Bệnh viện Phụ sản Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên tại miền Bắc triển khai thực hiện xét nghiệm HPV Genotype PCR hệ thống tự động (HPV – mRNA).
Ngày 26/08/2024,Bệnh viện Phụ sản Trung ương lần đầu tiên triển khai thực hiện xét nghiệm HPV-mRNA (APTIMA® HPV Assay) tại khoa Tế bào di truyền. Đươc biết, tại miền Bắc, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên đưa xét nghiệm HPV-mRNA vào sử dụngđể sàng lọc nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung.
PGS. TS Lê Hoài Chương - Phó giám đốc bệnh viện
Xét nghiệm HPV-mRNA được làm trên hệ thống máy PANTHER® tự động hoàn toàn các công đoạn trong quy trình xét nghiệm, đưa mẫu vào và xuất kết quả ra dễ dàng. Xét nghiệm HPV-mRNA được WHO 2021, cơ quan y tế của Anh (GOV.UK), cơ quan y tế của Pháp (HAS) chấp thuận cho sử dụng sàng lọc ung thư cổ tử cung đầu tay.
Không giống những xét nghiệm HPV trước đây nhằm phát hiện HPV-DNA và chỉ ghi nhận sự có mặt của virus, xét nghiệm APTIMA® HPV Assay phát hiện mRNA từ gen mã hóa gây ung thư E6/E7 trong bộ gen HPV. Vì thế, xét nghiệm HPV-mRNA phát hiện sự tồn tại và đang hoạt động của virus HPV gây tổn thương tế bào cổ tử cung; xác định tình trạng nhiễm HPV kéo dài; xác định 14 typ nguy cơ cao (16,18,31,33,35,39,45,51,52,56,58,59,66,68), xác định rõ typ 16, 18 và xác định thêm typ 45: là 1 trong 3 typ nguy cơ cao gây ung thư biểu mô tuyến và đồng thời xác định có nhiễm ít nhất một trong 11 type HPV nguy cơ cao còn lại (31,33,35,39,51,52,56,58,59,66,68) trong một lần chạy duy nhất trên một bệnh phẩm.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương lần đầu tiên triển khai thực hiện xét nghiệm HPV-mRNA (APTIMA® HPV Assay) tại khoa Tế bào di truyền
Máy PANTHER dựa trên tích hợp công nghệ Khuếch đại qua phiên mã (TMA) phát hiện sự có mặt và hoạt động của HPV-mRNA. Hệ thống được vận hành theo tiêu chuẩn châu Âu và được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt năm 2011.
Xét nghiệm HPV-mRNA có độ nhậy tương đương (92%-96,3%) và độ đặc hiệu (93% -94,3%) cao hơn đáng kể so với xét nghiệm HPV-DNA (88,3%-99%) và (82% - 85,3%).
Xét nghiệm HPV-mRNA được chỉ định trong các trường hợp sàng lọc đơn lẻ ung thư cổ tử cung; sàng lọc bộ đôi ung thư cổ tử cung Co-testing (PAP + HPV) trong cùng lọ bệnh phẩm Thinprep; theo dõi sau điều trị tổn thương cổ tử cung (sau LEEP, sau khoét chóp CTC… ).
Với xu hướng sàng lọc ung thư cổ tử cung hiện nay, tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới khoảng 80% sử dụng bộ đôi Co-testing (tế bào Thinprep và HPV-mRNA) trong cùng 1 lọ bệnh phẩm Thinprep để sàng lọc ung thư cổ tử cung, giúp bỏ sót các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung ít nhất, thuận tiện trong quá trình lấy mẫu và làm xét nghiệm. Xét nghiệm APTIMA® HPV Assay giúp việc tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả hơn, tỷ lệ dương tính giả thấp, giúp giảm đáng kể các trường hợp phải soi cổ tử cung không cần thiết và là một công cụ hiệu quả trong quản lý bệnh nhân có chẩn đoán tế bào vảy không điển hình (ASCUS) và tổn thương nội biểu mô vảy độ thấp (LSIL).
Với sứ mệnh là bệnh viện đầu ngành về các lĩnh vực sản phụ khoa, sơ sinh, chẩn đoán trước sinh, hỗ trợ sinh sản cùngđội ngũ chuyên gia giỏi, giàu kinh nghiệm hàng đầu cả nước. Bệnh viện Phụ sản Trung ương là cơ sở y tế đáng tin cậy giúp cho chị em phụ nữ thăm khám, sàng lọc, phát hiện sớm, ngăn ngừa và điều trị kịp thời ung thư cổ tử cung.
Một số hình ảnh thực hiện xét nghiệm HPV-mRNA (APTIMA® HPV Assay) tại khoa Tế bào di truyền:
Bài: CV. Hồng Anh
Ảnh: CV.Tuấn Hoàng