Các tỉnh phía Bắc đang hứng chịu đợt lạnh khắc nghiệt kéo dài.
Người già, trẻ em, sản phụ là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất. Vậy chăm sóc phụ nữ mới sinh trong đông giá rét ra sao để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và em bé?
Sai lầm trong cách giữ ấm ngày giá rét
Sinh con vào đúng mùa giá rét, ai cũng bảo chị Hoa (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy, Hà Nội) may mắn vì có rất nhiều thứ để sưởi ấm. Ngày mẹ chồng ở quê lên thăm, bà còn mang theo một bao tải than hoa phục vụ "bà đẻ". Theo bà, sưởi ấm bằng than hoa sẽ giúp sản phụ và em bé khỏe mạnh, da săn chắc, trắng trẻo, người mẹ tránh được các bệnh "sản hậu"(?!). Chị Hoa không đồng tình với quan điểm này, nhưng sợ mẹ chồng cho là "trứng khôn hơn vịt" nên vẫn phải ngậm ngùi làm theo...
Cần giữ ấm trong mùa lạnh để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé. Ảnh minh họa. |
Câu chuyện của chị Hoa là một trong vô số "kinh nghiệm" dân gian mà nhiều chị em sau sinh gặp phải. Giải thích cho những quan niệm này, bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm y tế lao động - Hà Nội) cho hay: Ở các vùng có thời tiết lạnh như miền Trung, miền Bắc, phụ nữ ngày xưa thường có thói quen dùng than để sưởi ấm sau khi sinh. Tại một số địa phương còn có quan niệm: Cho thêm nghệ tươi hoặc bồ kết vào nồi than để "cản gió, cản hơi lạ". Sản phụ mới sinh thường có thân nhiệt thấp, cần được sưởi ấm để khí huyết lưu thông dễ dàng. Thêm nữa, khi phụ nữ sinh con bị mất máu nên phải cho nằm than để lấy lại sinh lực. Trên thực tế, theo y học hiện đại, dù là lò than (mặc dù là than hoa) hay lò sưởi đều gây sự cháy và mất ôxy. Phòng càng kín, đông người thì càng nguy hiểm bởi khí than có thể gây ngộ độc cho hai mẹ con sản phụ. Đặc biệt nếu là than tổ ong, ngoài việc đốt nhiều oxi, còn tỏa ra nhiều chất độc. Đó sẽ là môi trường thuận lợi cho các virus lây truyền qua đường hô hấp.
"Hơn thế, khi dùng than củi khó điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn nên rất dễ gây bỏng cho cả bà mẹ và em bé. Hệ miễn dịch của trẻ chưa cao, khi hít phải khí CO2 có thể dẫn đến ngộ độc. Thêm nữa, trong bếp than có thể tỏa ra khí CO, chiếm ôxy trong hồng cầu khiến trẻ còi cọc, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ thần kinh, thậm chí là tử vong"- BS. Dung cho biết thêm.
Khi mang thai, các cơ quan như tim, mạch máu, phổi, cơ... của người phụ nữ phải hoạt động tối đa để nuôi thai nhi. Sau sinh, trạng thái cơ thể bị thay đổi đột ngột, sản phụ bị mất một lượng máu khá lớn nên cơ thể sẽ yếu và lạnh hơn lúc bình thường.
Một thói quen rất dễ gặp của người Việt nói chung và sản phụ nói riêng là việc mặc quá ấm (thậm chí nóng) trong nhà mà lại không ý thức việc chênh lệch nhiệt độ ở trong với ngoài trời. Nguyên tắc làm ấm là phải toàn diện, trong khi đó nhiều người chỉ mặc áo ấm to sụ trong khi mặc quần mỏng. Hay có người mặc đủ quần áo ấm nhưng lại không mang tất, đặc biệt ở nông thôn không có thói quen đi giầy hay ủng. "Đầu có thể để thoáng nhưng chân tuyệt nhiên không" - BS Dung nhấn mạnh.
Mùa giá rét, nhiều sản phụ sợ lạnh, sợ nước nên không tắm rửa, thay đồ, do đó không giữ được vệ sinh cơ thể. Tất nhiên mùa rét vi trùng phát triển không nhanh bằng các mùa khác, với sản phụ sau sinh, không nhất thiết phải tắm hàng ngày nhưng cũng phải lau rửa bằng nước ấm.
"Bà đẻ" đối phó với giá rét
Sai lầm của một số bà mẹ nuôi con nhỏ trong mùa giá rét là quấn quá chặt tã, bỉm cho con. Nhiều người cho rằng quấn chặt chừng nào thì con đỡ lạnh chừng đó, hoặc để khi con tiểu, nước tiểu không tràn ra ngoài. Thậm chí có người còn không dám thay tã, bỉm cho con sợ con lạnh. Khi thắt chặt nhiều vòng tã quá, hoặc quấn chặt bỉm, mạch của trẻ sẽ dễ bị nghẽn, tím lại. Khi gặp trường hợp như thế, cha mẹ cần nhanh chóng nới lỏng tã, bỉm, xoa bóp và làm ấm cho trẻ ngay. Ở các vùng quê, nhiều người có thói quen hơ tay lên bếp than để giúp tay chân trở nên ấm hơn. Sự dễ chịu này chỉ mang tính tạm thời khi còn ngồi cạnh bên quạt sưởi, bếp lửa… sau đó thì đâu lại vào đấy. Thậm chí có thể khiến da tay, da chân khô nẻ, tê cứng, kém linh hoạt… do hiện tượng tụ máu. Thay vì hơ tay, có thể xoa xoa hai tay vào nhau cũng cho tác dụng dễ chịu tương tự. |
Các chuyên gia y khoa khuyến cáo: Làm ấm cho cơ thể là đúng, tuy nhiên nếu không đúng cách sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trước hết, phải nói: "Không" với quan niệm "nằm than" trong phòng kín. Có thể sử dụng thiết bị làm ấm như lò sưởi bằng điện hoặc bằng dầu. Nhưng đi kèm đó, hàng ngày có một lúc nào đó phải mở cửa cho không khí mới vào. Nếu người đông hơn, số lần mở cửa phải nhiều hơn. Lúc mở cửa tốt nhất là khi trẻ đã ngủ ngon, đắp chăn hở đầu, tránh gió lùa trực diện vào hai mẹ con.
Theo Th.S Đỗ Thanh Hà - Trưởng khoa Phụ - BV YHCT Trung ương: Trong quan niệm của Đông y, "nguồn lạnh" trong cơ thể xuất phát từ tuyến thận (nằm ở vùng thắt lưng), gọi là hiện tượng dương hư gây lạnh. Để đối phó với điều này, sản phụ cần bổ sung các thuốc bổ thận dương. "Ở bệnh viện có thể dùng túi ngải hơ vào các huyệt ở lưng và bụng; ở các gia đình có thể thay bằng một chai nước hoặc một túi chườm ấm đặt dưới lưng người phụ nữ khoảng 5-7 phút là đã đủ để giữ ấm. Còn việc có săn chắc cơ bụng hay đùi cho sản phụ hay không thì không chắc chắn" - Th.S Hà cho hay. Nhiều người cho rằng, mùa giá rét không cần uống nước bổ sung vì cơ thể không tiêu hao năng lượng mấy- điều này không đúng. Nguyên tắc chung về mùa đông không được ăn đồ nguội, lúc nào cũng uống nước ấm, nếu uống nước nguội sẽ bị mất nhiệt, thiếu nước. Hơi thở khô thì càng dễ viêm hô hấp. "Ngoài ra, một suy nghĩ sai lầm là ăn hoa quả mùa đông dễ lạnh bụng. Tất nhiên nhu cầu trong không khí lạnh, sự "thèm" hoa quả sẽ không "mạnh mẽ" như các mùa khác, chúng tôi chỉ khuyến cáo nên hạn chế ăn các loại quả chua, lạnh" - BS CK II Nguyễn Thị Tú Anh - Trưởng khoa Y học cổ truyền - BV Trung ương Huế chia sẻ.
"Đông y quan niệm những hoa quả, thức ăn dưới đất có tính hàn cao hơn nhiệt (lươn, trạch, dưa hấu...). Đối với sản phụ, sau sinh cơ thể bị lạnh hơn, do đó, cần ăn những hoa quả có tính nhiệt cao. Ngoài việc bổ sung lượng vitamin, nước, ăn hoa quả còn hạn chế được táo bón" - BS Tú Anh chia sẻ.
Lúc ngủ, nguyên tắc là không trùm chăn kín mít bởi mặt là nơi chịu nhiệt tốt nhất cơ thể. Trong nhà không được mặc áo quá ấm để khi ra ngoài thân nhiệt không bị thay đổi đột ngột. Khi đã vào chăn thì không được mặc dày, quần áo bó sát, tốt nhất là mặc áo mềm, rộng, thoáng bằng sợi tổng hợp hoặc len mỏng, thậm chí chất pha ít nilong cũng có thể mặc được vì mùa này ít ra mồ hôi.
Các chuyên gia cũng khuyến khích sản phụ sau sinh vận động sớm để khí huyết lưu thông tốt, các cơ sớm phục hồi, tránh nhão cơ và nhăn da. Một số bệnh viện, gia đình còn dùng đèn hồng ngoại chiếu vào vùng "cửa mình" để các vết thương co lại và mau lành hơn. Đây là thiết bị y tế nên gia đình có thể mua tại các cửa hàng. Tuy nhiên không để gần tránh gây bỏng. Võ Thu
Hội nghị đại biểu viên chức, người lao động năm 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự đồng thuận cao trên tinh thần đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm