Chỉ trong vòng 10 ngày, số bệnh nhân phát hiện dương tính với cúm A/H1N1 tại Hà Nội từ 1 trường hợp đã tăng lên 49 trường hợp. Riêng ngày 25/1, số bệnh nhân nhập viện vì cúm A/H1N1 được phát hiện là 14 người và có xu hướng tăng lên trong vài ngày tới..
Có mặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ (Hà Nội), PV Dân trí khá ngạc nhiên khi số bệnh nhân nhập viện điều trị vì nghi nhiễm cúm A/H1N1 đông đúc khác thường. Tại các phòng cách ly của bệnh viện, trung bình mỗi giường bệnh có đến 2 bệnh nhân phải nằm chung, thậm chí có bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang.
Nhiều giường bệnh có 2 bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 nằm chung điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Văn Tuyết, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, bệnh nhân đầu tiên được phát hiện nhiễm cúm A/H1N1 là Nguyễn Thị H., 25 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội. Bệnh nhân H. đang mang thai tuần thứ 30, nhập viện với các triệu chứng sốt cao trên 38 độ; mệt mỏi, đau đầu, đau nhứt cơ; ho, đau tức ngực, khó thở, ngạt mũi, chảy nước mũi...
Trước nguy cơ dịch lan rộng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi sức khỏe hằng ngày để phát hiện triệu chứng cúm và các bệnh đường hô hấp nhằm kịp thời chữa trị. Nếu có thông tin về người nhiễm cúm A/H1N1, cần thông báo cho sở y tế địa phương, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Bộ Y tế (số điện thoại đường dây nóng: 0989.671115). |
Đến ngày 19/1, số bệnh nhân nhập viện và dương tính với cúm A/H1N1 đã tăng lên 7 ca, tất cả bệnh nhân đều sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Đáng chú ý bệnh nhân Doãn Thị T., là chị dâu của bệnh nhân Nguyễn Thị H., qua tiếp xúc đã bị lây nhiễm. Ngoài ra bệnh nhân Đinh Thị H. ở huyện Từ Liêm, Hà Nội khi phát hiện bị nhiễm cúm thì trong gia đình bệnh nhân đã có 4 người cùng bị nhiễm cúm A/H1N1 trước đó. Trong số 7 bệnh nhân này xuất hiện thêm một bệnh nhân có thai 6 tháng cũng bị nhiễm cúm là Nguyễn Thị P., 24 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Ngày 21/1, thêm 5 trường hợp bệnh nhân phải nhập viện và qua test nhanh tất cả đều dương tính với cúm A/H1N1. Đáng chú ý tất cả bệnh nhân nhiễm cúm đều là nữ, và thêm một trường hợp đang mang thai bị nhiễm cúm. Ngày 24/1, con số bệnh nhân phát hiện nhiễm cúm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ đã tăng lên 35 người, gần gấp 3 lần so với 3 ngày đầu.
“Ngày 24/1 đã xuất hiện những trường hợp nhiễm cúm là nam giới, và phát hiện thêm một trường hợp phụ nữ đang mang thai 10 tuần tuổi. Lũy số bệnh nhân cộng dồn bị nhiễm cúm trên địa bàn Hà Nội thêm 17 trường hợp”, ông Hoàng Văn Tuyết cho hay.
Có 6 trường hợp phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm A/H1N1, ngoài ra có một trường hợp là 2 mẹ con trong một gia đình (trong ảnh: mẹ con chị Lê Thị Như H. và bé Hoa Phú T. ở quận Cầu Giấy bị nhiễm cúm)
Và đến ngày 25/1, lại thêm 14 bệnh nhân, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm cúm lên 49 người. Trong số này có thêm 2 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm cúm, và 2 trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm ở trong một gia đình là chị Lê Thị Như H. (24 tuổi) và con gái Hoa Phú T. (5 tuổi). “Tuy nhiên, số bệnh nhân còn nằm điều trị ở bệnh viện đến nay chỉ còn 31 người, vì đã có 18 bệnh nhân qua điều trị đã khỏe mạnh xuất viện. Hiện tại tất cả bệnh nhân đang được điều trị theo phác đồ cúm A/H1N1/2009 của Bộ Y tế”, ông Tuyết khẳng định. Lý giải hiện tượng có nhiều bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1, theo ông Hoàng Văn Tuyết, nguyên nhân có thể do thời tiết giá rét kéo dài trên toàn miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi rút cúm A/H1N1 phát triển và lây lan. Tuy nhiên, ngoài vi rút cúm A/H1N1, hiện tại chưa phát hiện bệnh nhân nào nhiễm vi rút cúm A/H5N1 trên địa bàn Hà Nội.
Đa số bệnh nhân bị nhiễm cúm A/H1N1 là nữ, một số ít là nam giới
“Cúm A/H1N1 cũng như các cúm khác đều rất dễ lây qua đường hô hấp (hắt hơi, ho), hay tiếp xúc trực tiếp (tay dính với dịch tiết từ mũi, họng của bệnh nhân cúm rồi đưa lên mũi, miệng mình). Vì vậy mọi người nên chủ động phòng vệ bằng rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc những người có triệu chứng hô hấp cấp và những nơi đông người”, bác sĩ ở Hoàng Nhật Thỏa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ đưa ra lời khuyên.
Cách phòng cúm AH1N1:
- Rửa tay bằng xà phòng, đảm bảo vệ sinh cá nhân
- Ăn đủ chất, nhất là vitamin C để tăng sức đề kháng
- Có khẩu trang cá nhân riêng khi ra khỏi nhà hoặc đang chăm sóc người bệnh
- Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng hô hấp cấp và những nơi đông người
- Khi có biểu hiên của bệnh thì phải báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất.
Nghệ An: Triển khai nhanh công tác phòng chống cúm A/H1N1 “Đến thời điểm này tại Nghệ An vẫn chưa có biểu hiện hay trường hợp nào nghi mắc cúm virus cúm A/H1N1. Nhưng không phải vì thế mà Nghệ An chúng tôi không có biện pháp, chúng tôi đã triển khai ngay từ đầu tháng 1/2011 rồi...., ông Phạm Văn Thanh - GĐ Sở Y tế Nghệ An cho biết. Tuy nhiên, để đối phó với vi rút H1N1, Sở Y tế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến rộng rãi trong cộng đồng về các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh khi chưa xảy ra. Theo đó, luôn chú ý các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông - Xuân lây truyền qua đường hô hấp như: cúm, viêm màng não do não mô cầu, sởi… và bệnh về đường tiêu hoá như: ỉa chảy do vi rút…; đặc biệt cần chú trọng đến các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, cúm A(H5N1) và vi rút cúm A/H1N1... |
Thế Nam
Khoảnh khắc cất tiếng khóc trào đời của em bé đầu tiên năm 2025 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.