Sáng ngày 17/11/2018, bệnh viện Phụ sản Trung ương đã tổ chức Kỷ niệm ngày Thế giới vì trẻ sinh non.
Đến dự buổi trao tặng quà về phía bệnh viện có PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện; Ths. Nguyễn Huy Tuấn, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Công tác xã hội; Ts. Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh; Ths Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng phòng CTXH, Phó Bí thư Đoàn thanh niên. Về phía đơn vị đồng hành có bà Nguyễn Minh Trang, Biên tập viên Đài truyền hình Việt Nam đồng thời là sáng lập viên cộng đồng Mầm nhỏ; bà Phạm Thị Thu Thảo, Giám đốc Công ty CP Babu Việt Nam, các thầy thuốc, nhân viên y tế bệnh viện và hàng trăm các bố mẹ có con sinh non đã, đang được điều trị tại bệnh việ cùng các cơ quan truyền thông, báo chí đến đưa tin.
Phát biểu tại buổi trao tặng, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện cho biết: sinh non là thảm họa của thế giới, là thách thức lớn của ngành sản khoa. Chăm sóc và điều trị cho trẻ sơ sinh là rất tốn kém, vất vả không chỉ về tiền bạc, vật chất mà còn con người…Một đứa trẻ sinh non chào đời sẽ phải đối diện với các nguy cơ như: suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, thiếu máu, vàng da, mù lòa, điếc, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động…Tuy nhiên nếu đứa trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường như những đứa trẻ khác”. Hàng năm Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh của bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã tiếp nhận điều trị trên 26.000 ca sơ sinh, trong đó trẻ nhẹ cân, non tháng là 4000 ca và 30% trong số này nặng dưới 1.500gram có tuổi thai dưới 30 tuần. Hàng ngày điều trị tại đây có khoảng 400 trẻ, có những trẻ chỉ nặng có 500-600gram. Bệnh viện Phụ sản Trung ương áp dụng nhiều biện pháp tiên tiến với các phương tiện thăm dò, chẩn đoán phát hiện nguy cơ sinh non nhằm hạn chế tỷ lệ sinh non. Nhiều thai phụ từ khi có những dấu hiệu dọa đẻ non đã phải vào nhập viện từ tuần thứ 16 cho đến lúc sinh. Bệnh viện cũng áp dụng những phác đồ điều trị hiện đại nhất của thế giới với các loại thuốc hàng đầu về chống đẻ non. Vì vậy, không phải đi đâu xa, thai phụ có nguy cơ đẻ non sẽ được chăm sóc tại bệnh viện với chi phí rẻ gấp rất nhiều lần so với nước ngoài.
Ts. Lê Minh Trác – Giám đốc Trung tâm sơ sinh bệnh viện cũng cho biết: Năm 2010, Trung tâm đã lập kỷ lục của Việt Nam nuôi dưỡng thành công trẻ sinh non có cân nặng 500gram khi thai được 25 tuần tuổi. Đây là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Y tế năm 2010. Đến nay, em bé Hải Dương này đã học lớp 3 và phát triển hoàn toàn bình thường. Năm 2015, cứu sống cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm 24 tuần tuổi nặng 500 và 600gram. Và đầu năm 2018, Trung tâm đã cứu sống 03 trẻ sinh non nặng 500gram, 20 trẻ có cân nặng từ 600-700gram.
Tại buổi trao tặng, bà Nguyễn Minh Trang, người sáng lập cộng đồng Mầm nhỏ chia sẻ: trên thế giới đã kỷ niệm ngày này rất lâu rồi, ở Việt Nam trong mấy năm gần đây cũng đã tổ chức các hoạt động này. Trong quá trình tìm hiểu để tiếp cận hỗ trợ đến các trẻ sinh non và gia đình có trẻ sinh non, cộng đồng Mầm nhỏ đã nghĩ ngay đến bệnh viện Phụ sản Trung ương, là bệnh viện đầu ngành không những về sản phụ khoa mà còn đầu ngành trong chăm sóc trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ sinh non. Ở đây với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại với đội ngũ chuyên gia gồm các giáo sư, bác sĩ với trình độ tay nghề cao, trình độ chuyên môn bậc nhất, chăm sóc tận tình và là tuyến cuối trong điều trị sơ sinh, trẻ sinh non. Bệnh viện Phụ Sản Trung ương là địa chỉ hàng đầu để các bà mẹ có nguy cơ sinh non có thể yên tâm điều trị.
Đồng hành với chương trình kỷ niệm tại bệnh viện, cộng đồng Mầm nhỏ và Công ty CP Babu Việt Nam cũng bày tỏ sự hân hạnh khi thực hiện hoạt động tài trợ 400 phần quà với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng đến với các bé sinh non, thiếu tháng đang điều trị tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh với thông điệp “Trao gửi yêu thương, ươm mầm hạnh phúc” nhân ngày Thế giới vì trẻ sinh non 17/11/2018 .
Tại buổi lễ kỷ niệm, bệnh viện đã tổ chức buổi tư vấn cho các gia đình có trẻ sinh non có cơ hội tiếp cận, được tư vấn, giải đáp các thắc mắc, tiếp thu nhiều kiến thức trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sinh non, thiếu tháng tại gia đình.
Bài: Đặng Thị Mai Hương – Phòng Công tác xã hội
Ảnh: Phòng Công nghệ thông tin