Nguyên nhân của bệnh suy dinh dưỡng bào thai thường do trong thời gian mang thai, người mẹ không được ăn uống đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý hoặc bị ốm đau bệnh tật.
Những trẻ đủ tháng có cân nặng lúc đẻ dưới 2.500g là những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai (SDDBT). Nguyên nhân thường do trong thời gian mang thai, người mẹ không được ăn uống đầy đủ, làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý hoặc bị ốm đau bệnh tật. Thường các bà mẹ có mức tăng cân ở cuối thai kì thấp, dưới 6 kg, chắc chắn đã bị SDDBT.
SDDBT là thể suy dinh dưỡng sớm nhất. Ở những trẻ này, các cơ quan như da, gan, cơ, xương, não, thân,… đều bị ảnh hưởng mà điều dễ nhận thấy nhất là trẻ sinh ra nhẹ cân. Hậu quả của tình trạng này phụ thuộc vào giai đoạn bào thai bị suy dinh dưỡng (SDD), chế độ nuôi dưỡng trẻ sau khi chào đời. SDD xảy ra ở 3 tháng cuối của thai kì làm cho bộ não chậm phát triển, sau này trẻ sẽ kém thông minh. Trẻ bị SDD bào thai khi chào đời dễ bị hạ thân nhiệt, hạ đường máu gây rối loạn nhịp thở, hạ canxi máu gây co giật. Nếu được nuôi dưỡng đúng, trẻ sẽ phát triển bình thường và sẽ đạt mức cân nặng như những trẻ khác sau 2- 3 tháng. Nhưng chiều cao thì rất khó đạt được mức bình thường vì vậy, trẻ SDDBT có nguy cơ cao bị thấp còi sau này, và dễ bị thừa cân béo phì do thấp chiều cao. Ngược lại, nuôi dưỡng không tốt, trẻ tiếp tục bị SDD, trẻ ốm đau, quặt quẹo,còi cọc, chậm phát triển trí tuệ, kém thông minh. Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), có đến 1/3 số trẻ có cân nặng khi sinh dưới 2.500g chết trong năm đầu.
Tại sao trẻ lại bị SDDBT?
Có 4 yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển của bào thai, tác động đến sức khỏe sau này của đứa trẻ, mà chỉ cần có lời khuyên cho cho người mẹ cũng có thể đem lại kết quả đáng khích lệ. Đó là :
Tuổi tác người mẹ: Cơ thể của con người được phát triển và lớn lên trong một quá trình rất dài cho đến năm 25 tuổi mới thực sự ngừng lớn và phát triển hoàn toàn, với người phụ nữ cũng vậy. Tuy nhiên, với cơ thể phụ nữ thì tuổi 30 trở đi đã bắt đầu có hiện tượng thoái hóa, già cỗi dần.
Chính vì vậy, thời gian thực thiên chức sinh sản, sinh con tốt nhất của người phụ nữa là từ 25 đến 30 tuổi. Nếu đẻ sớm hơn, đẻ trước 25 tuổi sẽ làm cho cơ thể người mẹ ngừng lớn, ngừng phát triển, vì phải chia sẽ phần mình cho cái thai. Luận điểm trên có thể lý giải cho hiện tượng, ở các nước nghèo, chậm phát triển, đặc biệt là các nước ở phương Đông, Châu Á, do tục lệ gả chồng sớm cho con gái, đã làm cho phụ nữ thấp bé, còi cọc, đứa trẻ đẻ ra cũng dễ bị còi cọc cho dù người chồng có cao to. Điều này có nghĩa là tầm vóc, chiều cao của người mẹ sẽ quyết định tầm vóc, chiều cao của các con. Tầm vóc phụ thuộc vào tuổi của người mẹ lúc mang thai. Tuổi của người mẹ không những ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ, mà còn có thể vì tuổi quá lớn vẫn sinh con dễ đẻ ra những đứa trẻ không bình thường, bị dị tật bẩm sinh, điển hình là hội chứng down, tim bẩm sinh, hở hàm ếch, sứt môi, nên sau 35 tuổi sinh đẻ sẽ không an toàn. Sức khỏe người mẹ: Sức khỏe của mẹ sẽ quyết định sức khỏe của con. Nếu mẹ khỏe mạnh sẽ đẻ ra những đứa con khỏe mạnh. Trong thời gian có thai, mẹ bị cúm, sốt phát ban, mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp, sẽ dễ đẻ ra những đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh. Khi mẹ đang có những bệnh mãn tính như sốt rét, viên gan, thấp tim, phù thận, cần phải chữa khỏi bệnh rồi mới mang thai. Có những bệnh của người mẹ có khả năng lây truyền cho con như giang mai, AIDS, vì vậy cần khám sức khỏe nếu thực sự an toàn khỏe mạnh hãy sinh con.
Có một số bệnh di truyền, mẹ mang các gen bệnh trong người nhưng vì thể ẩn nên không biểu hiện thành bệnh (như một số các bệnh nội tiết và di truyền, chuyển hóa). Trong trường hợp này bà mẹ cần đến gặp các thầy thuốc nhi khoa về di truyền học, nội tiết học, để có lời khuyên và những biện pháp chấn đoán sớm, cái thai nào mang mầm bệnh cần chấm dứt sớm để không đẻ ra những đứa con mang bệnh.
Dinh dưỡng của người mẹ: Thời kì trẻ còn trong bào thai, dinh dưỡng của trẻ phụ thuộc vào dinh dưỡng của mẹ. Nguồn dinh dưỡng của mẹ, sẽ theo máu, qua rau thai đến cung cấp cho con. Vì vậy, khi có thai người mẹ vừa ăn cho mình, vừa ăn cho con. Thành phần dinh dưỡng lúc này không phải chỉ cần có số lượng, ăn nhiều và đủ mà mẹ phải ăn có chất mới bảo đảm sự phát triển của bào thai. Ví dụ, người mẹ chỉ ăn đủ no, nhưng bữa ăn toàn chất bột, cơm ngô khoai sắn. Đứa con cũng sẽ to nhưng chiều cao sẽ ngắn, lớn lên sẽ thấp lùn.
Vì để cấu tạo nên bộ khung xương, cơ thể của trẻ cần có đủ chất đạm, đó là thịt, trứng, đậu , tôm , cá. Những chất này sẽ xây dựng các tổ chức cơ quan cho trẻ như hệ thống não thần kinh trung ương, tim , gan ,phổi,bộ máy tiêu hóa,hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu,…Mẹ cần phải ăn đủ rau xanh, hoa quả ,vì trong đó sẽ cho nhiều chất khoáng như sắt,đồng,kẽm,canxi,photpho cũng như các loại vitamin A, ảnh hưởng đến phát triển trí tuệ, còi xương, mù lòa do thiếu vitamin A, …Ở những nước phá triển, không chờ đến khi có thai mới đặt vấn đề chăm sóc bà mẹ, mà việc chăm sóc này được làm sớn hơn nhiều, ngay từ khi còn là một bé gái (bảo đảm ăn uống đủ chất để cơ thể phát triển cân đối, tầm vóc cao khỏe), có thế mới có được một thế hệ tương lai khỏe mạnh hơn.
Điều kiện lao động của mẹ khi mang thai: Bình thường, khi chúng ta lao động đã phải tiêu hao năng lượng, lao dodongj càng nặng thì tiêu hao năng lượng càng nhiều. Khi có thai, ngoài năng lượng tiêu hao do lao động, người mẹ còn phải dành một phần đáng kể năng lượng cho phát triển cuả thai nhi và dự trữ để sinh sữa cho con bú sau này.
Cuối thai kì (tức sau 9 tháng 10 ngày), bà mẹ cần phải tăng cân được 12kg trở lên, 3 tháng đầu chỉ tăng 1kg, 3 tháng thứ 2 tăng 5kg, 3 tháng cuối mỗi tháng tăng 2kg. Số cân nặng này chia cho bào thai, rau thai, nước ối, và máu hết 7,5kg, 5kg còn lại được chuyển vào mô mỡ dự trữ để tiết sữa nuôi con.
Nếu mẹ chỉ tăng được 6-7kg trong thời kì mang thai thì sau sinh con, mẹ không còn gì đề sinh sản nữa. Điều này đã giải thích vì sao ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều bà mẹ ít sữa, mất sữa sớm,không có sữa để nuôi con.
Tóm lại 4 yếu tố trên đây rất có ý nghĩa quyết định đến phát triển bào thai, sức khỏe đứa trẻ lúc ra đời, sức khỏe thể chất và trí tuệ lâu dài sau này.
Khi trẻ đẻ ra bị suy dinh dưỡng bào thai, phải nuôi dưỡng chăm sóc như thế nào?
Với những đứa trẻ bị SDDBT, việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có tầm quan trọng đặc biệt :
- Cần ủ ấm trẻ thường xuyên, tốt nhất cho nằm cạnh mẹ ngay khi sinh.
- Theo dõi sát sao để phát hiện sớm và xử trí kịp thời khi có dấu hiệu trẻ bị hạ đường máu, hạ canxi máu.
- Tắm rửa bằng nước sạch, thay băng rốn hằng ngày.
- Cho trẻ bú, mẹ sớm, trong nửa giờ đầu sau khi lọt lòng mẹ; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, cho trẻ bú nhiều lần (kể cả ban đêm) hơn những trẻ có cân nặng bình thường. Nếu trẻ bú kém, cần vắt sữa mẹ ra cốc rồi cho ăn bằng thìa. Trường hợp mẹ thiếu hoặc mất sữa, chọn loại sữa cao năng lượng cho trẻ sinh nhẹ cân.
- Chỉ ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi, phải bảo đảm khẩu phần ăn của trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng cả về lượng và chất. Trẻ ăn ít nên cho ăn nhiều bữa trong ngày, chế biến thức ăn có đậm độ năng lượng cao bằng cách dùng các men emzym, sắt,kẽm, vitamin A,D… để giúp trẻ phát triển chiều cao, phòng ngừa SDD thấp còi sau này.
- Cho trẻ uống vitamin A, vitamin D và tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ theo quy định của bộ Y tế.
- Ngoài chế độ ăn nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng như : kẽm, canxin,vitamin D, A, … dưới dạng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp trẻ phát triển chiều cao, phòng ngừa thừa cân do béo phì thấp còi.
Để chủ động phòng ngừa SDDBT, cần có kế hoạch chăm sóc bà mẹ tương lai ngay từ khi còn nhỏ, không để các em gái bị SDD, thấp cân, còi cọc. Khi mang thai, cần được ưu tiên ăn uống đầy đủ, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý để có thể đạt mức tăng cân nặng trung bình đến cuối thai kì là 10-12kg; không để ốm đau, thiếu máu trước và sau sinh.
Theo Eva
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam