Cắt u nang buồng trứng bằng kỹ thuật nội soi ở thai phụ không những loại bỏ được khối u mà còn giúp đảm bảo cho thai nhi phát triển an toàn.
PGS. TS Nguyễn Đức Hinh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, phương pháp này đã ứng dụng thành công tại bệnh viện Phụ sản TƯ trên các trường hợp thai phụ có thai bình thường, thai sống, không có dấu hiệu dọa sẩy thai. Có đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật cắt nang buồng trứng qua nội soi như: khối u không quá to, ổ bụng không có sẹo mổ cũ....
Gần 3% phụ nữ mang thai bị nang buồng trứng
TS Hinh cho biết, u nang buồng trứng là loại u khá thường gặp, chiếm 5% trong các loại ung thư ở nữ. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc chiếm khoảng 3,6 - 3,9/100.000 người dân, trong đó tỉ lệ nang buồng trứng trong thai kỳ là 0,26%.
Điều nguy hiểm khi thai phụ bị u nang buồng trứng là các biến chứng xoắn và vỡ, gây nguy cơ sẩy thai hoặc đẻ non. Đặc biệt, nếu u to sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thai nhi, gây chèn ép vào tử cung, kích thích tử cung co bóp và dễ sảy.
Cắt u nang buồng trứng bằng kỹ thuật nội soi ở thai phụ an toàn cao cho cả mẹ và thai nhi. |
Thông thường đến tháng thứ 7 hay thứ 8, đầu nhi phải quay xuống dưới để dễ ra ngoài khi sinh. Nếu u lớn, có thể chèn vào tử cung, ép tử cung vào thành bụng khiến thai nhi không thể quay đầu được, gây đẻ khó, thậm chí phải mổ lấy thai. Vì thế, khi đã phát hiện u kích thước lớn, nghĩa là khả năng xảy ra biến chứng rất cao, tốt nhất là nên cắt bỏ, ngay cả khi đang mang thai để không ảnh hưởng tới thai nhi.
Cả mẹ và bé đều an toàn
TS Hinh cho biết, trước đây, u nang buồng trứng có kích thước lớn được chỉ định mổ mở để cắt bỏ u gây nhiều biến chứng cho thai phụ và thai nhi. Hiện tại, với kỹ thuật nội soi đã hạn chế được các biến chứng này. Thời điểm tốt nhất để thực hiện nội soi là khi thai được 13-14 tuần. Vì khi thai đã qua thời điểm 12 tuần, hoàng thể thai nghén đã hết vai trò tiết hormon nên không ảnh hưởng đến tiến triển của thai nghén.
Nếu để khi tuổi thai càng lớn, tử cung càng to thì quá trình nội soi sẽ gặp nhiều khó khăn, chưa kể khối u quá lớn sẽ không thể tiến hành nội soi được.
Theo TS Hinh, nghiên cứu trên 86 trường hợp nang buồng trứng (có kích thước thông thường là 8,2cm, trường hợp có kích thước lớn nhất là 15cm) được xử trí bằng kỹ thuật nội soi cho thấy, tuổi thai trung bình của cả nhóm là 12,2 tuần, trong đó thai nhỏ nhất là 6 tuần và thai lớn là 17 tuần, có 22 trường hợp nang xoắn.
Kết quả, tỷ lệ bảo tồn buồng trứng là 96,8% trong nang không xoắn và 27,3% trong nang xoắn. Đặc biệt, phương pháp an toàn vì ít gây sang chấn, đảm bảo sự an toàn của thai nhi cũng như sự phát triển của thai nhi về sau này. Trong khi phẫu thuật, thai phụ mất ít máu, đảm bảo thẩm mỹ và thời gian xuất viện nhanh, thường là sau 24 giờ.
TS Hinh khuyên, để giảm nguy cơ bị nang buồng trứng khi đang mang thai, tốt nhất trước thời kỳ mang thai, nên đi siêu âm ổ bụng để phát hiện xem có bị u nang buồng trứng hay không.
Khi mang thai, phụ nữ cũng nên đi siêu âm chẩn đoán trong 3 tháng đầu thai kỳ (u nang buồng trứng khá đơn giản ở giai đoạn đầu thai kỳ, càng về sau càng trở nên khó khăn do tử cung to ra). Trường hợp khi có thai rồi mới phát hiện u nang buồng trứng thì cần tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu cần thiết phải mổ cũng không nên quá lo lắng, vì việc xử trí u nang buồng trứng đúng thời điểm bằng phương pháp nội soi an toàn cho cả mẹ và em bé. Theo Báo Đất Việt