“Thử thai thấy 2 vạch, mình tới bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám. Không ngờ, siêu âm không thấy túi thai trong tử cung và rồi bác sĩ quyết định mổ ngay sau khi xác định là chửa ngoài tử cung.… Sao lần đầu mang thai mà đã bị vậy?”.
Chia sẻ của L.T.L, giáo viên một trường mầm non ở Xuân Đỉnh (Hà Nội) cũng là băn khoăn của nhiều chị em và của cả các bà mẹ chồng.
Do vòi trứng bị tắc nghẽn, trứng đã thụ tinh sẽ không làm tổ ở tử cung như bình thường
Sốc vì chửa ngoài tử cung ngay lần đầu mang thai
Sau một tháng lấy chồng, Chị Nguyễn Thị An (khu đô thị Văn Quán, Hà Đông) thấy chậm kinh nên mua que thử và vui mừng thông báo với cả nhà. Muộn cháu vì con trai gần 40 mới lấy vợ, mẹ chồng chị An ra sức tẩm bổ cho con dâu. Nhưng sau gần một tuần, chị An thấy nhâm nhẩm đau vùng bụng. Đi khám và được xác định chửa ngoài tử cung phải mổ nội soi.
“Phải mổ do chửa ngoài tử cung ngay từ lần mang thai đầu tiên mình đã sốc. Nhưng khổ hơn nữa là mẹ chồng mình cứ nghi ngờ, xét nét, hay trước đó mình đã từng nạo thai nên mới bị chửa ngoài tử cung. Bác sĩ giải thích rồi cả chồng đứng ra làm chứng mình là “gái trinh” cho đến lúc lấy chồng, mà bà vẫn băn khoăn, nghi ngờ. Sau đợt mổ chửa ngoài tử cung, thấy con dâu phải điều trị một đợt kháng sinh dài vì viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, sau đó có bầu lại, bà mới thôi băn khoăn”, chị An nói.
Không phải hiện tượng lạ!
Về lý thuyết, chửa ngoài tử cung thường gặp ở những người đã từng nạo thai. Vì việc hút thai làm đường đi lối lại của ống dẫn trứng không còn thông thoáng nữa.
“Bình thường, trứng sau khi được thụ tinh sẽ di chuyển theo ống dẫn trứng để vào trong tử cung và “làm tổ” tại đó. Sau 1-2 tuần chậm kinh, đi siêu âm đã có thể thấy túi thai trong tử cung. Nhưng có những người, phôi thai đang di chuyển qua ống dẫn trứng thì bị tắc lại đó. Nguyên nhân có thể là do nạo hút thai nhiều, hoặc viêm nhiễm vòi trứng khiến lối đi lại của ống dẫn trứng không còn thông thoáng nữa, hoặc khiến phôi thai tắc ngay tại điểm hẹp. Khi làm tổ không đúng vị trí, phôi thai lớn dần lên, đến một mức nào đó sẽ phá vỡ các mạch máu nơi nó đậu lại trên vòi trứng, gây chảy máu dữ dội trong ổ bụng, có thể làm sản phụ tử vong nhanh chóng”, BS sản khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm y tế lao động, Bộ NN & PTNT cho biết.
Tuy nhiên, chửa ngoài tử cung cũng khá thường gặp ở người ngay lần đầu mang thai, do bản thân viêm nhiễm vùng âm đạo mà không biết. “Đây không phải là hiện tượng lạ, ngược lại, rất hay gặp”, BS Dung khẳng định.
Vì thế, để phòng ngừa thai ngoài tử cung, chị em phải chú ý giữ vệ sinh phụ khoa tốt để phòng ngừa viêm nhiễm đường sinh dục. Trước khi có ý định mang thai nên đi khám phụ khoa để điều trị triệt để tình trạng viêm nhiễm (nếu có). Ngoài ra, hạn chế nạo phá thai. Tốt nhất sau chậm kinh 5- 10 ngày, thử que thấy có thai, chị em cần đi siêu âm để xác định túi thai đã vào tử cung chưa. Có những trường hợp thai vào tử cung sớm nhưng cũng có những trường hợp phôi thai di chuyển muộn, nên phải theo dõi rất chặt chẽ, phòng nguy cơ bỏ sót tai biến chửa ngoài tử cung.
Hồng Hải
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam