên ít cần can thiệp. Trong trường hợp quá khó chịu, bạn có thể đeo một loại thiết bị bảo vệ cổ tay vài giờ một ngày khi bị đau hoặc đeo suốt đêm. Nếu hai bàn tay yếu, khó cử động hoặc hiện tượng tê, đau vẫn tiếp tục sau sinh thì bạn cần phải gặp bác sĩ.
Đau lưng
Đây là hiện tượng rất phổ biến. Khoảng 75% phụ nữ mang thai bị đau lưng trong suốt thai kỳ.
Nguyên nhân:
- Thứ nhất, tử cung to lên làm thay đổi trọng lượng cơ thể khiến bạn phải ưỡn người ra trước để giữ thăng bằng. Điều này khiến lưng bạn đau, mỏi.
- Thứ hai, tất cả các dây chằng trong cơ thể bị giãn ra khi mang thai nhằm tạo điều kiện cho khung chậu mở rộng, giúp em bé ra ngoài dễ dàng khi sinh. Chức năng nâng đỡ của dây chằng giảm khiến lưng chịu nhiều lực hơn nên sẽ đau, mỏi.
Cách xử lý:
Tập thể dục đều đặn là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa và giảm bớt đau lưng khi mang thai. Bơi lội vào các bài thể dục dưới nước có hiệu quả rất tốt. Ngoài ra, hai động tác sau cũng rất có ích:
Nằm ngửa trên sàn, hai tay vắt chéo trước ngực, co gối. Từ từ nâng lưng lên trong khi mông vẫn giữ chạm đất. Giữ tư thế này trong 3 giây trước khi hạ lưng xuống. Lặp lại nhiều lần.
Quỳ gối, hai tay chống xuống sàn, lưng song song với mặt đất. Thót bụng, cong lưng như con tôm. Giữ tư thế này trong 3 giây trước khi trở về tư thế ban đầu. Lặp lại nhiều lần.
Ở cuối thai kỳ, việc đau lưng lan ra trước bụng hoặc xuất hiện đều đặn thành cơn có thể là dấu hiệu của các cơn co thắt tử cung chuyển dạ.
Hoàng Anh