Có con vẫn bị… vô sinh

Theo tổng kết, tỷ lệ vô sinh thứ phát ở những người từng có con tương đương với tỷ lệ các cặp vợ chồng bị vô sinh nguyên phát (chưa có thai lần nào).

Vô sinh hiếm muộn là nỗi lo thường trực của không ít cặp vợ chồng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đe dọa hạnh phúc gia đình. Theo tổng kết, tỷ lệ vô sinh thứ phát ở những người từng có con tương đương với tỷ lệ các cặp vợ chồng bị vô sinh nguyên phát (chưa có thai lần nào).

Quá nhiều nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát

Vợ chồng chị T.A (Hà Nội) đã có đứa con gái 10 tuổi, đang học lớp 4. Cách đây 2 năm, anh chị quyết định sinh thêm đứa con nữa, vì nhận thấy có một con chưa hẳn đã tốt cho tính cách cũng như tương lai của con gái.

Thế nhưng, sau 2 năm không dùng bất cứ biện phát tránh thai nào, vợ chồng chị vẫn không có thai. Đi khám, chị T.A phát hiện mình bị tắc vòi trứng, buộc phải thụ tinh nhân tạo.  

  Cũng như chị T.A, chị Hương (Tây Hồ, Hà Nội) đã bị sẩy thai 3 lần sau khi có đứa con trai đầu lòng. Lần sẩy đầu tiên, đứa con đã tượng hình 8 tháng vẫn chết lưu. Lần sau mang thai đôi 4 tháng, chị phải bỏ cũng vì chết lưu. Và lần thứ 3 sẩy thai thì chị cảm thấy vô cùng tuyệt vọng. Hai năm nay, chị liên tục uống thuốc bắc, thuốc nội tiết để có thể đảm bảo sức khỏe tốt nhất, nhưng kết quả vẫn chưa thấy đâu.

Cũng không thể sinh đứa con thứ 2 sau 3 năm thả lỏng, anh Tiến (Hà Nam) và vợ buộc phải làm thụ tinh nhân tạo vì lượng tinh trùng sống sót của anh quá thấp, dưới 10%. Mặc dù anh Tiến khá vạm vỡ, ít ốm đau và rất khỏe trong chuyện ấy. Tuy vậy, do thời gian qua, vì công việc buộc phải giao tiếp, uống rượu nhiều, nên anh đã vô tình hủy hoại những chú tinh binh của mình.

Những con số đáng lo ngại

Theo PGS-TS Vương Tiến Hòa, Bệnh viện Phụ sản TW, có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh thứ phát, trong đó đứng đầu là nguyên nhân giảm khả năng sinh sản và số lượng tinh trùng của nam giới thấp (32%).

Tiếp đến là tổn thương ống dẫn trứng ở phụ nữ (16,7%); Do trục trặc trong quá trình rụng trứng của người phụ nữ (4,9%); Bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc các bệnh khác ảnh hưởng đến dạ con (3,3%). Ngoài ra, có các yếu tố kết hợp của cả nam lẫn nữ, chiếm 17%.

Đáng lo ngại là vô sinh thứ phát đang dần ngang ngửa với vô sinh nguyên phát. Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương Hà Nội, tỷ lệ vô sinh thứ phát ở nữ tăng khoảng 15 - 20%, nâng tổng số vô sinh thứ phát lên hơn 50% trong số các bệnh nhân điều trị vô sinh.

PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho hay, đây là căn bệnh đáng lo ngại của môi trường hiện đại, khi cuộc sống căng thẳng, áp lực công việc, viêm nhiễm đường sinh dục khiến chất lượng “con giống” của nam giới suy giảm, rối loạn quá trình sinh tinh trùng, trưởng thành của tinh trùng.

Nhiều nam giới bị chứng bất lực hoặc rối loạn phóng tinh cũng khiến khả năng thụ thai của người vợ bị giảm. Với phụ nữ, rối loạn rụng trứng cũng là nguyên nhân dẫn tới vô sinh thứ phát, với biểu hiện là tình trạng kinh nguyệt như kinh thưa (chu kỳ kinh nguyệt trên 35 ngày) hay vô kinh (không có kinh từ 3 hoặc 6 tháng trở lên).

Một nghiên cứu của BV Phụ sản Từ Dũ (TPHCM) do GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và bác sĩ Lê Ngọc Diệp tiến hành cũng chỉ ra rằng, phụ nữ từng nạo hút thai có nguy cơ vô sinh thứ phát gấp 5,2 lần phụ nữ chưa nạo hút thai bao giờ.

Người nạo hút thai tại những nơi không phải BV có nguy cơ vô sinh thứ phát gấp 3,7 lần nạo hút thai tại BV. Tiền căn sảy thai và viêm cổ tử cung làm tăng nguy cơ vô sinh thứ phát với tỷ lệ lần lượt là 3,9 và 7,4.

Vô sinh thứ phát còn có nguy cơ tăng cao do nhiều cặp vợ chồng chủ quan là mình không có vấn đề gì về đường sinh sản, vì đã từng có con, nên họ “án binh bất động” một thời gian rất dài. Lúc này, độ tuổi quý báu để sinh đẻ đã qua, khiến việc thụ thai khó hơn cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho thai nhi.

Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh

Các bác sĩ vẫn khẳng định, sau 1 năm thả lỏng, không dùng các biện pháp tránh thai, nhưng vẫn không đậu thai, các cặp vợ chồng cần nghĩ tới khả năng hiếm muộn vô sinh. Lúc này cần đến bác sĩ để kiểm tra.

Ngoài ra, vợ chồng cũng nên cân nhắc thời điểm, tuổi tác của người vợ để sinh con. Lý tưởng nhất vẫn là 3 đến 5 năm sau khi sinh đứa con đầu tiên.

Tuy nhiên, với những cặp vợ chồng đang kế hoạch và mong muốn có những đứa con khỏe mạnh trong tương lai thì việc dự phòng với căn bệnh vô sinh thứ phát là điều nên để tâm, lưu ý.

Trong chữa trị vô sinh, quan niệm của đông y thì không tách rời từng bộ phận cơ thể, mà xem cơ thể là một khối hoàn chỉnh và có sự tương quan mật thiết với nhau. Đông y đề cao việc bảo vệ thận, tăng sức đề kháng của bản thân để đảm bảo và nâng cao sức khỏe sinh sản cho cả nam lẫn nữ.   Trong khi Tây y chú trọng và giải quyết các nguyên nhân cụ thể như bệnh của tử cung, buồng trứng, vòi trứng, nam giới tinh trùng yếu... Do đó, nếu có sự kết hợp giữa đông tây y, cả vợ lẫn chồng đều được phòng bệnh, chữa bệnh tổng quát nhất. Đây đang được các bác sĩ ghi nhận là một giải pháp hỗ trợ hiệu quả đối với cả nam lẫn nữ trong phòng và điều trị vô sinh.

Thai phụ 18 tuổi can trường chiến đấu với ung thư buồng trứng, vỡ òa hạnh phúc được làm mẹ

Đến khám lại tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị Nguyễn Trần Khánh Linh vui mừng chia sẻ: "Kết quả rất tốt, tôi sắp hoàn thành đợt hoá trị thứ 6, chỉ còn 1 đợt nữa thôi..."