Chế độ ăn uống đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dinh dưỡng cho người mẹ trong quá trình mang thai, suốt thời kỳ cho con bú.
Tuy nhiên, chị em cũng phải lưu ý bồi bổ cho đúng cách, để hạn chế tối đa những rắc rối thường gặp trong lúc mang thai. Vì đâu cơ thể bà bầu gặp rắc rối?
Ở tháng thứ ba của thai kỳ, thể tích máu tăng gấp rưỡi hoặc hơn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển các chất dinh dưỡng, ôxy đến thai nhi và mang đi những sản phẩm chuyển hoá dư thừa của thai. Cholesterol, axit béo tự do và vitamin tan trong nước đều tăng trong thai kỳ cả về số lượng lẫn hàm lượng trong máu. Tốc độ máu lọc qua thận trong suốt quá trình mang thai cũng gia tăng. Dạ dày giảm di chuyển trong quá trình mang thai nên sẽ làm chậm lưu chuyển thức ăn trong ống tiêu hoá, do đó các dưỡng chất sẽ được hấp thu nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này lại có thể gây cho bà bầu chứng nôn ói và táo bón. "Tẩm bổ" đúng cách
Phụ nữ mang thai cần ăn đa dạng các loại thực phẩm. Nên ăn nhiều bữa để đạt nhu cầu dinh dưỡng. Mỗi bữa nên ăn thêm một bát cơm (cùng với thức ăn) so với khi chưa mang thai. Nên chọn gạo tốt, không xát kỹ để khỏi mất vitamin B1. Các loại khoai củ có ít chất đạm nên chỉ ăn thêm chứ không ăn thay bữa chính. Cần ăn thức ăn giàu đạm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa và các loại đậu...
Nếu có điều kiện, mỗi ngày nên uống 2 - 3 ly sữa. Nên sử dụng dầu thực vật và chỉ ăn vừa phải. Nên ăn nhiều rau, trái cây tươi mỗi ngày, đặc biệt là rau lá xanh đậm và củ quả vàng cam đậm. Chất ngọt chỉ ăn vừa phải. Sử dụng muối i-ốt trong ăn uống và chế biến thực phẩm. Hạn chế tối đa thức uống có cồn (rượu, bia), không uống quá hai ly cà phê/ngày.
Tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai tại BV Phụ sản TƯ. Ảnh: Dương Ngọc |
Sự cố thường gặp
Nôn ói: Hiện tượng này thường xảy ra vào những tháng đầu thai kỳ. Nếu trầm trọng sẽ dẫn đến thiếu protein, năng lượng, chất khoáng, vitamin và điện giải. Khi đó cần chia nhỏ bữa ăn, chế độ ăn nên ít béo và nhiều chất bột đường. Nếu tình trạng kéo dài thì nên nhập viện để được truyền dịch tránh mất nước và điện giải.
Nóng rát ngực: Phụ nữ ở giai đoạn sau của thai kỳ, do tử cung to tạo áp lực lên dạ dày cùng với sự nới lỏng cơ vòng thực quản nên dịch tiêu hoá dễ trào lên thực quản gây nóng rát. Triệu chứng này sẽ giảm bằng cách ăn ít mỗi bữa và không nên nằm ngay sau khi ăn.
Táo bón và trĩ: Thường ở giai đoạn cuối thai kỳ, do giảm nhu động ruột, phụ nữ ít hoạt động thể lực, tử cung to đè lên đại tràng. Những chứng này có thể giảm khi thai phụ ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ và trái cây, uống nhiều nước.
Đái tháo đường thai kỳ: Triệu chứng này hay xuất hiện sau 20 tuần của thai kỳ, thường tự hết sau khi sinh. Thai phụ cần ăn đủ nhu cầu, theo dõi đường huyết thường xuyên, giữ mức đường trong máu ổn định, phòng ngừa tình trạng cạn kiệt nguồn dinh dưỡng dự trữ. Nên hạn chế các đồ ăn nhiều cholesterol, hạn chế tối đa ăn đường.
Cao huyết áp thai kỳ: Đây là một hội chứng bao gồm cao huyết áp, đạm niệu, phù nề. Xảy ra khoảng 7 - 8% thai phụ và thường ở ba tháng cuối. Tình trạng này làm giảm lượng máu đến tử cung, ảnh hưởng lớn đến thai nhi.
Tăng cân: Tăng cân trong ba tháng đầu phần lớn là tăng mô của mẹ, ba tháng giữa là tăng mô của cả mẹ và thai, ba tháng cuối chủ yếu là tăng trọng của thai nhi. Trong nửa cuối thai kỳ, thai phụ có thể tăng đến 335 - 450g/tuần. Trong suốt thai kỳ, thai phụ cần tăng 10 - 12kg (trong đó, ba tháng đầu tăng 1kg, ba tháng giữa tăng 4 - 5kg, ba tháng cuối tăng 5 - 6kg). Tăng cân tốt, bà mẹ sẽ tích luỹ mỡ là nguồn dự trữ để tạo sữa sau khi sinh. Đối với thai phụ bị béo phì, vẫn cần tăng 6 - 10kg để phát triển thai, bánh nhau và một số mô của mẹ. Đặc biệt chú ý không nên giảm cân lúc mang thai.
Sơ sinh nhẹ cân: Trẻ sinh đủ tháng (37 - 40 tuần) nhưng bị nhẹ cân (dưới 2,5kg) là do dinh dưỡng kém trong bào thai, thường xảy ra ở bà mẹ dinh dưỡng kém, vóc dáng thấp lùn và nhẹ cân, cao huyết áp, nhiễm siêu vi, hoặc bệnh lý khác.
Thai kỳ có thể được chia thành ba giai đoạn sinh lý chính: Làm tổ: Là giai đoạn hai tuần đầu thai nghén, khi trứng được thụ tinh gắn vào thành tử cung. Trong quá trình này, phôi thai được nuôi bởi dưỡng chất được tiết ra từ những tuyến ở tử cung. Khoảng 1/3 trường hợp thụ thai thất bại ở giai đoạn này. Hình thành cơ quan: 6 tuần tiếp theo của thai kỳ là giai đoạn phát triển phôi thai. Đây là giai đoạn dễ ảnh hưởng đến sự phát triển thai và nguy cơ cao bị dinh dưỡng kém do bà mẹ không nhận biết mình mang thai, kết hợp với tình trạng nôn ói, chán ăn làm hạn chế dưỡng chất đưa vào cơ thể. Ở giai đoạn then chốt này, nếu thiếu một số dưỡng chất nhất định có thể dẫn đến khuyết tật bẩm sinh. Tăng trưởng: 7 tháng còn lại của thai kỳ, các cơ quan tiếp tục phát triển cho đến khi duy trì được sự sống của trẻ khi sinh ra. Sự thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn này hoặc sau sinh sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng và chiều dài thai nhi hơn là gây ra bất thường trầm trọng của các cơ quan. Nhiều mô vẫn có thể hoạt động bình thường với số tế bào ít hơn và có kích thước nhỏ hơn so với bình thường. |
BS. Trần Minh Hạnh
(Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM)
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam