Sốt, nổi ban toàn thân, Huyền (17 tuổi, Bình Lục, Hà Nam) cứ nghĩ mình chỉ bị rubella thông thường. Không ngờ 3 ngày sau khi ban lặn, cô bị biến chứng viêm não, rơi vào hôn mê sâu, phải đi cấp cứu, thở máy.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu và điều trị tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân nhập viện ngày 8/5, trong tình trạng hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy. Trước đó, cô gái trẻ bị đau đầu liên tục, nôn, buồn nôn, có biểu hiện rối loạn tinh thần, nói năng lảm nhảm, không nhận ra người nhà.
“Bệnh nhân bị biến chứng viêm não do mắc rubella. Rất may, sau hai ngày điều trị, diễn biến đã khá hơn, bỏ được máy thở”, bác sĩ Cấp nói.
Một bệnh nhân nhiễm rubella bị biến chứng viêm não đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung uơng. Ảnh: Nam Phương. |
Trong ngày 8/5, Bệnh viện Nhiệt đới cũng tiếp nhận một bệnh nhân nam, 25 tuổi, bị rubella biến chứng viêm não chuyển từ Hải Dương lên. Anh này vào viện trong tình trạng kích thích vật vã, hôn mê, không phải thở máy.
Trước đó, anh có biểu hiện sốt, mệt mỏi, nổi ban khắp người, từ mặt lan xuống đến ngực, tay và chân, sau 4 ngày thì ban lặn. 2 ngày sau, bệnh nhân có biểu hiện lơ mơ, hôn mê. Tình trạng hôn mê không quá nặng, tuy nhiên sau 2 ngày cấp cứu anh vẫn chưa tỉnh.
Trên đây chỉ là 2 trong số 4 ca rubella nặng, biến chứng viên não đang điều trị tại bệnh viện này. Chỉ tính riêng gần 10 ngày đầu tháng 5, Bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu cho 8 ca viêm não.
Bác sĩ Cấp cho biết, rubella hay còn gọi là bệnh sởi Đức ở người bình thường thì không nghiêm trọng, thường không để lại biến chứng. Biểu hiện bên ngoài gần giống sởi: sốt cao, nổi hạch, phát ban (từ mặt xuống đến ngực, tay, chân, khi xuống đến chân là ban ở mặt bắt đầu bay). Bệnh chỉ nguy hiểm với thai phụ vì dễ gây dị tật thai nhi.
Tuy nhiên, trong số những bệnh nhân mắc rubella vẫn có một tỷ lệ nhất định bị biến chứng. Ước tính cứ 10.000 ca mắc thì có 1-3 ca biến chứng viêm não. Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 2 đến ngày 9/5, trong số hơn 5.500 bệnh nhân đến khám vì sốt phát ban có khoảng 2.000 ca mắc rubella. Đặc biệt, có 48 ca bị biến chứng viêm não.
Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia mới tiêm phòng sởi, quai bị, uốn ván… chưa tiêm ngừa rubella. Không những thế, trước đây bệnh rubella không lưu hành phổ biến. Vì thế, hầu hết người dân chưa có kháng thể với bệnh này. Năm nay bệnh bùng phát thành dịch, kéo dài từ đầu năm đến nay, số lượng người mắc lớn nên có nhiều ca bị biến chứng viêm não.
Biến chứng này thường xuất hiện vào ngày 5,6,7 của bệnh khi ban lặn. Ngoài ra cũng không thể dự báo trước được trường hợp nào bị biến chứng, trường hợp nào không. Vì thế, trong giai đoạn này, những bệnh nhân mắc rubella nên theo dõi nếu có biểu hiện rối loạn tinh thần thì cần đưa ngay đến bệnh viện.
Thời gian ủ bệnh rubella là 5-7 ngày. Vào ngày thứ 2, 3 người bệnh bắt đầu phát ban, có người sáng sốt đến chiều đã nổi ban. Bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Vì thế, để phòng bệnh cần tránh tụ tập nơi đông người, đeo khẩu trang, vệ sinh tay bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi hắt hơi. Khi có biểu hiện sốt, phát ban thì không được tự ý dùng thuốc mà cần đến khám để xác định chính xác bệnh. Rubella là bệnh do virus nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Nam Phương
Hội nghị đại biểu viên chức, người lao động năm 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự đồng thuận cao trên tinh thần đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm
Đến khám lại tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị Nguyễn Trần Khánh Linh vui mừng chia sẻ: "Kết quả rất tốt, tôi sắp hoàn thành đợt hoá trị thứ 6, chỉ còn 1 đợt nữa thôi..."
Ngày 13/12/2024, khóa học DIU: “Siêu âm chẩn đoán trước sinh và Y học bào thai” được long trọng tổ chức tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Đến khám lại tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị Nguyễn Trần Khánh Linh vui mừng chia sẻ: "Kết quả rất tốt, tôi sắp hoàn thành đợt hoá trị thứ 6, chỉ còn 1 đợt nữa thôi..."
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam