3 Giai đoạn dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng thai kì: Nên ăn gì? kiêng gì?

Mang thai là giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với các bà mẹ, vì đây là thời điểm cơ thể cần nhiều dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Phụ nữ mang thai cần nuôi dưỡng bản thân, thai nhi ngày càng lớn, nhau thai, tử cung, mô vú cũng như dự trữ để nuôi con sau này. Nếu đảm bảo dinh dưỡng tốt và mức hoạt động thể lực hợp lí thì phụ nữ có thai sẽ có mức tăng cân tốt, trẻ sinh ra khỏe mạnh.

Trong cuốn “Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú” theo quyết định số 776/QĐ-BYT năm 2017, chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Dinh dưỡng tốt, không chỉ giúp người mẹ đáp ứng đầy đủ các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của cơ thể, mà còn đáp ứng những thay đổi sinh lý về chuyển hóa, tích lũy mỡ, tăng cân, tăng khối lượng tử cung do mang thai.

Dinh dưỡng cho bà bầu khi mang thai hợp lý còn giúp người mẹ có đủ dự trữ cần thiết để có đủ sữa sau sinh. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng, cách ăn uống của người phụ nữ khi mang thai đặc biệt quan trọng, mỗi người phụ nữ cần quan tâm tới khẩu phần ăn của mình lúc mang thai một cách khoa học, đạt được mức tăng cân phù hợp với tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai. Những người mẹ bị thiếu năng lượng trường diễn từ trước khi mang thai và chế độ dinh dưỡng kém trong thời gian mang thai dễ sinh ra những đứa trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng.

Mức tăng cân trong thai kỳ: Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi, tăng cân của người mẹ lúc mang thai phụ thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.

Tùy theo tình trạng dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể: BMI) trước khi có thai của người mẹ để khuyến nghị mức tăng cân:

Tình trạng dinh dưỡng bình thường (BMI: 18,5-24,9): Mức tăng cân của người mẹ nên đạt là 10-12kg. Mức tăng cân cụ thể như sau:

  • 3 tháng đầu (quý I): 1 kg
  • 3 tháng giữa (quý II): 4-5 kg
  • 3 tháng cuối (quý III): 5 - 6 kg
  • Tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI <18,5): mức tăng cân nên đạt 25% cân nặng trước khi có thai.
  • Tình trạng dinh dưỡng thừa cân, béo phì (TC, BP) (BMI ≥25): mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi có thai

Cân nặng của mẹ trước khi có thai và sự tăng cân trong thai kỳ ảnh hưởng rõ rệt đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Mẹ có cân nặng trước khi có thai dưới 40 kg, cân nặng trước khi đẻ dưới 47 kg và tăng cân trong khi có thai dưới 5 kg có nguy cơ đẻ con nhẹ cân < 2.500g (Tài liệu: Hướng dẫn quốc gia về dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú).

Để mẹ có thai kỳ khỏe mạnh và bé yêu phát triển toàn diện cả thể chất và trí não, thực hiện chế độ dinh dưỡng cho bà bầu khoa học, cân bằng trong suốt thai kỳ rất quan trọng. Dưới đây là gợi ý về chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng thai kì qua các giai đoạn, giúp mẹ đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và giữ vững sức khỏe cho bản thân cũng như em bé.

Dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng thai kì là một trong những yếu tố quan trọng giúp mẹ và bé khỏe mạnh

1. Dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai 3 tháng đầu – xây dựng nền tảng chế độ dinh dưỡng cơ bản

3 Tháng đầu khi mang thai là giai đoạn quan trọng để bé hình thành các cơ quan quan trọng, mô, tổ chức như tim, tế bào thần kinh, phổi, gan... Các bà bầu cần lưu ý bổ sungđầy đủ các dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày, tăng cường các thực phẩm giàu dinh dưỡng và lưu ý bổ sung các chất sau đây:

  • A-xít folic: Đây là vi chất quan trọng để phát triển hệ thần kinh của thai nhi, giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh. Axit folic có nhiều trong rau cải bó xôi, cam, đậu nành. Phác đồ bổ sung folic cho phụ nữ có thai: Uống ngày 1 viên trong suốt thời gian có thai đến sau đẻ 1 tháng. Mỗi viên gồm 400 mcg acid folic và 60 mg sắt mỗi ngày.
  • Protein: Hỗ trợ sự phát triển của tế bào. Nguồn cung cấp tốt gồm thịt gà, trứng, sữa.
  • Vitamin B6: Giúp giảm cảm giác buồn nôn trong thai nghén. Có trong chuối, khoai tây, ngũ cốc nguyên cám.

Dinh dưỡng cho mẹ bầu rất quan trong giai đoạn đầu thai kì

Mẹo nhỏ: Bà bầu nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày để giảm tình trạng ốm nghén và khó chịu ở dạ dày.

2. Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng giữa thai kì (tuần 13-26): Em bé tăng trưởng nhanh chóng

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầuở giai đoạn thứ 2 thai nhi phát triển về khung xương và chiều cao, do đó, mẹ bầu cần chú ý bổ sung các thực phẩm giàu canxi, kẽm như cua, tôm, trứng, sữa, các loại thủy hải sản... Chế độ ăn hàng ngày của mẹ bầu cần đảm bảo cung cấp đủ 1.200 mg nhu cầu canxi theo khuyến nghị qua thực phẩm. Mẹ bầu cũng cần tiếp tục uống viên sắt, axit folic hoặc viên đa vi chất theo khuyến cáo.

Ở giai đoạn này, mức năng lượng khuyến nghị tăng thêm cho mẹ bầu khoảng 250 kcal một ngày (trong đó lượng chất đạm tăng 10 gram).

  • Canxi: Giúp hình thành xương và răng của thai nhi. Canxi có trong sữa, phô mai, hải sản. Trong giai đoạn mang thai nhu cầu khuyến nghị canxi đối với mẹ bầu là 1200mg/ngày.
  • Sắt: Hạn chế nguy cơ thiếu máu cho mẹ và tăng cường vận chuyển oxy đến thai nhi. Nguồn cung cấp gồm thịt đỏ, rau bó xôi, hạt đỗ.
  • Omega-3: Hỗ trợ phát triển não bộ và thị lực của thai nhi. Có trong một số loại cá và các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt chia, hạt điều…

Ngoài ra, vitamin D cũng là một yếu tố quan trọng giúp hấp thụ canxi hiệu quả, có thể bổ sung từ ánh nắng mặt trời hoặc dầu cá. Bên cạnh đó, trong chế độ dinh dưỡng của bà bầu ở 3 tháng giữa của thai kì mẹ đừng quên bổ sung sữa và các chế phẩm từ sữa.

Mô hình tháp dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng dành cho mẹ đang mang thai

3. Dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng cuối (tuần 27-40): chuẩn bị ngày chào đón bé

Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là lúc thai nhi phát triển cân nặng nhanh nhất. Việc chọn chế độ dinh dưỡng cho bà bầu trong 9 tháng thai kì ở mỗi giai đoạn sẽ có sự thay đổi khác nhau. Trong giai đoạn này mức năng lượng mẹ bầu cần nạp vào tăng thêm 450 kcal một ngày (trong đó đạm tăng 31 gram) so với bình thường.

Đây là giai đoạn thai nhi hoàn thiện các cơ quan và tăng khối lượng. Bà bầu nên tập trung vào:

  • Carbohydrate phức tạp: Cung cấp năng lượng cho cơ thể. Nguồn cung cấp tốt gồm gạo lứt, bánh mì đen, khoai lang.
  • Vitamin C: Tăng cường khả năng hấp thụ sắt và tăng sức đề kháng. Có trong cam, quýt, dâu tây.
  • Chất xơ: Giúp ngừa tình trạng táo bón thường gặp trong thai kỳ. Có trong rau xanh, hạt lanh, trái cây.
  • Protein, chất béo, sữa và các chế phẩm từ sữa.

Hãy kết hợp thêm chất béo không bão hòa từ các loại hạt như hạt óc chó, hạt hướng dương để bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và bé.

Ở mỗi giai đoạn, dinh dưỡng cho bà bầu luôn cần chú trọng đảm bảo sức khỏe cho cả hai

Một số thực phẩm trong giai đoạn dinh dưỡng cho mẹ bầu nên tránh

Để đảm bảo an toàn, các bà bầu cần hạn chế những thực phẩm sau:

  • Thực phẩm tái, sống: để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Đồ ăn chế biến sẵn: Thường chứa nhiều muối và chất bảo quản không tốt cho sức khỏe.
  • Caffeine và rượu: Ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Lời khuyên để duy trì chế độ ăn lành mạnh:

  • Uống đủ nước (2-3 lít mỗi ngày) để duy trì tuần hoàn máu và tránh táo bón.
  • Ăn uống đa dạng, cân đối các nhóm thực phẩm.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng thực đơn phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ.

Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn quyết định sự phát triển toàn diện của bé yêu. Vì vậy, hãy lựa chọn thực phẩm một cách thông minh và duy trì thói quen ăn uống khoa học để cả mẹ và bé luôn khỏe mạnh.

                                                                                                               Bài: Tổ truyền thông/PSTW