Rubella là bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với các phụ nữ đang mang thai, nhất là 3 tháng đầu thai kỳ.
Điều đáng nói, tại 2 BV phụ sản hàng đầu ở TPHCM là Từ Dũ, Hùng Vương, tỉ lệ phụ nữ nhiễm rubella thai kỳ rất lớn nhưng không phát hiện ra.
Thậm chí, nhiều phụ nữ mang thai mù tịt thông tin về loại bệnh này và BS phải ra quyết định bỏ thai.
Nhiều công nhân “mù tịt” thông tin Thai phụ T.K.T - 38 tuổi, trú tại Bình Thạnh, TPHCM - lập gia đình năm 32 tuổi. Sau gần 6 năm hiếm muộn và chạy chữa khắp nơi, chị đã có thai. Khi thai được 8 tuần tuổi chị bị sốt phát ban, mệt mỏi và đến BV khám. Kết quả xét nghiệm rubella IgM và IgG đều dương tính. Khi BS thông báo thông tin trên, chị dửng dưng vì không biết đó là bệnh gì và hậu quả của căn bệnh này. Đến khi BS đưa ra quyết định yêu cầu bỏ thai thì cả gia đình chị mới... lặng người, vì không còn cách giải quyết khác.
Cần tiêm phòng 3 tháng trước khi mang thai để tránh rubella. |
Tương tự trường hợp của chị T, tại BV Từ Dũ, chị T.A.N - trú tại quận 4, TPHCM - khi đến khám thai sau khi bị sốt nhẹ cũng đã có kết quả dương tính với bệnh rubella.
Chị cho biết, khi đang mang thai đứa con thứ hai thì con gái đầu lòng bị sốt phát ban toàn thân. Sau đó, nhiều người trong gia đình cũng bị lây sốt và chị N cũng bị căn bệnh này. Do thiếu thông tin nên chị chủ quan không đi khám. Đến khi BS cho làm xét nghiệm rubella thì mới phát hiện chỉ số IgG lên đến 4624 và CMV IgG 250. Theo BS điều trị, đây là chỉ số nhiễm rất cao và do không xác định được thời điểm nhiễm bệnh nên BS khuyên phải bỏ thai ở tuần thứ 11.
Bệnh rubella là một bệnh do siêu vi trùng gây ra. Virus gây bệnh nhẹ ở người lớn và trẻ em, nhưng đặc biệt gây bệnh nặng cho thai phụ do nó gây dị dạng thai nhi nếu bà mẹ bị nhiễm bệnh ở 4 tháng đầu của thai kỳ. Bệnh lây qua đường hô hấp do khi người bệnh ho làm bắn ra các hạt chất lỏng có chứa virus và người lành hít vào. Thời gian nhiễm bệnh càng sớm trong thai kỳ thì mức độ thai bị dị dạng càng nhiều do thai trong quá trình phân bào và hình thành các cơ quan. Các dị tật thường gặp của thai nhi là: điếc, tim bẩm sinh, đần độn, đục thuỷ tinh thể bẩm sinh, các bệnh về mắt, bại não, dị dạng về xương. Trẻ bị bệnh có thể lây lan cho người khác qua nước bọt, nước tiểu, phân sau khi sinh tới hơn một năm sau. |
Thống kê tại BV Từ Dũ, trong sáu tháng đầu năm 2010, BV đã phát hiện gần 50 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm rubella cấp với tuổi thai dưới 13 tuần. Trong số đó, phần lớn ca nhiễm là các công nhân đang làm việc tại các KCN-KCX và nhiều trường hợp đã hiếm muộn nhiều năm, hoặc lần đầu tiên mang thai. Hầu hết các trường hợp phát hiện được rubella cấp đều không biết hậu quả của căn bệnh này. Khó khăn nhất của các BS điều trị là ra quyết định cho bỏ thai hay không. Nếu bỏ thai thì nhiều nguy cơ có thể xảy ra cho mẹ sau này như: Sót nhau, sót thai, nhiễm trùng thủng tử cung hoặc khó mang thai về sau.
Để ngăn ngừa nhiễm rubella cho thai nhi, người mẹ cần khám, tiêm chủng để phòng bệnh này trước 3 tháng khi có ý định mang thai.
Phòng ngừa không khó
Theo BS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Viện Pasteur TPHCM - thì, rubella còn có tên là bệnh rubêôn, do virus RNA thuộc nhóm togavirus gây ra, còn gọi là bệnh sởi Đức. Rubella có đặc điểm là hay gây thành dịch và phát ban giống sởi. Mặc dù là bệnh lành tính, nhưng lại nguy hiểm cho phụ nữ có thai, nhất là vào 3 tháng đầu vì gây ra các dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Nếu mẹ nhiễm rubella sẽ truyền bệnh từ mẹ sang con, gây nên hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ. Hậu quả của hội chứng này là bào thai phát triển không bình thường, bao gồm: Thai chết lưu, bệnh tim bẩm sinh, viêm cơ tim, bại não, mù mắt, nhiễm trùng tai, gây điếc, gây dị dạng xương, chậm phát triển trí tuệ, tổn thương phổi, tổn thương xương dài... Nếu người mẹ nhiễm virus này trong 3 tháng đầu thời kỳ mang thai thì có tới 90% số bà mẹ có ảnh hưởng đến thai nhi như thai chết lưu, sẩy thai tự nhiên. Trẻ sinh ra sẽ có các dị tật như còn ống động mạch, thông liên thất, hẹp động mạch phổi, loét giác mạc, đục thủy tinh thể, viêm võng mạc, nhãn cầu nhỏ, chậm phát triển trí tuệ và điếc. Nếu mắc bệnh ở tuần thai thứ 16, các biến chứng giảm nhiều, chỉ còn khoảng 10%-20% có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh...
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ - khuyến cáo: Để ngăn ngừa nhiễm rubella cho thai nhi, người mẹ cần tiêm chủng để phòng bệnh này trước 3 tháng khi có ý định mang thai. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tiêm một liều duy nhất. Vaccine này không bao giờ được sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc những người có thể có thai trong vòng 3 tháng. Trẻ sơ sinh có kháng thể mẹ truyền sang (miễn dịch thụ động) được bảo vệ khoảng 6 - 9 tháng sau khi sinh.
Theo Lao động
Kinh gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam