Tỷ lệ tử vong mẹ là một chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng sức khoẻ của phụ nữ, khả năng tiếp cận cơ sở y tế và tính đầy đủ của hệ thống chăm sóc y tế để đáp ứng được nhu cầu của người phụ nữ tại mỗi quốc gia.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 8 triệu phụ nữ phải gánh chịu hậu quả của các biến chứng liên quan đến mang thai và sinh đẻ, trong số này có khoảng 287.000 bà mẹ tử vong. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp tử vong và tai biến sản khoa có thể phòng tránh được nếu thực hiện tốt các biện pháp dự phòng và người phụ nữ nhận được sự chăm sóc y tế thích hợp ngay cả ở những nước có kinh phí dành cho chăm sóc y tế còn hạn chế.
Tại Việt Nam, số liệu báo cáo tử vong mẹ của các tỉnh còn thấp hơn nhiều so với số tử vong mẹ trên thực tế, có sự khác biệt khá lớn giữa số bà mẹ tử vong được báo cáo từ địa phương và số bà mẹ tử vong qua điều tra lại tại cộng đồng. Thông tin liên quan đến nguyên nhân gây tử vong mẹ thường không đầy đủ, gây khó khăn cho việc thống kê tử vong mẹ và xem xét lại các trường hợp tai biến sản khoa. Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự khác biệt về số liệu là cán bộ y tế chưa hiểu được đầy đủ định nghĩa tử vong mẹ cũng như chưa biết cách thẩm định tìm nguyên nhân của những trường hợp tử vong mẹ.
Để giúp cải thiện hơn hệ thống, chất lượng thống kê báo cáo về tử vong mẹ và xác định các trường hợp tử vong mẹ, nguyên nhân cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến tử vong mẹ nhằm đề ra các hành động phù hợp, phòng tránh các trường hợp tử vong tương tự trong tương lai, được sự chỉ đạo và phối hợp của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ -Trẻ em, Bộ Y tế, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức các lớp tập huấn về thẩm định tử vong mẹ cho cán bộ y tế tuyến tỉnh của 31 tỉnh/thành phố phía Bắc. Thành phần gồm có mỗi tỉnh 3 cán bộ y tế có chuyên môn về công tác sản khoa, là thành viên của Ban thẩm định tử vong mẹ của tỉnh/thành phố (thuộc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản/Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, khoa Sản của BV đa khoa tỉnh hoặc BV Phụ sản/Sản nhi tỉnh và cán bộ thuộc Sở Y tế), các thành viên trong tiểu ban Thẩm định tử vong mẹ phía Bắc.
Chương trình tập huấn trong 3 ngày, chia làm hai lớp: Lớp 1 tại Thái Nguyên từ 10/05 – 12/05 với 50 học viên cho 15 tỉnh/thành phố và Lớp 2 Thái Bình từ 17/5-19/5 với 52 học viên cho 16 tỉnh/ thành phố.
Tại buổi khai giảng lớp tập huấn PGS.TS Trần Danh Cường Phó Giám đốc Bệnh viện khẳng định, Bệnh viện Phụ sản Trung ương là bệnh viện đứng đầu và chịu trách nhiệm về chuyên môn Sản phụ khoa. Ông đánh giá cao sự cần thiết của lớp tập huấn và mong muốn sau tập huấn các học viên sẽ thực hiện đúng thông tin của hồ sơ thẩm định tử vong mẹ và nắm rõ kiến thức về chuyên môn liên quan đến tử vong mẹ nhằm rút kinh nghiệm chuyên môn.
PGS.TS Trần Danh Cường – Phó Giám đốc BV phát biểu khai giảng lớp tập huấn tổ chức tại Thái Nguyên
Giảng viên tham gia giảng dạy là các chuyên gia về thẩm định tử vong mẹ PGS.TS Lê Hoàng, TS Phạm Thị Hoa Hồng. Với nhiều năm kinh nghiệm về chuyên môn Sản phụ khoa cũng như tham gia thực tế thẩm định tử vong mẹ tại các tỉnh các giảng viên đã cung cấp thông tin căn bản nhất về quy trình thẩm định tử vong mẹ, hướng dẫn phân tích các hồ sơ thẩm định của các tỉnh nhằm đưa ra những nhận xét về chất lượng hồ sơ để rút kinh nghiệm.
Chuyên gia về thẩm định tử vong mẹ PGS.TS Lê Hoàng giới thiệu về thực trạng tử vong mẹ và giám sát dáp ứng
Tham gia giảng dạy lớp tập huấn có sự tham gia của các giảng viên của Bệnh viện phụ sản Trung ương cập nhật các chủ đề về dự phòng tai biến sản khoa giúp các học viên nắm được một số bệnh lý thường gặp liên quan và cũng là những nguyên nhân gây tử vong mẹ hàng đầu như: Sản giật, nhiễm khuẩn hậu sản, vỡ tử cung, đờ tử cung…..
Một số hình ảnh tại buổi tập huấn ở Thái Nguyên và Thái Bình
Thảo luận nhóm và trình bày về các hồ sơ thẩm định tử vong mẹ
Giảng viên và học viên của lớp tập huấn chụp ảnh lưu niệm
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam