Cắt (hoặc rạch) tầng sinh môn là thủ thuật thường gặp khi sinh thường. Khu vực giữa âm đạo và hậu môn (gọi là đáy chậu) có thể bị bác sĩ rạch để hỗ trợ chuyển dạ thành công.
Sau khi sinh thường, khu vực bị rạch trở nên rất nhạy cảm trong vài ngày hoặc vài tuần đầu. Nó có thể gây đau khi bạn ngồi, đi lại, ho hay hắt hơi. Để làm giảm sưng, đau hoặc ngứa ở khu vực rạch tầng sinh môn, bạn có thể thử vài gợi ý sau:
- Đá lạnh: Trong vòng 24 giờ đầu tiên sau sinh, chườm một túi nước đá vào khu vực sinh môn có thể làm giảm sưng, đau.
- Nước ấm: Vệ sinh bằng nước ấm sau khi đi tiểu giúp ngăn ngừa đau nhức sinh môn. Hoặc bệnh viện có thể cung cấp một dụng cụ có đầu phun, giúp bạn làm sạch tầng sinh môn.
- Kem hoặc thuốc mỡ gây tê: Có tác dụng tạm thời làm tê liệt vùng bị đau.
- Nghỉ ngơi: Nằm nghiêng tốt hơn vì có thể làm giảm bớt áp lực lên tầng sinh môn. Cố gắng không nên ngồi hoặc đứng quá lâu. Ngồi trên một chiếc gối mềm mại cũng rất có ích cho bạn.
- Bài tập Kegel: Thực hiện bài tập Kegel giúp tăng cường cơ bắp ở đáy chậu, giúp khu vực này mau lành. Để bắt đầu, hãy thắt chặt cơ như lúc bạn đang cố nín tiểu. 10 giây sau đó, thả lỏng. Cố gắng lặp lại 20 lần và bạn có thể luyện tập bất kỳ chỗ nào.
- Sạch sẽ: Giữ cho vùng sinh môn sạch sẽ, khô ráo bằng cách dùng giấy sạch (hoặc gạc) vỗ nhẹ, chứ không chà xát. Càng nhẹ nhàng càng tốt vì nó sẽ làm vùng sinh môn ít bị tổn thương. Nếu bạn đang phải “đóng bỉm”, nên thay bỉm thường xuyên, ít nhất 4 tiếng một lần, cố gắng không chạm tay vào vùng sinh môn khi thay bỉm.
- Quần áo thoải mái: Tránh quần áo chật và đồ lót chật, vì chúng có thể gây ma sát, làm kích thích vết thương.
- Chế độ ăn uống giàu chất xơ: Nên ăn nhiều đồ ăn giàu chất xơ, uống đủ nước để đảm bảo ruột mềm, đi tiêu đầy đủ. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên đi khám:
- Dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, đau, sưng đỏ; ra dịch hôi hoặc chảy máu ở tầng sinh môn.
- Mất kiểm soát đường tiểu hoặc ruột.
Theo M&B