Một tuần gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) tiếp nhận khoảng 100 người bị đau mắt đỏ (cả trẻ nhỏ và người lớn), chiếm 10% tổng số bệnh nhân đến khám, trong khi trước đó chỉ rải rác một vài ca bệnh.
Bác sĩ Hoàng Cương, Phó trưởng phòng Quản lý khoa học đào tạo, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, năm nay dịch đau mắt đỏ xuất hiện muộn hơn so với những năm trước. Lý do thời thiết mưa ít, nắng nóng kéo dài, người dân không đi lại nhiều, ít tiếp xúc nên ít lây.
Viêm kết mạc dịch hay mọi người quen gọi là đau mắt đỏ là bệnh do virus adeno gây nên. Triệu chứng ban đầu của bệnh bao giờ cũng là ngây ngấy sốt, mệt, đau họng, sưng hạch trước tai. 5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại.
Người dân không nên tự ý nhỏ thuốc mắt khi bị đau mắt đỏ. Ảnh: P.N. |
Theo bác sĩ Cương, đây là bệnh lành tính, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ biến chứng là 20%. Nếu sau 7-10 ngày (lây cả hai mắt) mà bệnh vẫn không khỏi thì dễ dẫn đến biến chứng, chủ yếu là viêm giác mạc. Nếu không chữa kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.
Người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi, bệnh không khỏi mà còn nặng lên. Nhiều người thường hay mua hai loại thuốc là Clodexa và Nemydexa mà không biết các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Ngoài ra, có trường hợp không phải bị đau mắt đỏ thông thường mà do vi khuẩn, viêm loét giác mạc thì nhỏ thuốc vào càng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn, bác sĩ Cương cho biết.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyến cáo việc xông thuốc, xông lá bừa bãi để chữa đau mắt đỏ có thể gây bỏng giác mạc. Điển hình là lá trầu không, khi xông xong người bệnh có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nghĩ nó có tác dụng chữa bệnh. Nhưng ngược lại, sau đó mắt sẽ càng sưng, phù nề, đau nhức, thậm chí là chảy máu. Lý do là vì lá trầu không chứa tinh dầu nóng, gây bỏng mắt. Vì thế, có người bị đau mắt đỏ lai rai đến tận 2 tháng.
Bác sĩ Cương cho biết, không có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu vì bệnh do virus gây nên. Vì thế, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, có các viêm nhiễm phối hợp hay không... Người bệnh cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối, tra thuốc mắt theo đúng chỉ định.
Bệnh dễ lây lan qua đường tiếp xúc và hô hấp. Virus gây bệnh có nhiều trong gỉ mắt nên chỉ cần người bệnh vô tình dụi mắt rồi không rửa tay bằng xà phòng mà tiếp tục tiếp xúc với người khác, cầm nắm, sờ mó vào các vật dùng trong nhà là đã có thể lây bệnh cho người khác. Vì thế, người bệnh cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Trong gia đình có người bị đau mắt đỏ, mọi người dù chưa bị bệnh cũng nên thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý (nhưng phải dùng riêng để tránh lây bệnh qua đầu nhỏ lọ thuốc), rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn. Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, có dử mắt, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam