Cưới hơn một năm vẫn chưa có bầu, Kiều (Hoài Đức, Hà Nội) lo lắng đi khám vô sinh thì thấy "máy móc" vẫn ổn, tuy nhiên, bác sĩ phát hiện một u đế chắn ngay cửa tử cung của cô, khiến tinh trùng không có lối vào gặp trứng.
Kiều cho biết, trước đó, vì có vòng kinh đều và chẳng thấy bất thường gì ở vùng kín nên cô đinh ninh nguyên do chưa có bầu là do chồng. Thế nhưng, khi ông xã của Kiều đi khám thì kết quả cũng rất tốt. Lúc này, Kiều mới tới phòng khám phụ khoa và được biết mình bị u đế cổ tử cung. Chiếc u này chắn ngay lối vào của tinh trùng khiến cô không thể thụ thai được.
Hiện tại, Kiều đã được cắt u và cô đang mang bầu được 2 tháng.
Cũng bị phát hiện u đế cách đây hơn một năm, nhưng trường hợp của chị Hà (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) lại biết bệnh trong một hoàn cảnh khác.
Một thời gian, sau mỗi lần "yêu" chồng, chị Hà lại thấy ra dịch nhầy màu hồng nhạt, có lúc lại hơi nâu. Vì mới đặt vòng, chị Hà nghĩ có lẽ do "cậu nhỏ" của chồng đã chạm vào dụng cụ tử cung nên chị đã đến một phòng khám phụ khoa để tháo vòng ra. Nhưng tại đây, sau khi khám, bác sĩ cho biết, chị bị u đế cổ tử cung và phải đốt điện.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội, cho biết, u đế cổ tử cung là một bệnh không hiếm gặp nhưng ít người biết. U đế hay còn gọi là polype đế cổ tử cung cũng là một dạng u xơ tử cung nhưng ở vị trí ở cổ tử cung.
Theo bác sĩ, thường thì u này lành tính, không nguy hiểm, nhưng khi phát hiện vẫn cần làm các xét nghiệm để chắc chắn loại trừ trường hợp là khối ung thư. Trong một số trường hợp, nếu biết chắc đó không phải là cục u ác tính, không ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người bệnh thì cũng không cần phải xử lý.
Tuy nhiên, bác sĩ cho biết, một số phụ nữ có khối u đế quá to, ở vị trí dễ bị đụng chạm, xây dước khi bị tác động (gây chảy máu khi quan hệ tình dục), thậm chí, chắn cả cổ tử cung, không cho tinh trùng bơi vào trong khiến không thể thụ thai... thì cần được điều trị bằng cắt hoặc đốt điện. Rất hiếm trường hợp phải phẫu thuật u đế.
Bác sĩ sản phụ khoa cho biết thêm, u đế cổ tử cung là bệnh dễ bị bỏ qua vì không có dấu hiệu đặc trưng, nên thường chị em chỉ biết mình bị bệnh này khi đi khám phụ khoa định kỳ hoặc lúc kiểm tra các bệnh khác. Một số trường hợp có thể thấy khí hư tiết nhiều hơn hay có chút máu sau mỗi lần quan hệ tình dục.
Theo bác sĩ, để phát hiện sớm bệnh và nhận được tư vấn thích đáng về cách điều trị, phụ nữ không cần đợi khi có dấu hiệu bất thường ở vùng kín mới đi khám, mà nên 6 tháng một lần định kỳ khám phụ khoa.