Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010

Báo Gia đình và Xã hội đang tường thuật trực tiếp Hội nghị này trên Giadinh.net.vn. Mời bạn đọc theo dõi.

Sau hơn 2 năm triển khai, Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” gọi tắt là Đề án 1816 đã đạt những kết quả rất khả quan.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1988/VPCP-KGVX ngày 31/3/2011 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế lần đầu tiên tổ chức Chương trình Hội nghị trực tuyến Sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010 tại Hà Nội từ 8giờ 30 đến 12 giờ hôm nay, 30/5/2011.

Để quảng bá rộng rãi chương trình Hội nghị đến với bạn đọc cả nước, Báo Gia đình và Xã hội tường thuật trực tiếp toàn cảnh Hội nghị trực tuyến này trên báo Giadinh.net.vn.

Dưới đây là diễn biến chương trình. 

Theo quan sát của PV Giadinh.net.vn, Báo Gia đình và Xã hội tại đầu cầu Trung ương, nơi diễn ra Hội nghị, dù chưa đến giờ khai mạc nhưng các đại biểu đã có mặt đầy đủ và ổn định chỗ ngồi với sự đón tiếp chu đáo của Ban tổ chức. Các màn hình lớn, các thiết bị thu phát âm thanh, máy chiếu và các trang thiết bị khác phục vụ cho việc trực tuyến đã sẵn sàng để bắt đầu Hội nghị.  

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (thứ 4 từ trái qua), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu (thứ 3 từ trái qua), Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên (thứ 5 từ trái qua), Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến (thứ 2 từ trái qua) và các đại biểu tại Hội nghị.

  Đúng 8:30, đ/c Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh – Bộ Y tế lên tuyên bố lý do và giới thiệu các đại biểu:   Về lý do tổ chức Hội nghị, đ/c Cao Hưng Thái cho biết: “Ngày 26 tháng 5 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1816/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án "cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh", gọi tắt là Đề án 1816.

Để đánh giá kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1988/VPCP-KGVX ngày 31/3/2011 của Văn phòng Chính phủ, hôm nay Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008 - 2010.

Sau đó, thay mặt Ban tổ chức, đ/c Cao Hưng Thái lần lượt giới thiệu các đại biểu tham dự Hội nghị, gồm có:

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ về dự và chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 1816 Bộ Y tế.

Đồng chí Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đề án 1816 Bộ Y tế.

Về dự Hội nghị tại Đầu cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo: Ban Tổ chức TW Đảng, Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng TW Đảng, UB các vấn đề xã hội của Quốc hội; Đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bảo hiểm xã hội VN, Cục Quân y - Bộ Quốc phòng, Cục Y tế - Bộ Công an. Đại diện Trung ương Đoàn TN CS HCM, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội thầy thuốc trẻ VN.

Cùng sự hiện diện của các thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 1816 Bộ Y tế; Đại diện Lãnh đạo Công đoàn y tế Việt Nam, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng, Thanh tra Bộ, Viện Chiến lược và chính sách y tế; Giám đốc bệnh viện, Viện nghiên cứu có giường bệnh và Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến các bệnh viện trực thuộc Bộ. Lãnh đạo UBND - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1816 các tỉnh/thành phố; Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BVĐK tỉnh/thành phố khu vực miền Bắc (từ Thanh Hóa trở ra).

Hội nghị cũng nhận được sự quan tâm của đại diện các đơn vị đã hỗ trợ cho hoạt động Đề án 1816; Các cá nhân điển hình tiêu biểu trong thực hiện Đề án 1816. Cùng sự xuất hiện của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

Tại điểm cầu địa phương, gồm 38 tỉnh thành phố từ Nghệ an trở vào, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBND và Thành viên Ban Chỉ đạo Đề án 1816 của tỉnh/thành phố; Đại diện Ban Tuyên giáo và các Sở ban ngành địa phương, Đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ y, Phòng tổ chức SYT tỉnh thành phố; Giám đốc, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh/thành phố và các bệnh viện huyện. Và các cơ quan truyền thông địa phương.   8:35: Kết thúc phần tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu tham dự, một tràng pháo tay vang lên để nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về tham dự Hội nghị. Sau đó đ/c Cao Hưng Thái giới thiệu và mời Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu lên Phát biểu khai mạc.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khai mạc Hội nghị.

  Là người khởi xướng và đầy tâm huyết với đề án 1816, phát biểu khai mạc tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho biết: “Sau hơn hai năm thực hiện, Đề án 1816 đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đã có hàng ngàn lượt cán bộ y tế từ Trung ương xuống hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến tỉnh, chuyển giao hàng ngàn kỹ thuật cho BV tuyến dưới, đào tạo hàng chục ngàn lượt cán bộ, trực tiếp khám và điều trị cho hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân, phẫu thuật hàng ngàn ca, đặc biệt nhiều ca bệnh hiểm nghèo được cứu sống và giảm đáng kể tỷ lệ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đề án được nhân dân đón nhận, hoan nghênh, đồng tình và ủng hộ. Điều đó khẳng định Đề án 1816 là một chủ trương đúng đắn của ngành y tế phù hợp với ý Đảng và lòng dân.

Theo Bộ trưởng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008 - 2010 nhằm đánh giá những kết quả đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm, phát huy những mặt mạnh, thành quả đạt được, đồng thời khắc phục hạn chế, bàn kế hoạch và giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức để triển khai thực hiện thành công các mục tiêu của Đề án, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu chính thức khai mạc Hội nghị.   

Các đại biểu tham dự Hội nghị

  8:50: Sau khi Bộ trưởng kết thúc bài phát biểu khai mạc, đ/c Nguyễn Thị Xuyên, thứ trưởng Bộ Y tế đã thay mặt cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng. Sau đó, Thứ trưởng Xuyên giới thiệu và mời đ/c Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế lên trình bày báo cáo.   Là người đứng đầu đơn vị đầu mối được giao triển khai thực hiện Đề án 1816, báo cáo kết quả sau 2 năm thực hiện đề án 1816, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Ban chỉ đạo Đề án 1816 Lương Ngọc Khuê cho biết: sau 2 năm thực hiện Đề án với sự tham gia của 100 % bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đề án đã gặt hái được những thành công lớn cả về khía cạnh chuyên môn cùng các yếu tố kinh tế xã hội.

Theo đó, đã có 3.665 lượt cán bộ từ tuyến Trung ương được cử đi luân phiên hỗ trợ các tỉnh. Đã có 2.504 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành đã được chuyển giao cho tuyến tỉnh. Bao gồm các chuyên ngành: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Y học Cổ truyền, Tâm thần, Truyền nhiễm, Lao, Da liễu, Bỏng, Ung bướu, Nội tiết, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Mắt, Huyết học - Truyền máu, Miễn dịch, Di truyền, Hóa sinh, Giải phẫu bệnh và Tế bào, Chẩn đoán hình ảnh, Nội soi, Thăm dò chức năng, Bỏng. Ngoài các chuyên ngành trên, một số bệnh viện còn cử cán bộ xuống hỗ trợ đào tạo về quản lý bệnh viện, sửa chữa trang thiết bị y tế, xét nghiệm...

Cán bộ đi luân phiên đã khám và điều trị cho 802.486 lượt người bệnh, trực tiếp thực hiện 11.697 ca phẫu thuật, cứu sống nhiều trường hợp người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ chuyển tuyến không phù hợp của các bệnh viện tuyến dưới trung bình khoảng 30%.

Các bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện tuyến trên trong việc khảo sát, đánh giá nhu cầu, điều kiện cơ sở vật chất, bố trí cán bộ nhận chuyển giao kỹ thuật, nhiều đơn vị bố trí nơi ăn ở cho cán bộ đi luân phiên chu đáo, ngoài ra còn hỗ trợ thêm kinh phí cho cán bộ đến luân phiên. Nhờ đó hợp đồng ký kết giữa tuyến trên và tuyến dưới được thực hiện tốt và hầu hết cán bộ y tế đi luân phiên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được địa phương khen thưởng...

47/63 tỉnh đã có kế hoạch triển khai luân phiên cán bộ từ Bệnh viện tỉnh xuống hỗ trợ Bệnh viện huyện. Có 305 Bệnh viện huyện cử 3.234 lượt cán bộ xuống hỗ trợ 1.815 trạm y tế xã, KCB cho 3.539.314 lượt người bệnh.

Các tỉnh tổ chức tốt luân phiên trong nội bộ tỉnh như: Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Bắc Giang, Điện Biên, TP. Hà Nội, Hòa Bình, Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Bến Tre…

Khi thực hiện Đề án 1816, các Bệnh viện đã phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong thực hiện, nhiều mô hình hay và giải pháp phù hợp được triển khai áp dụng như mô hình đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến dưới trong quá trình thực hiện Đề án 1816 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Mô hình chuyển giao kỹ thuật trong thực hiện Đề án 1816 của Bệnh viện Việt Đức theo hình thức ký kết hợp đồng 3 bên; Mô hình phối kết hợp, lồng ghép công tác Đào tạo, công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816 của Sở Y tế Hòa Bình đã đem lại hiệu quả cao được Bộ Y tế và tổ chức JICA Nhật Bản ghi nhận. Mô hình này đang được nghiên cứu nhân rộng ra các tỉnh miền núi phía Bắc.…

Sau rất nhiều nỗ lực đầy sự tâm huyết của những người thực hiện, chỉ sau 2 năm, đề án 1816 đã đạt được những kết quả bước đầu, đạt được cơ bản 3 mục tiêu mà đề án đã đặt ra:

Thứ nhất, đề án góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, thể hiện ở chỗ cả nước đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi luân phiên hỗ trợ tuyến dưới. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt, Bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật. Trực tiếp khám chữa bệnh cho hơn 4.500.000 người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người bệnh mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao ...

Thông qua việc thực hiện đề án, cũng đã giúp nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới, nâng cao vị thế, uy tín của các cơ sở khám, chữa bệnh địa phương nhờ việc chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tập huấn của cán bộ luân phiên thực hiện nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ y tế địa phương. Trong hơn hai năm 2 ngàn lớp đào tạo, tập huấn được tổ chức trên 52 ngàn lượt cán bộ y tế địa phương; 2.504 kỹ thuật được chuyển giao...

Thêm vào đó, đề án góp phần giảm tải từ xa cho Bệnh viện tuyến trên nhất là Bệnh viện tuyến Trung ương thể hiện ở chỗ làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30 %.

Ngoài ra, cán bộ y tế đi luân phiên đã hướng dẫn và đưa vào sử dụng các máy móc, trang thiết bị y tế đắt tiền đã được trang bị nhưng chưa được đưa vào sử dụng tại một số cơ sở y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và giảm lãng phí cho các cơ sở y tế. Thông qua hoạt động thực tiễn tại tuyến dưới cán bộ đi luân phiên học tập thêm những kiến thức về chuyên môn cũng như quản lý của các đơn vị tuyến dưới, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính độc lập tự chủ cho cán bộ đi luân phiên.

Có thể nói, việc thực hiện Đề án 1816 đưa cán bộ có trình độ chuyên môn cao đi luân phiên hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới đã góp phần giúp cho người dân ở các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc, được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại địa phương, với chi phí thấp nhất, không phải tốn kém về thành phố để khám, chữa bệnh.

Nhờ trình độ chuyên môn năng lực cán bộ y tế tuyến dưới được nâng cao, bệnh tật được phát hiện sớm, được can thiệp điều trị đúng, kịp thời đã giúp giảm thiểu chi phí của bệnh nhân cho việc điều trị và chi phí của các cơ sở y tế cho việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Kết quả của Đề án là sự thể hiện truyền thống văn hoá và bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đó là tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau, tình cảm đồng nghiệp hỗ trợ giúp đỡ nhau trong những lúc khó khăn.

Thực hiện Đề án 1816 là góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo an sinh xã hội. Đề án 1816 có ý nghĩa xã hội và mang tính nhân văn cao cả. Việc triển khai thực hiện thành công đề án có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, góp phần giải quyết những khó khăn, những bức xúc mà xã hội đang quan tâm, nhất là trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.

Đọc toàn văn Báo cáo thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010 TẠI ĐÂY

9:10: Tiếp ngay sau báo cáo của Cục trưởng Lương Ngọc Khuê, đ/c Nguyễn Thị Xuyên cảm ơn báo cáo của đ/c Cục trưởng và mời đ/c Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai báo cáo.