Lạm dụng kháng sinh, tự ý thay thuốc, “sống chung” với nhiễm trùng... Trên thực tế, nhiều người bệnh đã tự phạm sai lầm khiến bệnh càng thêm nặng.
Lạm dụng kháng sinh
Sử dụng thuốc không đúng sẽ làm bệnh nặng hơn. |
Đây là một thực tế hay gặp, đặc biệt là những vùng ít có bác sĩ. Người bệnh chỉ cần ho, chỉ cần có sốt, hay thậm chí là đau chân là ngay lập tức được hiệu thuốc bán cho một ít kháng sinh. Cần biết, kháng sinh có thể làm hết ho, hết sốt, hết đau chân, nhưng kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mặt vi khuẩn, nếu không có mặt vi khuẩn thì có kháng sinh cũng như không. Kết quả, nếu không có nhiễm trùng thì các vi khuẩn sẽ quen thuốc.
Sử dụng kháng sinh không đủ ngày
Hiện tượng này đã làm cho vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn. Nhiều trường hợp chỉ cần uống hay tiêm kháng sinh vài ba ngày thấy bệnh thuyên giảm là đã thôi không điều trị tiếp. Trên thực tế, họ không hề biết rằng triệu chứng giảm nhưng không có nghĩa là vi khuẩn đã hết. Nếu chúng ta dùng không đủ ngày thì chỉ làm cho vi khuẩn bị yếu đi mà thôi. Khi không còn sự có mặt của kháng sinh, các vi khuẩn đang bị suy yếu sẽ có cơ hội hồi sinh và tìm cách biến đổi để thích ứng. Chúng sẽ không bị chết khi chúng ta điều trị lần sau.
Tự ý thay thuốc
Tức là mới chỉ sử dụng kháng sinh vài ba ngày, cảm thấy bệnh chưa giảm triệu chứng, vì nhiều lý do, người bệnh tự ý đổi sang kháng sinh khác. Sự thay đổi phác đồ điều trị này làm cho vi khuẩn không còn bị kiềm chế bởi kháng sinh cũ. Bộ máy chuyển hóa của chúng sẽ được kích thích để tổng hợp ra các enzym bất hoạt hoặc phân hủy kháng sinh. Lần sử dụng sau, khi mắc bệnh nặng, vi khuẩn sẽ kháng lại những kháng sinh này.
Thích dùng kháng sinh mạnh
Cần biết là vi khuẩn có khả năng đột biến theo hướng có lợi cho sự sinh tồn của chúng. Khi chúng ta thường xuyên sử dụng kháng sinh mạnh thì vi khuẩn lâu dần sẽ có những biến đổi thích nghi. Một khi để hiện tượng này xảy ra thì chúng sẽ kháng lại những kháng sinh mạnh này. Những dòng thuốc khác yếu hơn sẽ không bao giờ có tác dụng. Người bệnh không còn cơ hội điều trị. Thế nên, dùng đúng thuốc với đúng loại mầm bệnh là điều quan trọng hơn với việc lựa chọn loại thuốc đắt tiền.
Để bệnh nhiễm trùng thật nặng mới chữa
Khi bệnh nhiễm trùng quá nặng, sức phòng vệ yếu, cơ thể không còn đủ sức tiêu diệt, các vi khuẩn không bị chết mà chỉ bị yếu tạm thời. Chúng sẽ có những thay đổi để thích và đột biến theo hướng kháng lại kháng sinh. Vì vậy, cần điều trị bệnh nhiễm trùng sớm khi chưa nặng để hạn chế hiện tượng kháng thuốc xảy ra.
* Ngoài sai lầm khi dùng thuốc thì còn có những lý do khác, khiến bệnh của bệnh nhân nặng thêm, như sử dụng chung đồ đạc với người bệnh nhiễm trùng nặng tại bệnh viện - vốn có nguy cơ cao chứa các vi khuẩn có sức kháng thuốc cao. Nếu sử dụng chung đồ đạc thì có thể nhiễm chính các vi khuẩn này vào cơ thể. Cần biết rằng một vi khuẩn có gen kháng thuốc thì nó có thể truyền đạt tính trạng này cho vi khuẩn bên cạnh thông qua kiểu di truyền ngang. Thế nên, những mầm bệnh kháng thuốc từ người bệnh có thể sẽ nhân lên trong cơ thể chúng ta hoặc có thể truyền đạt tính kháng thuốc vào những vi khuẩn túc trực sẵn trong cơ thể. Khi chúng gây bệnh, chúng là những vi khuẩn kháng thuốc mạnh.
Theo BS Yên Lâm Phúc
(Học viện Quân y) Thanh niên
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam