Chửa ngoài tử cung - nguy hiểm vì dễ bỏ qua triệu chứng

Dễ nhầm với rối loạn kinh

Sau 7 ngày nằm viện, chị Nguyễn Hải Linh (Xa La, Hà Đông) vẫn còn “kinh hoàng” với nỗi đau khủng khiếp trong suốt thời gian nằm viện. Do mất gần 1 lít máu đông trong ổ bụng nên chị thiếu máu trầm trọng, được truyền máu mà vẫn choáng, phải một tuần sau mới được ra viện.

Chị kể, khi vào Viện Quân Y 103, được chuyển ngay sang khoa sản vì nghi ngờ chửa ngoài tử cung, chị rất ngỡ ngàng, còn cố ngóc đầu lên nói với bác sĩ, rằng mình mới “thấy tháng”, sao lại có bầu được.

Tuy nhiên, khi thử nước tiểu cho thấy chị có thai, các bác sĩ liền tiến hành các thủ tục để mổ cấp cứu sau đó 2 đồng hồ. Kết quả thai của chị đã được khoảng 7 tuần, đã vỡ ở ngay vòi trứng phải.

Chị Hải Linh cho biết, chị vốn là người rất cẩn trọng, lại kinh nguyệt đều nên chỉ chậm 1- 3 ngày là chị mua que về thử. Nhưng 4 tháng trở lại đây, chị bị rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh kéo dài 7- 10 ngày, lúc sớm, lúc muộn nên chị không thể nhớ ngày hành kinh của mình. Vì thế, đi khám ở đâu, bác sĩ hỏi đến kinh nguyệt chị đều bảo vừa bị. Có lẽ đó là nguyên nhân khiến nhiều bác sĩ cũng đã không nghĩ tới nguy cơ này.

Sau khi ra kinh, chị bắt đầu bị đau bụng, lúc đầu chỉ âm ỉ, sau đó là những cơn đau dữ dội. Đặc biệt, cứ những lần đau như vậy, chị đều rất muốn đi đại tiện, nhưng có ngồi trong toilet cả tiếng đồng hồ thì cũng không thể đi được, dù lần nào cũng rất muốn đi. Đi khám tại phòng khám tư, chị cũng kể với bác sĩ chi tiết này và được cho uống thuốc… đau dạ dày và siêu âm. Đúng khi đó, cơn đau bụng lại dội lên, sau khi phi vào nhà vệ sinh và cho ra được, cơn đau giảm hẳn xuống, nên vị bác sĩ này càng chắc mẩm chị bị đau dạ dày.

Không yên tâm, sáng hôm sau chị đi nội soi dạ dày tại bệnh viện và quả đúng chị bị viêm trợt, loét hang vị, thế nên chị cứ yên tâm uống thuốc, dù những cơn đau dữ dội vẫn không hề thuyên giảm, cho đến khi có cảm giác vỡ “ục” đó, chạy vội vào viện thì đã phải mổ cấp cứu, chỉ chậm vài tiếng nữa là nguy cơ tử vong cao.

Khác trường hợp của chị Hải Linh, Chị Liên ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng bị rong kinh 10 ngày liên tục nhưng không kèm triệu chứng đau bụng, không “mót” đại tiện mà chỉ thấy ra nhiều kinh và nhức mỏi lưng như mỗi lần “thấy tháng”. Chị Liên liền mua que thử thai thì xuất hiện hai vạch. Cẩn trọng, chị cũng đi siêu âm tại phòng khám nhưng thai chưa vào tử cung, nên bác sĩ dặn cách 2 ngày một lần siêu âm, vì tình trạng của chị, một là thai ngoài tử cung, hai là sẩy thai.

Sau 2 lần siêu âm vẫn không phát hiện gì, trong khi thấy người càng lúc càng mệt mỏi, chị mới tới bệnh viện Phụ sản TƯ khám và cũng được mổ nội soi cấp cứu. Tuy nhiên, chị cũng bị cắt một bên vòi trứng phải, dù túi thai chưa vỡ.


Không được phát hiện sớm, thai sẽ làm vỡ các mạch máu nơi nó làm tổ

Tai biến nguy hiểm

Theo bác sĩ sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động, Bộ NN và PTNT, chửa ngoài tử cung là một mối nguy với các sản phụ, luôn được quan tâm hàng đầu vì nếu bỏ sót, chậm trễ trong việc xử lý, túi thai vỡ gây phá vỡ các mạch máu nơi nó làm tổ, khiến máu xuất huyết ồ ạt trong ổ bụng. Việc mất máu nhanh và nhiềunày có thể làm các sản phụ tử vong nhanh chóng. Trên thực tế, nhiều sản phụ đã bị vỡ túi thai, lượng máu đông cục thu được trong ổ bụng rất nhiều, khoảng từ 700ml cho tới hơn 1 lít máu.

Theo BS Dung, điều đáng ngại là hiện nay, tình trạng chửa ngoài tử cung có xu hướng tăng lên, do tình trạng nạo phá thai tăng. Vì chửa ngoài tử cung thường gặp ở những người đã từng nạo thai. “Bình thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển theo ống dẫn trứng để vào trong tử cung và “làm tổ” tại đó. Sau 1- 2 tuần chậm kinh, đi siêu âm đã có thể thấy túi thai trong tử cung. Nhưng có những người, phôi thai đang di chuyển qua ống dẫn trứng thì bị tắc lại đó. Nguyên nhân có thể là do nạo hút thai nhiều, hoặc viêm nhiễm vòi trứng khiến lối đi lại của ống dẫn trứng không còn thông thoáng nữa, hoặc khiến phôi thai tắc ngay tại điểm hẹp. Trong khi đó, phôi thai thì lớn dần lên, đến một mức nào đó sẽ phá vỡ các mạch máu nơi nó đậu lại trên vòi trứng, gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng, có thể làm sản phụ tử vong nhanh chóng”, BS Dung nói.

Vì thế, để kịp thời phát hiện tai biến nguy hiểm này, chị em phụ nữ cần ghi nhớ ngày bắt đầu kì kinh, để khi muộn kinh vài ngày thì ngoài mua que thử thai cũng cần đi khám, siêu âm xem thai đã vào tử cung chưa. Có những trường hợp thai vào tử cung sớm nhưng cũng có những trường hợp phôi thai di chuyển muộn, nên phải theo dõi rất chặt chẽ, phòng nguy cơ bỏ sót tai biến chửa ngoài tử cung.

Không phải ai cũng có triệu chứng rõ ràng khi bị thai ngoài tử cung, nhưng biểu hiện hay gặp nhất là chậm kinh, rong huyết, đau âm ỉ vùng dưới rốn rồi cơn đau tăng dần, kèm theo biểu hiện “mót” đại tiện nhưng không thể đi được…

Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ không mấy phức tạp và cũng không nguy hiểm cho thai phụ và có thể không phải cắt bỏ vòi trứng. Nhưng khi túi thai đã vỡ gây xuất huyết ồ ạt trong ổ bụng, thì rất nguy hiểm. Dù được việc mổ cấp cứu cứu nhưng đều phải cắt bỏ vòi trứng bên vỡ, chưa kể, sản phụ mất máu nhiều nên rất lâu hồi phục sức khỏe.

Để phòng ngừa thai ngoài tử cung phải giữ vệ sinh phụ nữ tốt, hạn chế nạo phá thai, phòng ngừa viêm nhiễm sinh dục, đi khám sau vài ngày chậm kinh và theo chỉ định của bác sĩ.

Hồng Hải

Trả lời thư bạn đọc số 43

Câu hỏi số 117:Chào bác sĩ, tôi 27 tuổi, chưa sinh con lần nào. Gần đây tôi thường xuyên bị đau tức 2 bên nếp nằn bẹn, thỉnh thoảng có lan ra trước xương mu. Đi siêu âm không có gì bất thường.