Có từ 75 - 80% ung thư phát sinh là có liên quan đến môi trường sống, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen, tập tục xấu như hút thuốc, uống rượu...
Qua nhiều nghiên cứu dịch tễ học, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra chỉ có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương gen có tính di truyền, gọi là các nguyên nhân nội sinh. Ngược lại, có từ 75 - 80% ung thư phát sinh là có liên quan đến môi trường sống, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen, tập tục xấu như hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng không hợp lý. Thêm vào đó là một số yếu tố do bệnh nghề nghiệp và ô nhiễm môi trường, gọi chung là các nguyên nhân ngoại sinh (từ bên ngoài cơ thể).
Có thể chia các nguyên nhân ngoại sinh thành các nhóm chính sau đây:
- Hút thuốc được kể đến hàng đầu, đây là nguyên nhân của 30% trong tổng số các loại ung thư ở người, bao gồm ung thư phổi, thanh quản, thực quản, khoang miệng, bàng quang, tụy, dạ dày. Trong khói thuốc ngoài chất nicotin ảnh hướng lên hệ tim mạch còn có trên 40 loại hoá chất khác nhau gây ung thư. Trong các chất độc này phải kể đến benzopyren là chất có khả năng 100% gây được ung thư trên thực nghiệm. Người hút thuốc có nguy cơ mắc và chết do ung thư phổi và thanh quản cao gấp 10 - 30 lần so với người không tiếp xúc với khói thuốc. Hút thuốc ở tuổi càng trẻ, thời gian hút càng dài, số lượng thuốc hút trong một ngày càng nhiều càng có nguy cơ cao. Ở Việt Nam, hút thuốc lào, ăn trầu thuốc cũng là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư phổi và ung thư khoang miệng. Nếu người hút thuốc có kèm theo nghiện rượu thì nguy cơ mắc ung thư càng cao hơn nữa. Người đang hút thuốc mà bỏ hút thì nguy cơ bị ung thư sẽ giảm dần theo thời gian. Sau 5 năm ngừng hút thì nguy cơ bị ung thư phổi giảm đi 50%, sau 10 năm ngừng hút thì nguy cơ còn không đáng kể, gần như người không hút. Những người không hút thuốc nhưng sống hoặc làm việc trong môi trường cùng với người hút thuốc cũng có nguy cơ mắc các loại bệnh liên quan đến thuốc lá như bệnh tim mạch, hô hấp và ung thư như chính người hút, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Đây được gọi là hút thuốc thụ động.
- Các chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hoá học, các chất trung gian chuyển hoá và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc, lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hoá như ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư đại tràng… Ước tính loại nguyên nhân này gây ra đến 35% trong tổng số các loại ung thư.
Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm, dưa muối, cà muối, nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit, và nitrosamin là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày.
Gạo và lạc là 2 loại thực phẩm dễ bị nấm mốc Aspergillus flavus xâm nhiễm và tiết ra một loại chất độc là aflatoxin, chất này gây ra ung thư gan nguyên phát.
Nấm mốc Aspergillus flavus trong thực phẩm dễ gây ung thư gan. |
- Chế độ ăn uống không hợp lý và ô nhiễm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chế độ ăn nhiều chất mỡ động vật ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại - trực tràng và ung thư vú. Ngược lại chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau, hoa quả và các ngũ cốc dạng nguyên hạt, có thể làm giảm nguy cơ mắc các loại ung thư.
- Thuốc trừ sâu diệt cỏ cũng là yếu tố nguy cơ gây ung thư vú và một số loại ung thư khác. Bên cạnh đó hậu quả của chất độc màu da cam do Mỹ rải xuống trong chiến tranh đã để lại hậu quả nặng nề không những gây nên các bệnh về dị tật bẩm sinh mà còn là yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây nhiều bệnh ung thư. Các nhà khoa học Mỹ đã nghiên cứu và kết luận, chất dioxin trong chất độc màu da cam làm tăng tỷ lệ ung thư gan, máu, hạch, phần mềm ở các cựu chiến binh Mỹ ở những vùng có rải chất độc hoá học trong chiến tranh ở miền Nam Việt Nam và Chính phủ Mỹ đã phải có chính sách bồi thường hỗ trợ cho các đối tượng này.
- Các hoá chất sử dụng trong công nghiệp. Ước tính nhóm nguyên nhân này gây ra khoảng 2-8% trong tổng số các loại ung thư.
Các loại ung thư gây ra do nghề nghiệp thường xảy ra ở cơ quan tiếp xúc trực tiếp như da, hệ thống hô hấp và hệ tiết niệu, ví dụ: ung thư bàng quang ở những người thợ nhuộm có tiếp xúc với chất anilin trong phẩm nhuộm, ung thư phổi ở những công nhân khai thác mỏ amiăng, làm việc tiếp xúc với chất thạch tín, ung thư máu ở những người tiếp xúc với chất ben-zen, ung thư thanh quản ở những người tiếp xúc với khí mù tạc…
Theo GS.TS. Nguyễn Bá Đức Sức khỏe và đời sống
Trong 9 tháng thai kì, chế độ dinh dưỡng cho bà bầu rất quan trọng quyết định an toàn sức khỏe của mẹ và em bé. Mẹ bầu nên chia nhỏ bữa ăn; dùng nhiều trái cây, các loại hạt; uống sữa…