Vô sinh ở Việt Nam tăng báo động

Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, tỉ lệ vô sinh ở Việt Nam đáng báo động là 8% dân số.

Theo tiến sĩ Tiến, nguyên nhân của tình trạng vô sinh ngày càng gia tăng ở Việt Nam phần nhiều do ô nhiễm môi trường, chất độc hại trong thức ăn, lối sống không lành mạnh như: quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng các chất kích thích, kết hôn quá muộn.

Trong buổi hội thảo những vướng mắc trong điều trị vô sinh mới được tổ chức gần đây, ông Tiến nói rõ, để chữa vô sinh, điều cần nhất là phải đồng vợ, thuận chồng, và cả hai cùng phải kiên trì, vì thời gian điều trị có khi kéo dài nhiều năm.

Điều trị vô sinh phải có sức chịu đựng tâm lý dữ dội không chỉ phía bệnh nhân mà còn cả bác sĩ. Bởi giáo dục y khoa của chúng ta cũng rất thiếu thông tin nên đòi hỏi người bác sĩ phải trao đổi cụ thể, chuyên sâu cho từng người bệnh, không chỉ về bệnh lý mà còn cả tâm lý. 

Ảnh minh họa (Nguồn: Getty)

Hiện nay, mặc dù chúng ta đã áp dụng triệt để những biện pháp kỹ thuật điều trị hiếm muộn và vô sinh tiên tiến trên thế giới, tuy nhiên con số thành công cũng chỉ đạt 30-35%.

Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TP.HCM tần suất vô sinh khoảng 10-15%, trong đó nguyên nhân do vợ chiếm 40%, do chồng 40%, cả hai vợ chồng 10% và không rõ nguyên nhân chiếm 10%.

Về phía người vợ, nguyên nhân có thể do cổ tử cung (viêm nhiễm cổ tử cung làm ảnh hưởng tới khả năng sống của tinh trùng), do tử cung và ống dẫn trứng, do rối loạn rụng trứng ( Nguyên nhân rối loạn rụng trứng rất nhiều như rối loạn về yếu tố tâm lý, thể thao quá mức, tăng cân hoặc giảm cân trên 20% trọng lượng cơ thể hoặc các bệnh lý như buồng trứng đa năng, suy buồng trứng sớm…), do tuổi....

Còn về phía người chồng, nguyên nhân có thể là do rối loạn trong quá trình sinh tinh, trưởng thành của tinh trùng, rối loạn chức năng tính dục, bất thường về cấu trúc của cơ quan sinh dục..

Có rất nhiều nguyên nhân gây vô sinh, tỷ lệ xuất hiện đều ở nam và nữ. Do đó , khi thăm khám và chẩn đoán vô sinh phải cần thăm khám cả vợ lẫn chồng để tìm hiểu nguyên nhân và từ đó điều trị mới có kết quả.

Chính vì lẽ đó, các bác sĩ khuyến cáo, các cặp vợ chồng nên bình tĩnh khi điều trị hiếm muộn và vô sinh, không nên có tâm trạng bi quan hay sốt ruột mà ảnh hưởng tới quá trình điều trị.

Nếu tuổi còn trẻ thì vợ chồng nên bình tĩnh chờ đợi, nhưng nếu đã có tuổi (ngoài 30) thì nên tính đến làm thụ tinh trong ống nghiệm. Lý do là từ 33 tuổi trở lên, khả năng có con sẽ giảm xuống. Tùy từng trường hợp cụ thể nhưng thường một lần thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ 30-35% là thành công. Có nhiều cặp vợ chồng phải làm đến hai, ba lần... mới thành công.

L. T

Thai phụ 18 tuổi can trường chiến đấu với ung thư buồng trứng, vỡ òa hạnh phúc được làm mẹ

Đến khám lại tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị Nguyễn Trần Khánh Linh vui mừng chia sẻ: "Kết quả rất tốt, tôi sắp hoàn thành đợt hoá trị thứ 6, chỉ còn 1 đợt nữa thôi..."