Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cảnh báo về tình trạng lạm dụng kháng sinh ở người bệnh.
Theo FDA, tình trạng này không chỉ gây tốn kém mà còn góp phần tạo ra nhiều rắc rối cho y tế toàn cầu, trong đó đáng ngại nhất là mối nguy kháng kháng sinh.
Không phải chỉ có ở các nước, tại Việt Nam tình trạng lạm dụng kháng sinh cũng xảy ra rất thường xuyên. Đặc biệt, trong điều trị các bệnh thông thường cho trẻ em, thói quen này đáng báo động.
Hễ bệnh là phải uống kháng sinh!
Thuốc kháng sinh có thể xem là một trong những phát minh vĩ đại của nhân loại. Nói như người xưa, kháng sinh là Hoa Đà cứu thế cũng không ngoa, vì thực tế đây là một nhóm thuốc tác dụng mạnh, có thể tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, nhờ vậy giải quyết được hầu hết trường hợp nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn, cứu sống nhiều người và hạn chế nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Với công dụng có phần cấp kỳ và hiệu nghiệm đó, không ít người xem kháng sinh là phương thuốc trị bá bệnh, bất kể nặng nhẹ, hễ bệnh là phải uống kháng sinh! Trong khi đó, phần lớn các bệnh thông thường như cảm cúm, ho, sốt, tiêu chảy... đều do siêu vi khuẩn (vi-rút) gây ra và kháng sinh không có tác dụng với những bệnh nhiễm trùng do siêu vi (lạnh, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản...).
Lắt léo ở chỗ rất khó phân biệt căn nguyên các triệu chứng do siêu vi hay vi khuẩn để biết chính xác khi nào nên sử dụng kháng sinh, chỉ có bác sĩ mới có thể chẩn đoán và đưa ra quyết định quan trọng này. Tuy nhiên, tâm lý muốn khỏi bệnh ngay tức khắc vô tình cũng dồn bác sĩ đến quyết định kê toa kháng sinh cho đỡ bị bệnh nhân rầy rà. Thêm vào đó, tình trạng mua bán thuốc thoải mái góp phần làm cho số người tự khám và chữa bệnh bằng kháng sinh ngày càng tăng.
Khi người hùng trở mặt
Việc sử dụng kháng sinh thường xuyên, không đúng chỉ định và kéo dài sẽ tạo ra một thế hệ vi khuẩn kháng thuốc, lờn thuốc, khiến quá trình khám chữa bệnh về sau khó khăn hơn. Khi các bệnh nhiễm trùng trở nên khó điều trị, đồng nghĩa bệnh tật kéo dài hơn. Một số bệnh nhiễm trùng kháng thuốc có thể dẫn đến tử vong.
Hiện đã có một số vi khuẩn kháng lại những kháng sinh thông dụng như xuất hiện chủng vi khuẩn tụ cầu kháng thuốc methicilline (và kháng nhiều kháng sinh khác cùng đặc tính như methicilline), vi khuẩn này có thể gây tử vong nếu không điều trị đúng kháng sinh nhạy cảm với nó.
Mặt khác, dùng kháng sinh không đúng liều, không theo chỉ định của bác sĩ cũng gây ra nhiều hệ luỵ. Chẳng hạn, theo chỉ định phải uống đủ 5 - 10 ngày nhưng người bệnh uống vài ngày vừa thấy đỡ đã ngưng, họ không biết lượng thuốc đã uống chỉ có thể tiêu diệt một số vi khuẩn chứ không đủ để diệt hết, kết quả là những vi khuẩn còn sống sót trở nên đề kháng và có thể lây sang người khác. Mỗi đợt điều trị kháng sinh thất bại cũng là một đợt tạo thêm những vi khuẩn kháng thuốc mạnh hơn, đồng thời nguy cơ biến chứng hoặc tử vong cũng tăng lên.
Hầu hết các loại kháng sinh đều có tác dụng phụ, tuỳ vào cơ địa và phản ứng mỗi người. Những tác dụng phụ thường thấy ở trẻ em khi dùng kháng sinh là tiêu chảy, buồn nôn, nôn hoặc phát ban. Trong đó, tiêu chảy là hay xảy ra nhất bởi kháng sinh trong khi chiến đấu với “địch” cũng vô tình thanh toán luôn “phe ta”, là một số vi khuẩn đường ruột khoẻ mạnh. Ở một số người còn có hiện tượng dị ứng với thành phần kháng sinh, điều này khá nguy hiểm vì có thể gây sốc phản vệ đe doạ đến tính mạng.
Khi nào cần dùng kháng sinh?
Như đã nói, kháng sinh được chỉ định trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm và một số loại ký sinh trùng. Những bệnh do nhiễm khuẩn thường là:
Nhiễm trùng tai (viêm tai giữa): chỉ có khám lâm sàng soi tai kỹ lưỡng mới phát hiện bệnh.
Các bệnh nhiễm trùng xoang: đa số các trường hợp viêm xoang là do siêu vi và không cần dùng kháng sinh cũng sẽ tự khỏi trong vòng hai tuần. Chỉ nên dùng kháng sinh với viêm xoang do vi khuẩn, thường là khi bị chảy mũi liên tục hơn hai tuần. Chảy mũi xanh hay vàng không nói lên có bị viêm xoang do vi trùng không, đó chỉ là một triệu chứng thông thường của cảm siêu vi.
Viêm họng do liên cầu nhóm A: đa số trẻ bị viêm họng là do siêu vi và không cần uống kháng sinh. Khoảng 20% trẻ ở tuổi đi học bị viêm họng do liên cầu nhóm A và cần uống kháng sinh để ngừa biến chứng thấp tim. Gần như không thể chẩn đoán viêm họng do liên cầu qua khám lâm sàng, do đó bác sĩ phải làm xét nghiệm phết họng để chẩn đoán vi khuẩn này và điều trị đúng mức.
Một số trường hợp khác như bệnh ho gà, một số bệnh viêm phổi (nhiễm trùng phổi), nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng vết thương và nhiễm trùng da…
Kháng sinh có lợi và có hại, suy cho cùng đó chỉ là phương tiện do con người sử dụng. Vì vậy bản thân kháng sinh không có lỗi trong những trường hợp lờn thuốc mà chính cách sử dụng sai lầm và thiếu hiểu biết của con người đã đưa người bệnh đến gần hơn với nguy hiểm.
Theo BS Nguyễn Trí Đoàn
Bệnh viện Phụ sản Trung ương xin trân trọng thông báo lịch khám, chữa bệnh, cấp cứu Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Đến khám lại tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị Nguyễn Trần Khánh Linh vui mừng chia sẻ: "Kết quả rất tốt, tôi sắp hoàn thành đợt hoá trị thứ 6, chỉ còn 1 đợt nữa thôi..."
Ngày 13/12/2024, khóa học DIU: “Siêu âm chẩn đoán trước sinh và Y học bào thai” được long trọng tổ chức tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Đến khám lại tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị Nguyễn Trần Khánh Linh vui mừng chia sẻ: "Kết quả rất tốt, tôi sắp hoàn thành đợt hoá trị thứ 6, chỉ còn 1 đợt nữa thôi..."
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam