Trong thời gian mang thai, em bé của bạn được bảo vệ bên trong một túi ối đầy chất lỏng. Nếu có một vết rách trên túi, nước ối sẽ trào ra bên ngoài tử cung của mẹ. Điều này gọi là vỡ ối.
Hầu hết người mẹ bị vỡ ối ở cuối giai đoạn đầu của quá trình chuyển dạ. Nhưng có khoảng 1/10 thai phụ ối bị vỡ cuối thai kỳ trước khi bắt đầu chuyển dạ. Khoảng 2% phụ nữ mang thai bị vỡ ối trước tuần thai thứ 37 (có thể gây sinh non).
Nếu bạn bị vỡ ối trước cơn chuyển dạ, đừng vội hoảng sợ. Có thể sử dụng “bỉm” người lớn để giữ vệ sinh. Việc này cũng giúp bạn kiểm tra màu sắc của nước đang bị mất đi. Nước ở vùng kín có thể trắng trong, có thể pha vàng hoặc lẫn một ít máu. Lượng nước bị mất đi cũng có thể khác nhau. Có thể là một dòng nước nhẹ hoặc như một ống nước phun ra. Nhiều thai phụ bị shock vì lượng nước ối chảy ra ào ạt (cuối thai kỳ có đến 800ml nước ối). Nếu nước ối chảy ra nhiều, một chiếc “bỉm” thấm hút tốt sẽ hữu ích cho bạn. Nếu bạn cần nhập viện bằng xe ôtô, bạn có thể bảo vệ ghế xe với một miếng lót ni-lon. Nếu đó chỉ là một dòng nước nhỏ, rất khó để bạn phân biệt được chính xác són tiểu hay rỉ ối. Lúc này điều quan trọng là bạn cần xem xét tuổi thai của mình (càng gần đến ngày sinh thì khả năng vỡ ối càng nhiều). Để tránh nhầm lẫn và hạn chế khả năng nhiễm trùng, tốt nhất bạn nên đi khám khi vùng kín ra nhiều nước.
Sau khi kiểm tra, nếu đó là vỡ ối sớm (ít nhất ở tuần thứ 37), bạn có thể được chỉ định biện pháp kích thích sinh (thường là khoảng 24 tiếng sau khi vỡ ối) hoặc cố chờ xem có xuất hiện chuyển dạ không. Khoảng 9/10 phụ nữ (ít nhất sau tuần 37) có thế sinh con tự nhiên trong vòng 24-48 tiếng sau khi vỡ ối. Nếu bạn đang ở tuần thai 34-37, bạn cũng có thể chọn cách kích thích sinh hoặc chờ chuyển dạ khi bị vỡ ối sớm.
Nếu bạn dương tính với liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) trong thai kỳ, tình hình sẽ hơi khác một chút. Có khả năng bạn bị lây nhiễm GBS trong khoảng thời gian vỡ ối đến lúc chuyển dạ. Vì thế ở trường hợp này, bạn cần chọn cách kích thích sinh càng sớm càng tốt.
Nếu bác sĩ thấy ổn với cả bạn và con bạn, bạn có thể về nhà nếu muốn. Bạn hoàn toàn có thể tắm bồn hoặc tắm vòi hoa sen nhưng không được quan hệ vợ chồng khi ối đã bị rỉ vì điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Bạn cần
-Kiểm tra tim thai và chuyển động của bé sau mỗi 24 tiếng đồng hồ cho đến khi xuất hiện chuyển dạ hoặc được kích thích sinh.
- Kiểm tra thân nhiệt mỗi 4 tiếng một lần để xem bạn có bị sốt không.
- Kiểm tra thay đổi màu sắc và mùi vị của nước ối để xem có nhiễm trùng không.
- Kiểm tra xem bào thai có chuyển động như bình thường không.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc sốt (như đỏ bừng mặt hoặc run rẩy) hoặc bạn thấy bé kém chuyển động hơn bình thường, bạn cần nhập viện ngay lập tức. Nếu được chẩn đoán bị nhiễm trùng, bạn cần tiêm kháng sinh và dùng biện pháp kích thích sinh ngay.
Nếu không bị nhiễm trùng nhưng ối bị vỡ trong hơn 24 tiếng, bạn nên sinh con trong bệnh viện. Bởi vì bé có thể cần đuợc chăm sóc đặc biệt sau sinh. Bạn cũng cần ở lại bệnh viện ít nhất 12 tiếng sau sinh để bác sĩ kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng ở bé sơ sinh. Thậm chí bạn còn phải ở viện trong 5 ngày đầu tiên để bác sĩ kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng cho bé.
Theo Babycentre/Mevabe