Ung thư phụ khoa: Kẻ thù số 1 của chị em

Nếu chị em chủ quan, lơ là trong khâu vệ sinh và khám bệnh có thể dẫn đến những hệ luỵ phức tạp cho sức khoẻ.

Theo TS Nguyễn Duy Khê, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), ung thư phụ khoa là loại ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư ở phụ nữ. Nếu chị em chủ quan, lơ là trong khâu vệ sinh và khám bệnh có thể dẫn đến những hệ luỵ phức tạp cho sức khỏe.   Những hệ luỵ sức khỏe nghiêm trọng  

Ảnh minh họa

 

Theo các bác sỹ, khi có những biểu hiện bệnh phụ khoa như ngứa rát, khí hư có mùi hôi, nhiều huyết trắng, thì chị em cần đến gặp bác sỹ. Không nên tự kê đơn mua thuốc uống hoặc sử dụng một số cách chữa truyền miệng như ngâm rửa bằng nước muối, ngâm rửa bằng nước chè xanh. Bệnh phụ khoa cần được khám và phát hiện bệnh bởi các bác sỹ, từ đó họ xác định nguyên nhân bệnh mới có những biện pháp cụ thể cho việc điều trị.

Ở Việt Nam, phần nhiều chị em còn thờ ơ với việc khám các bệnh của vùng kín, chủ yếu là lí do tâm lý e ngại, xấu hổ. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, các trường hợp viêm nhiễm phụ khoa tăng từ 17 - 25%. Trên thực tế, con số này còn cao hơn rất nhiều, do còn nhiều người mắc bệnh nhưng không đi khám.   Chỉ riêng tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, mỗi năm tiếp nhận từ 2.000-3.000 bệnh nhân ung thư cổ tử cung. 80% bệnh nhân đến bệnh viện khi ung thư đã ở giai đoạn nặng, không còn khả năng phẫu thuật. Một số khác đến khám không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, chị em cứ nghĩ đó là bệnh phụ nữ thông thường như rong kinh, rối loạn sau sinh nở. Nhưng thực chất, chị em đã bị mắc ung thư phụ khoa giai đoạn đầu.   Theo bác sỹ Phạm Việt Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, ung thư phụ khoa là loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư. Các thống kê khác cũng cho thấy, tỷ lệ mắc mới ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh so với 10 năm trước đây. Ước tính năm 2010 là 126.300 ca mắc mới, trong đó ở nữ giới chiếm tỷ lệ 134,9/100.000 người.   Một vấn đề khác khiến các chuyên gia y tế hết sức lo ngại là số người bị ung thư phụ khoa ngày càng trẻ hoá. Trên thế giới, ung thư phụ khoa thường gặp trong giới hạn độ tuổi 48-55, nhưng tại Việt Nam, theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, tuổi thường gặp 40 - 49. Phần nhiều bệnh nhân mắc bệnh thuộc diện nghèo, trình độ văn hoá thấp, điều kiện thăm khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn nên bệnh thường được phát hiện khi đã vào giai đoạn cuối.   Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, ung thư phụ khoa chủ yếu có ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư niêm mạc tử cung... Cho đến nay vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh ung thư phụ khoa, nhưng qua quan sát lâm sàng của nhiều người bệnh, các bác sỹ cho thấy một số nguyên nhân như: Thứ nhất, do chị em không giữ vệ sinh vùng kín. Virus HPV gây viêm khối u đầu vú, nhất là HPV loại virus có nguy cơ cao là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư cổ tử cung. Nguyên nhân thứ hai là quan niệm về tình dục quá tự do.   Những chị em phụ nữ kết hôn sớm, sinh đẻ sớm, sinh đẻ nhiều và có quan hệ tình dục với nhiều người thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung tương đối cao. Nguyên nhân thứ ba là cách sống không khoa học. Những phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao gấp 4-5 lần so với những chị em không hút thuốc lá. Ngoài ra những thức ăn nhiều mỡ và nhiều đường cũng là nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư niêm mạc tử cung.   Những phụ nữ cao tuổi sau khi tắt kinh mà bị béo phì, đồng thời mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp cũng rất dễ mắc bệnh ung thư niêm mạc tử cung, phần lớn ở độ tuổi trên dưới 60.   Khám định kì để phòng bệnh  

Chị em nên đi khám định kỳ để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Ảnh tư liệu

Khám phụ khoa là một phần khám bệnh quan trọng đối với phụ nữ, nhất với những người đã lập gia đình nhằm kiểm tra cơ quan sinh dục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có nhiều người cho rằng chỉ khi lập gia đình mới cần khám phụ khoa nên không chú ý đến những biểu hiện bất thường của "vùng kín".   Vì thế, theo bác sỹ Phạm Việt Thanh, ngoài việc chú ý vệ sinh sạch sẽ vùng kín, chị em phụ nữ nên đi khám kiểm tra định kỳ 6 tháng đến một năm để phát hiện tình trạng viêm nhiễm, các khối u của tử cung, buồng trứng. Khi xuất hiện các triệu chứng như: Ngứa rát, tiểu buốt, ra huyết trắng... chị em nên đến các chuyên khoa phụ nữ để khám và tầm soát bệnh. Các biểu hiện này có thể là do viêm nhiễm thông tthường nhưng cũng có thể là một sự cảnh báo về ung thư phụ khoa.   Trong thời kì mang thai cũng đặc biệt chú ý đến khám phụ khoa. Theo thống kê từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương trước đây, có đến 72% thai phụ mắc ít nhất một loại viêm đường sinh dục dưới. Việc nhiễm trùng đường sinh dục khi mang thai ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ thai phụ và thai nhi. Có thể gây sảy thai, đẻ non, thai chết lưu.   Theo PGS Huỳnh Quyết Thắng, triệu chứng lâm sàng điển hình của ung thư cổ tử cung là xuất huyết âm đạo bất thường, chảy máu sau giao hợp, rong kinh và các biểu hiện khác. Soi cổ tử cung cho thấy có biểu hiện viêm loét, chồi sùi...  Chính vì vậy, việc chẩn đoán được bệnh qua khám sức khỏe có ý nghĩa đặc biệt. Nếu như việc tầm soát phát hiện ung thư ở những giai đoạn sớm được thực hiện rộng khắp trong cộng đồng sẽ làm tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm, bệnh nhân được điều trị triệt để, giảm tối đa tỷ lệ tử vong.    Hồng Liên