Không thể “xuất quân”, “xuất quân” không đúng giờ, đúng chỗ hoặc “con giống” yếu… là những nguyên nhân khiến cho nhiều cặp vợ chồng không thể có con phải tìm đến “ngân hàng” tinh trùng để mong tìm lại hạnh phúc được làm cha, làm mẹ.
"Khôn nhà dại chợ"
Với vẻ bền ngoài cao 1,75 m, nặng 68 kg, M. mắc phải căn bệnh “khôn nhà dại chợ”. Dù đã lấy vợ đã gần 10 năm nhưng trong quan hệ chăn gối với vợ, M. không thể nào “xuất quân” được.
Cuộc sống vợ chồng trẻ lâu năm thiếu tiếng con trẻ khiến cho quan hệ ngày càng xấu đi, nhất là khi M. thổ lộ “bí mật chết người” với vợ rằng: "Khi ra ngoài M. hoàn toàn có thể xuất theo ý muốn, nhưng không hiểu tại sao ở nhà M. không thể làm được".
Những lọ bảo quản tinh trùng tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội.
Bỏ qua những băn khoăn, những khúc mắc hoài nghi, cuối cùng vợ M. đã quyết định, chấp nhận để M. ra ngoài “hành sự” và khi xuất tinh thì lấy mẫu đưa nhanh vào Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội rồi sau đó lọc rửa bơm vào tử cung vợ. Kết quả, đến nay vợ chồng M. đã sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Trong cuộc trao đổi với PV. VietNamNet về chuyện hiến tinh trùng ở Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, Tiến sỹ Lê Vương Văn Vệ còn kể ra nhiều câu chuyện li kỳ mà nói ra nhiều người sẽ rất khó tin.
Trường hợp của Q. là một điển hình. Dù là một người bình thường khoẻ mạnh, nhưng khổ nỗi cứ mỗi khi “lên đỉnh” Q. lại không thể xuất ra ngoài theo cách thông thường mà lại xuất vào bàng quang. Chính vì bệnh lý này cho nên khi lấy vợ, Q. không thể có con được. Sau nhiều lần đắn đo vì mặc cảm, cuối cùng Q. đã tìm đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội khám.
Tại đây Q. được các bác sỹ tiến hành lọc rửa tinh trùng từ nước tiểu rồi "gửi" vào ngân hàng, sau đó "bơm" cho vợ. Cuối cùng, vợ Q. cũng đã có mang rồi sinh con khoẻ mạnh bình thường.
Mới đây nhất, Bệnh viện Nam học lại tiếp nhận trường hợp người đàn ông trung niên đến khám, anh này cho biết mình lâm vào cảnh không thể “xuất quân” theo cảm hứng được, mà trái lại anh chỉ có thể xuất trong khoảng thời gian từ... 3-4 giờ sáng. Điều này gây khó khăn cho việc sinh con của vợ chồng anh. Sau khi được các bác sỹ hướng dẫn trong suốt một tuần, cứ sau khi hành sự xuất được “con giống” thì sáng sớm anh lại đem tinh trùng đến gửi “ngân hàng” để lọc rửa "bơm" cho vợ.
Hạnh phúc từ trong nỗi đau
L. là một thanh niên cao to đẹp trai, lấy vợ đã 4 năm rồi nhưng mãi mà không thấy vợ có thai. Đến khi đi khám tại bệnh viện, L. mới biết trong tinh dịch của mình không có tinh trùng nên không thể có con. Đau khổ vì mình không thể duy trì giống nòi, L. lao vào nhậu nhẹt với những cơn say bí tỷ. Sau mỗi lần uống say, về nhà nhìn thấy cảnh người vợ trẻ đẹp ôm gối khóc L. lại càng thêm đau khổ.
Bác sĩ đang tiến hành làm tinh dịch đồ cho một bệnh nhân hiếm muộn
(Ảnh: Bee.net)
Một hôm tỉnh giấc sau cơn say, L. quyết định đến Bệnh viện Nam học nhờ bác sỹ tư vấn. Tại đây, L. được bác sỹ Vệ cho biết vợ chồng L. hoàn toàn có thể có con hợp pháp và cần được người hiến tinh trùng.
Đắn đo suy nghĩ trước “bản án” mình không thể có con và điều quan trọng sẽ nhiều người biết mình “bị điếc”, cuối cùng L. quyết định vượt qua sự tự ái để nói chuyện trực tiếp với người hiến tinh trùng.
Sau 3 tháng xét nghiệm mẫu tinh, L. vui mừng khi biết người hiến tinh trùng cho vợ chồng anh là một nam sinh viên khỏe mạnh, chỉ số IQ cao…
Sau đó, L. đã đưa vợ đến bệnh viện để làm khâu cuối của thụ tinh nhân tạo. Kết quả khám mới đây cho thấy, hiện vợ L. đã có bầu như những người bình thường khác.
Trong những câu chuyện về những cặp vợ chồng hiếm muộn tìm thấy hạnh phúc khi đến xin được hiến tinh trùng, TS.BS Lê Vương Văn Vệ nhớ nhất là cặp vợ chồng sinh 3 duy nhất cách đây mấy năm về trước.
Đó là một cặp vợ chồng trẻ lấy nhau đã hơn 3 năm mà chưa có con. Sau khi người chồng đi khám biết mình không có “con giống” nên đã chạy chữa ở một cơ sở y tế, nhưng không đem lại kết quả. Cuối cùng, hai vợ chồng đã tìm đến Bệnh viện Nam học và hiếm muộn khám và điều trị.
Chị vợ trước khi được "bơm" đã phải trải qua một đợt điều trị viêm nhiễm phụ khoa, các bác sĩ đã phải sử dụng phương pháp kích thích nang trứng rồi mới "bơm" tinh trùng vào tử cung khi đã được lọc rửa.
Kết quả thật bất ngờ, chị vợ mang thai 2 trai, 1 gái. Đó là cặp sinh 3 đầu tiên nhờ tinh trùng của người hiến tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội.
TS, BS. Lê Vương Văn Vệ cho hay, vô sinh do không thấy tinh trùng có thể vì tắc ống dẫn tinh. Bác sĩ phải chọc hút trực tiếp vào mào tinh hoàn, thậm chí phải phẫu thuật để lấy tinh trùng ra, lọc rửa, nuôi dưỡng rồi cấy ghép với noãn của vợ tạo ra phôi.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có kết quả tốt đẹp được. Có người không thể tìm thấy một "con giống" nên muốn có con buộc phải sử dụng tinh trùng của người khác hiến.
Nơi “để dành” con giống
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hợi, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bênh viện Phụ sản TƯ cho biết, tình trạng "gửi" tinh trùng ở bệnh viện hiện nay có rất nhiều. Mỗi người đến gửi đều có hoàn cảnh và lý do khác nhau. Có người khi đi công tác xa tận nước ngoài nhiều năm để vợ ở nhà, nhưng lại muốn trong thời gian mình đi công tác ở nhà vợ sinh con, nên đã đến trung tâm gửi “con giống” để vợ ở nhà bơm vào tử cung rồi mang thai.
Có người cẩn thận hơn, sợ một ngày nào đó chẳng may mình sẽ “ra đi” vĩnh viễn, nhưng lại muốn vợ không đi bước nữa mà có con với mình nên đã lưu lại “nguồn” tại trung tâm hỗ trợ sinh sản và các “ngân hàng” tinh trùng.
Mới đây, Bệnh viên Phụ sản TƯ có một người đàn ông tuổi trung niên sau khi lên quai bị, sợ bị teo tinh hoàn không thể sinh con nên đã vội vàng đến bệnh viện để gửi mẫu tinh trùng, đề phòng sau này nếu chẳng may không có con thì sẽ sử dụng nguồn tinh trùng đã gửi để "bơm" cho vợ có thai.
Theo tìm hiểu của PV, tại Bênh viện Nam học và Bệnh viện Phụ sản TƯ, có khá nhiều người sau khi phát hiện mình mắc bệnh ung thư đã đến gửi “con giống” tại bệnh viện.
Theo tiến sĩ Vệ, đối với những trường hợp người đàn ông mắc bệnh ung thư, nếu chưa di căn vào hệ thống tinh trùng thì không lo ngại yếu tố di truyền. Bởi, trước khi xạ trị họ lấy tinh trùng ra thì “con giống” không bị ảnh hưởng.
"Thậm chí, ngay với những trường hợp người hiến tình trùng bị viêm gan B, qua quá trình lọc rửa tinh trùng thì 3 người hiến chỉ cùng lắm có một người bị nên không đáng ngại” ông Vệ cho biết.
Mức chi phí cho những người gửi “con giống” ở “ngân hàng” tình trùng theo ông Vệ là không quá đắt. Mỗi năm, một người gửi chỉ phải chi khoảng 3-4 triệu đồng/người.
"Kẻ ăn không hết người lần không ra"
Theo ông Vệ, việc hiến tinh trùng xét ở một góc độ xã hội nào đó rất có lợi, vì cuối cùng một người hiếm muộn sẽ có con. Tuy nhiên, việc hiến tinh trùng để dẫn tới một kết quả tốt đẹp thì cần phải trải qua nhiều công đoạn.
Trước hết, nguồn tinh trùng hiến cần phải xem xét yếu tố di truyền. Người hiến phải đi khám kiểm tra tinh dịch, và sau 3 tháng có kết quả nếu không có bệnh lây nhiễm, di truyền… thì sẽ được kiểm tra lại một lần nữa để tránh giai đoạn cửa sổ HIV, sau đó mới hiến được.
“Người hiến được chỉ định hiến 3 lần, mỗi lần 1 đến 2 mẫu để làm cho người phụ nữ có thai và nếu hiến một hai mẫu cho kết quả thì thôi và mẫu tinh trùng còn lại sẽ vứt đi vì luật quy định như thế”, ông Vệ cho biết.
Ông Vệ còn khẳng định, nguồn tinh trùng ở bệnh viện nơi ông công tác luôn thiếu, và người tự nguyện đến hiến tinh trùng hầu như không có, mà chỉ có chuyện người nhà cho nhau, "ông anh" không có thì "ông em" cho để duy trì giống nòi.
Giải thích về lý do khiến cho ngân hàng tinh trùng thiếu “vốn”, ông Vệ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý của người hiến hiện còn lo ngại nảy sinh vấn đề phức tạp sau này.
Ông Vệ dẫn chứng: “Trong khi mỗi ngày có hàng vạn thanh niên Hà Nội có thể “đổ đi” hàng trăm, hàng nghìn lít tinh trùng nhưng bảo hiến thì họ lại nhất thiết không, vì tất cả có tâm lý sợ sau này nảy sinh vấn đề phức tạp. Điều này khiến cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khó khăn trong việc tìm “nguồn”.
Tại Bệnh viện Phụ sản TƯ, khi được hỏi về nguồn tinh trùng được hiến trong thời gian qua, ông Hợi cũng khẳng định, việc có người tự nguyện đến hiến là rất hiếm. Chính vì vậy, để đảm bảo “nguồn” tinh trùng, bệnh viện quy định cứ một người được hiến thì phải có một người thân, hoặc bạn bè đến hiến lại cho ngân hàng một mẫu tinh trùng khác đảm bảo chất lượng.
Ông Hợi cũng cho biết thêm: Ở Bệnh viện Phụ sản TƯ, có nhiều trường hợp muốn làm chui, người vợ hoặc người chồng đến xin làm nhưng bệnh viện không đồng ý. Vì phải có đơn và được giám đốc bệnh viện ký thì đứa con ra đời mới đúng với pháp luật.
Vũ Điệp – Quang Anh
Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương xin trân trọng thông báo: Hội Nghị Bệnh viện vệ tinh mở rộng chuyên ngành Sản - Phụ Khoa sẽ chính thức diễn ra trong 2 ngày từ 26-27/12/2024 tại Ninh Bình.
Ngày 11/12/2024, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức khóa đào tạo "Kỹ thuật chuyển phôi trong IVF" sử dụng phương pháp thực hành mô phỏng thực tế ảo hiện đại nhất trên thế giới.
Ngày 13/12/2024, khóa học DIU: “Siêu âm chẩn đoán trước sinh và Y học bào thai” được long trọng tổ chức tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
TTND.GS.TS Nguyễn Duy Ánh được bổ nhiệm làm Trưởng Bộ môn Phụ sản Trường Đại học Y Hà Nội.
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam