2 năm bổ sung 20 ngàn giường bệnh, tương đương xây dựng 40 bệnh viện mới.

Đây là thông tin được TS Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế - đưa ra tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 22/11.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu tại phiên trả lời chất vấn chiều 22/11.  Ảnh: Sỹ Lực

Nhiều bệnh viện không còn nằm ghép

Ngành y tế cũng có rất nhiều cố gắng, anh chị em công tác trong lĩnh vực này đúng là có rất nhiều khó khăn, tận tụy ngày đêm gian khổ vất vả, nhưng cũng đã hết sức cố gắng và trình độ chữa bệnh của chúng ta, các phương tiện kỹ thuật của chúng ta cũng ngày được nâng cao và như Bộ trưởng thường nói so sánh với các nước xung quanh trong khu vực thì ta cũng với tinh thần rất dè dặt, nhưng vẫn có thể là chúng ta rất lạc quan, rất phấn khởi trước thành tựu đấy.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng

Trước nhiều câu hỏi băn khoăn về tình trạng nằm ghép trong các bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, sau gần 3 năm thực hiện giải pháp chống quá tải ở bệnh viện, từ chỗ thường xuyên có 15 ngàn người nằm ghép (cuối 2007) bây giờ chỉ còn 6.000 người thường xuyên nằm ghép.

Đã có những bệnh viện cơ bản 2 năm không còn nằm ghép, như : Bệnh viện Việt Đức; Bệnh viện Trung ương Huế; Bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội…   “Tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi khi chúng tôi kiểm tra năm 2008 công suất 300%, tức là cứ bình quân 3 cháu một giường thì bây giờ cũng không còn nằm ghép. Nói thế để truyền hình trực tiếp ở đây cử tri nghe sẽ giám sát việc công bố của ngành” - Bộ trưởng dẫn chứng thêm.

Theo Bộ trưởng, để có được kết quả trên thì một trong những biện pháp đã được thực hiện mang lại hiệu quả rất tốt là giảm diện tích khu hành chính, tăng diện tích khu điều trị để kê thêm giường bệnh. Trong 2 năm đã bổ sung thêm được 20 ngàn giường bệnh, tương đương với xây dựng 40 bệnh viện mới.

Bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh giảm

Đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng) nêu vấn đề tình trạng số bệnh nhân ra nước ngoài chữa bệnh có xu hướng tăng lên, nhất là các bệnh khó như tim mạch, ung thư, ghép tạng....   Về vấn đề này Bộ trưởng cho biết qua theo dõi thực tế hiện nay bệnh nhân ra nước ngoài điều trị ngày càng giảm, “Bây giờ trong ghép tạng ta đã ghép được tim, ghép được gan, ghép thận thường quy, đó là những thành tựu mà trước đây phải đi nước ngoài thì bây giờ trong nước đã làm được…  Những gì khu vực và quốc tế làm được thì chúng ta đã làm được”.

“Ở đây tôi nhìn thấy 4, 5, 6 đồng chí vừa đặt stent mạch vành (còn được gọi là giá đỡ động mạch vành) ở trong nước, đặt có 3 hôm là về họp Quốc hội ngay, kỳ họp thứ 7 vừa họp Quốc hội vừa đặt stent mạch vành” - Bộ trưởng vui vẻ chứng minh.

Cũng theo Bộ trưởng, những bước tiến của ngành Y tế còn được thể hiện qua việc thường xuyên bây giờ có trên 300 bác sỹ trẻ của các nước trong khu vực tới Việt Nam học trong các lĩnh vực như tim mạch can thiệp, mổ nội soi và huyết học.

Bộ Y tế xin nhận phần khó khăn

Đại biểu Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) gay gắt: “Trong khi tai nạn giao thông vẫn đang diễn ra hàng ngày thì cũng hàng ngàn người có bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông vẫn đang mòn mỏi chờ trông việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh chỉ vì hướng dẫn thủ tục không cụ thể, không rõ ràng, không thống nhất giữa cơ quan chủ quản, chủ trì là Bộ Y tế với Bộ Tài chính, công an và bảo hiểm xã hội Việt Nam”.
“Bộ Y tế có đề xuất nhận phần khó khăn về cơ quan quản lý Nhà nước và dành thuận lợi cho dân, tức là bị tai nạn giao thông vào thì cứ cứu chữa” - Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thẳng
 

 

thắn trả lời về việc khám chữa bệnh bằng thẻ bảo kiểm y tế khi gặp tan nạn giao thông.     Tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho biết đây là thông tư liên tịch của nhiều bộ ngành, nên vấn đề trên đã được  báo cáo với Thủ tướng. Khi có kết luận của Thủ tướng, Bộ sẽ giải quyết theo hướng tạo thuận lợi nhất cho người bệnh.

Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng 50%

Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk) đưa ra chất vấn vì sao chúng ta bị lệ thuộc vào một số công ty dược phẩm lớn của nước ngoài? Vì sao chúng ta là nước đông dân thứ 13 so với thế giới nhưng cho đến nay chưa làm được gam kháng sinh nào, một gam vitamin nào?.  

Về giá thuốc thì phải nói rằng Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương cùng với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong năm qua đã tập trung khá nhiều công sức. Giá tăng trung bình của 11 mặt hàng thiết yếu trong 10 tháng qua và năm 2009 là 8,6%. Giá thuốc chỉ tăng 3.2%. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu

Trả lời, Bộ trưởng cho biết thực tế việc công nghiệp dược của Việt Nam phải nhập 90% nguyên liệu để sản xuất, cũng là tình hình chung của nhiều nước trên thế giới.   Bộ trưởng chứng minh: Mỹ phải nhập nguyên liệu sản xuất thuốc lên tới 90% từ Ấn Độ và Trung Quốc; châu Âu cũng nhập trên 70% nguyên liệu; Thái Lan là nước sản xuất được 63% thành phẩm thì cũng phải nhập 95% nguyên liệu... Trên thế giới chỉ có khoảng 20 nước là có thế lợi sản xuất ra được nguyên liệu hoạt chất hóa dược mà cạnh tranh được và trụ được.   Bộ trưởng nêu: Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ nhất định trong công nghiệp sản xuất hóa dược, công nghiệp bào chế sản xuất vắc xin, sinh phẩm. Cụ thể là đã sản xuất được kháng sinh và chúng ta đã sản xuất được hầu hết các vắc xin phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng và cũng có kế hoạch xuất khẩu và cũng đã xuất khẩu được.

Thực tế 10 năm qua sản lượng thuốc của Việt Nam sản xuất tăng 5 lần trong giai đoạn 2001 - 2009. Tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu thuốc cũng tăng từ 32% năm 2001 lên 50% năm 2009, nhờ đó giảm tỷ lệ thuốc nhập khẩu xuống còn 50% vào năm 2009…   Cũng theo Bộ trưởng, tại hội nghị Bộ trưởng y tế các nước ASEAN, các nước đã rất ca ngợi Việt Nam trong việc tiêm chủng mở rộng, mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe sinh sản… tuổi thọ chúng ta là cao hơn cả Thái Lan, Philipinnes, Malaysia.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta không tự mãn nhưng cũng phải thấy được chính sách của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội trong lĩnh vực y tế cơ sở và những chính sách y tế cộng đồng và chăm sóc sức khỏe đã có được những kết đáng tự hào”.  

Ý kiến của một số đại biểu

* Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Về đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét lại tuổi về hưu để chúng ta sử dụng chất xám của ngành y tế, chúng tôi sẽ nghiên cứu trong vấn đề sửa Bộ luật lao động năm tới sẽ báo cáo ra Quốc hội.

* Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Phần trái phiếu Chính phủ cho y tế, bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thì Chính phủ đã triển khai, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã phối hợp rất chặt chẽ và triển khai tốt.

* Đại biểu Trần Thị Hằng  (Nam Định): Các dự án đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp bệnh viện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2008 - 2010, mục tiêu của dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện, thành phố nhằm nâng cao năng lực, chất lượng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân đang có hiệu quả. Đề nghị Bộ Y tế bổ sung nguồn vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án theo hợp đồng đã ký kết.

* Đại biểu Hồ Thị Thu Hằng (Vĩnh Long): Vấn đề thứ hai là hiện nay đời sống của đa số cán bộ, viên chức y tế còn gặp nhiều khó khăn, chế độ đãi ngộ còn bất cập như chế độ phụ cấp trực, chống dịch, phẫu thuật, thủ tục, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.

* Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắk): Việc đưa các bệnh viện lớn ra khỏi Hà Nội và các thành phố lớn là không hợp lý, ở đâu có đông dân là nơi đó phải có bệnh viện, có trường học,.Tất nhiên ,để tránh tình trạng quá tải như bệnh viện K mà Bộ trưởng vừa nói là rất tốt, ta chỉ nên có phân viện ở ngoại thành, chứ không nên đưa cả bệnh viện Bạch Mai ra ngoại thành.

  Võ Hải