Trà chanh đang là loại nước giải khát được nhiều người ưa thích, nhưng nếu bạn đang mang thai thì nên chọn thứ đồ uống khác.
Dược sĩ, bác sĩ Trần Thị Thu Hiền, bộ môn Dược liệu, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết, chúng ta ít khi để ý đến vấn đề ảnh hưởng của nước trà đến thai phụ, nhưng trên thực tế, các chất trong trà có ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi.
Cụ thể, trong lá chè có chứa 2% - 5% lượng cafein có tác dụng gây hưng phấn. Nếu thai phụ uống quá nhiều chè đặc thì sẽ kích thích thai cử động nhiều, thậm chí nguy hại đến sự sinh trưởng và phát triển của thai nhi. Sự kích thích này ngang với sử dụng cà phê.
Trong trà xanh còn có chất EGCG có tác dụng chống ôxy hóa. Trà chanh có thêm vài lát chanh, axit hữu cơ trong chanh (axit citric) không có tác dụng làm tăng hàm lượng chất EGCG trong trà mà chỉ kéo dài tác dụng của chất EGCG (vì axit hữu cơ có tác dụng như một chất bảo quản, làm chất EGCG không bị phân hủy quá nhanh). Với người bình thường, nó rất tốt, giúp lợi tiểu, chống lão hóa, nhưng đối với thai phụ khi vào cơ thể, chất EGCG sẽ làm giảm hàm lượng axit folic, ảnh hưởng tới hệ thần kinh của thai.
Mặt khác, khi ta uống trà thấy chát, đó là có chất tanin, nếu kết hợp với chất sắt trong thức ăn sẽ thành hợp chất khó được cơ thể hấp thụ. Do vậy, thai phụ uống quá nhiều nước trà đặc có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, tất yếu thai nhi sinh ra sẽ bị thiếu máu do thiếu sắt bẩm sinh.
Lương y Phó Hữu Đức, Chủ tịch Hội Đông y quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho hay, thai phụ uống trà xanh quá nhiều sẽ dẫn đến sự kích thích thần kinh trung ương làm tim đập nhanh, dễ hưng phấn dẫn đến khó ngủ, làm ảnh hưởng đến thai nhi.
Hằng ngày, thai phụ chỉ nên uống 2 - 3 tách trà, khoảng 200 ml. Mùa hè, tùy vào cơ thể, trọng lượng của mẹ và con mà thai phụ nên có những lựa chọn nước uống khác nhau. Một số nước uống tốt cho sức khoẻ như nước dừa, đậu nành, nước hoa quả, nước lọc... đều có thể thay thế được trà chanh.
Theo Bee.net.vn