Những thành tựu đáng nhớ của tập thể ngành y Việt Nam năm 2010 đã góp phần nâng cao sức khỏe và cứu sống nhiều người bệnh. Hãy cùng Dân trí điểm lại những sự kiện y tế đáng nhớ này khi năm 2011 đã đến rất gần.
Thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên
Ông Bùi Văn Nam, bệnh nhân đầu tiên được thay tim ở Việt Nam hiện đã khỏe mạnh
(Ảnh: Tienphong)
Sáng 17/6, các bác sĩ Bệnh viện 103, Học viện Quân y thực hiện thành công một ca ghép tim từ một người chết não cho 1 bệnh nhân nam bị suy tim. Đây cũng là ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam. Điều đáng nói, cái khó nhất của ca ghép tim này không phải là kỹ thuật ghép tim mà là việc vận động gia đình có người thân bị chết não hiến tặng tim.
Với thành công của ca ghép tim này, các bác sĩ hi vọng người dân sẽ cởi mở hơn trước vấn đề cho, hiến tạng, để có thể mang lại sự sống cho người bệnh khác, khi không may mắn, thân nhân của mình không thể qua khỏi vì bệnh trọng.
Cứu thành công trẻ sơ sinh chỉ nặng có 500g
Em bé nặng 500g đang được cho ăn Theo quy chuẩn, các bé sơ sinh nặng dưới 2,5kg và ra đời khi chưa đủ 40 - 42 tuần thai thì được coi là nhẹ cân, thiếu tháng và phải được nuôi dưỡng bằng chế độ đặc biệt. Tại Việt Nam, việc cứu sống và nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nặng từ 700-900g không hiếm. Chỉ riêng năm 2009 đã cứu được 30 cháu nhưng nuôi dưỡng thành công bé sơ sinh chỉ nặng có 500g thì là lần đầu tiên ở Việt Nam. Việc nuôi dưỡng thành công em bé này là một kỳ tích đáng nể của Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Quỹ bảo hiểm y tế kết dư tới 3.500 tỷ đồng
Nhiều người được hưởng dịch vụ y tế hơn Sau bốn năm liên tục quỹ BHYT bị bội chi, thậm chí năm 2009 đã âm đến 3.083 tỉ đồng, thì năm 2010 quỹ BHYT đã có dư 3.500 tỷ đồng.
Kết quả này là do Nghị định 62 của Chính Phủ quy định mức cụ thể là 4,5% mức lương tối thiểu bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2010. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT, số người tham gia BHYT tăng nhanh từ 39 triệu lên 51 triệu. Việc trở lại với quy định bệnh nhân cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh đã hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí quỹ BHYT từ phía người bệnh cũng như cơ sở khám chữa bệnh.
Vinh danh bác sĩ đưa can thiệp động mạch vành vào Việt Nam
BS Phạm Mạnh Hùng và BS Nguyễn Quang Tuấn tại lễ trao giải nhân tài Đất Việt Giải thưởng dành cho các nhà khoa học trẻ say mê nghiên cứu, sáng tạo Nhân tài Đất Việt đã vinh danh Nhóm Điều trị bệnh tim mạch bằng phương pháp Can thiệp động mạch vành qua đường ống thông - Viện tim mạch Việt Nam là PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn - Trưởng Khoa C4, Viện tim mạch Việt Nam.TS. Phạm Mạnh Hùng - Trưởng phòng Thông tin và Can thiệp, Viện tim mạch Việt Nam.
Đây là hai người đầu tiên đưa can thiệp động mạch vành vào Việt Nam, giúp giảm đau và giảm chi phí điều trị cho người bệnh.
Giảm 30% quá tải bệnh viện
Khoa Điều trị tích cực sơ sinh, Viện Nhi TƯ không còn cảnh nằm ghép Sau hơn 2 năm phê duyệt đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” (gọi tắt là đề án 1816), Bộ Y tế đã bước đầu thực hiện thành công việc chống quá tải bệnh viện.
Hiện đã có 65 bệnh viện cử cán bộ đi luân phiên tại 61 tỉnh, thành phố, 1.800 kỹ thuật được chuyển giao, gần 22 nghìn cán bộ được tập huấn, nâng cao tay nghề… góp phần giảm tải cho tuyến trên 30%.
Ngoài ra, dự kiến về việc dành khoảng 600 ha ở khu vực ngoại thành để xây dựng 5 tổ hợp công trình y tế đa chức năng như: khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, sản xuất dược và trang thiết bị y tế… để phục vụ kế hoạch di dời các bệnh viện ra khỏi nội thành được công bố cuối tháng 10 vừa qua cũng hứa hẹn sẽ góp phần làm giảm tải các bệnh viện trong nội đô.
Bê bối vụ 10 triệu viên Tamiflu hết đát
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Chính phủ đã chi hơn 562 tỷ đồng để bốn công ty sản xuất gần 20 triệu viên thuốc. Thế nhưng gần một nửa số thuốc này đã bị bỏ lãng phí, không hề được dùng đến và đến nay đã hết hạn sử dụng.
Tại kho của Bộ Y tế vẫn còn tồn hơn 21 triệu viên Tamiflu thì có hơn 10 triệu viên đã hết hạn dùng, trong đó có đến hơn 9 triệu viên là thuốc sản xuất trong nước đã hết hạn từ tháng 3/2009 (phần nhỏ còn lại là thuốc viện trợ). Và việc xử lý số thuốc này như thế nào đến nay vẫn chưa có hướng xử lý chính thức.
Nhóm PV
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam