Có một vài kinh nghiệm nhỏ về cách thở và rặn khi vượt cạn sẽ giúp bạn dễ dàng sinh nở và bớt đau đớn hơn.
Thai phụ nên chú ý thực hiện đúng với sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ giảm đau rất nhiều khi chuyển dạ và lúc sinh nở.
Tập thư giãn
Để đạt đến sự nghỉ ngơi, thư giãn cơ hoàn toàn, thai phụ nên nằm theo hai tư thế nằm ngửa hoặc nằm nghiêng, trí óc cố quên hết mọi việc, không nghĩ ngợi, bận tâm lo lắng gì. Bài tập này giúp thai phụ chủ động co từng nhóm cơ trong cơ thể lúc chuyển dạ đẻ, để việc xổ thai được dễ dàng.
Tập động tác tay và chân
Giúp cho máu trong cơ thể lưu thông được dễ dàng, điều hòa, các khớp xương cử động dễ dàng, nhất là khớp háng và các khớp vùng chậu.
Động tác thắt lưng cột sống và xương chậu
Khi mang thai, sẽ gây ra sự chèn ép cũng như sự thay đổi của các khớp xương, cột sống, nhất là ở vùng thắt lưng làm thai phụ nhức mỏi, tê tay chân hay đau lưng. Các động tác này sẽ đem lại sự thoải mái, giảm bớt đau lưng cho thai phụ.
Tập thở theo cơn co tử cung
Khi không có cơn co tử cung: thở bình thường khi bắt đầu cơn co:
- Cổ tử cung mở từ 1-4 cm: ngồi tư thế thư giãn, thở bình thường bằng hai cánh mũi, miệng ngậm lại.
- Cổ tử cung mở từ 4-8 cm: nên nằm thư giãn, có thể nằm nghiêng hay ngửa, thở cạn và nhanh theo cơn co tử cung đến khi cơn co đạt tối đa rồi cơn co sẽ giảm dần, nhịp thở cũng nông và chậm dần đến khi hết cơn co.
- Trước khi có cơn co bắt đầu: hít sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng 1 nhịp.
- Bắt đầu có cơn co: thở nhanh và nông.
- Khi hết cơn co: hít thở sâu 2 nhịp.
- Sau đó thở bình thường, nằm thư giãn. Động tác thở theo cơn co tử cung rất cần cho cuộc chuyển dạ. Để đạt được kết quả tốt, thai phụ cần hết sức bình tĩnh, tập trung tư tưởng theo dõi cơn co để điều chỉnh nhịp thở, nhằm cung cấp đủ oxy cho mẹ và con, giúp thêm sức cho thai phụ rặn tốt khi cổ tử cung nở trọn.
Thở để ức chế cơn mắc rặn
Khi cổ tử cung chưa nở trọn mà thai phụ lại mắc rặn qua sớm, thì phải biết cách để ức chế cơn mắc rặn, nếu không sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho mẹ và con như: thai nhi bị suy yếu, cổ tử cung phù nề, dãn nở chậm làm cuộc chuyển dạ kéo dài, thậm chí làm rách cổ tử cung và có thể đưa đến vỡ tử cung. Để ức chế cơn mắc rặn, thai phụ thở bằng cách chúm miệng lại như muốn thổi tắt một ngọn nến đặt trước mặt khoảng từ 20 - 50 cm. Động tác này còn được áp dụng khi đầu thai nhi đã sổ ra ngoài, người mẹ không được rặn nữa, để bác sĩ tự đỡ em bé ra, nếu người mẹ cứ rặn thêm, có thể sẽ làm tầng sinh môn rách nhiều hơn.
Tập rặn
Nếu rặn đúng cách việc sổ thai sẽ dễ dàng, tránh được sang chấn cho em bé và mất sức cho người mẹ.
Theo Eva