Cách nào để trẻ dưới 6 tuổi khám BHYT đảm bảo quyền lợi?

Dù theo quy định, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn phí hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh. Nhưng do nhiều trẻ chưa có thẻ BHYT, không chủ động được trong việc đi khám bệnh tại nơi đăng kí ban đầu nên vẫn phải nộp thêm tiền.

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã trao đổi với báo chí xung quanh việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và việc khám chữa bệnh cho các đối tượng này khi giá viện phí tăng lên.  

Thưa ông, đến nay còn bao nhiêu trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT? Việc cấp thẻ có khó khăn gì không?

Khi mới thực hiện việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, quả thực chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Vì với 9 triệu trẻ phải cấp thẻ, đó là một khối lượng rất lớn. Khó khăn đặc biệt với đối tượng trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, trẻ theo bố mẹ đi làm ăn xa khỏi nơi cư trú.

Đến nay, phần lớn trẻ em dưới 6 tuổi đã được cấp thẻ, còn gần 2 triệu trẻ chưa có thẻ. Tuy nhiên, đại đa số trẻ em đã được khám chữa bệnh theo chế độ BHYT dù không có thẻ.

Theo ông, nguyên nhân nào khiến đến nay vẫn còn 2 triệu trẻ chưa được cấp thẻ BHYT, khiến quyền lợi khám bệnh miễn phí của các em không được đảm bảo?

Khách quan là do có nhiều cháu vùng dân tộc vùng sâu vùng xa, nhiều khi các cháu sinh ở nhà, không làm khai sinh, hộ khẩu nên rất khó có căn cứ để cơ quan đoàn thể biết đến cấp thẻ. Hơn nữa đến nay vẫn duy trì chế độ các cháu đi khám trong trường hợp không có thẻ vẫn được dùng giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh để thanh toán nên nhiều gia đình ngại đi đăng kí thẻ BHYT cho con, dẫn đến việc chưa cấp thẻ.

Còn chủ quan là do sự phối hợp các bộ ngành chưa thực sự nhịp nhàng. Vì quản lý các cháu là Vụ trẻ em thuộc Bộ lao động, bên y tế lại chưa được giao. Chúng tôi đang bàn bạc, nếu chuyển chức năng lập danh sách các cháu để cấp thẻ BHYT cho bên y tế đảm nhiệm sẽ thuận lợi hơn. Bởi việc quản lý bắt đầu từ khi người mẹ mang thai, đi khám, rồi tiêm chủng… thì kể cả những cháu không có hộ khẩu vẫn được quản lý, việc cấp thẻ sẽ đầy đủ hơn.

Đến nay, vẫn còn gần 2 triệu trẻ chưa được cấp thẻ BHYT. Việc không có thẻ BHYT có ảnh hưởng gì đến quyền lợi khám chữa bệnh miễn phí của trẻ dưới 6 tuổi không, thưa ông?

Việc thực hiện BHYT cho trẻ em luôn được thực hiện một cách triệt để nhất quyết tâm của Đảng, nhà nước khám chữa miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi. Thông qua chế độ BHYT, cơ quan BHXH đứng ra thanh toán toàn bộ chi phí cho các cháu.

Thông qua BHYT, chúng tôi cùng ngành y tế, ngành giáo dục tổ chức y tế học đường cho các cháu. Như vậy, các cháu được chăm sóc sức khỏe ngay từ khi bước vào tuổi lên 3 bắt đầu đi mẫu giáo.

Còn với việc cấp thẻ BHYT khi mới sinh, gia đình các cháu sẽ chủ động biết nơi cần đến khám sức khỏe ban đầu và nếu bệnh nặng sẽ nhanh chóng được chuyển viện theo đúng tuyến để đảm bảo các cháu được BHYT chi trả toàn bộ. Còn không có thẻ, các cháu vẫn được khám bệnh bằng cách trình giấy chứng sinh, giấy khai sinh. Nhưng thực tế những trường hợp đi khám không thẻ vẫn có có khăn, đó là do không biết nơi cần khám ban đầu nên không chủ động, nhiều người không biết nên tự đi vượt tuyến và vẫn phải nộp tiền khám chữa bệnh cho trẻ.

Ông có cho rằng, có xu hướng nhiều gia đình không sử dụng thẻ BHYT khi đưa các cháu đi khám bệnh vì cảm thấy rườm rà, chờ đợi lâu, chất lượng dịch vụ không bằng khám chữa bệnh theo yêu cầu?

Tôi nghĩ một số nhìn nhận vậy không đầy đủ. Trong thực tế, năm 2010 chúng tôi phục vụ gần 20 triệu lượt trẻ em khám chữa bệnh, cũng khó tránh một số trường hợp không được chu đáo. Nơi đăng kí khám ban đầu của các cháu rất được quan tâm, các cháu được ưu tiên đăng kí khám tại tuyến tỉnh, những nơi có khoa nhi. Đa số các cháu được đăng kí khám ở viện gần nơi cư trú, nhưng khi tình trạng có vấn đề được chuyển tuyến theo quy định chung rất thuận tiện. Thực tế trong năm rồi có nhiều cháu bệnh nặng, chi phí lớn như thận, mổ tim, ung thư, được thanh toán chu đáo.

Theo quy định của luật, nếu khám đúng tuyến, các cháu không phải cùng chi trả, chỗ nào thực hiện thu thêm là chưa thực hiện đúng quy định, nếu có phản ánh sẽ can thiệp.

Về việc khám chữa bệnh theo yêu cầu của các cháu mà một số bệnh viện đang triển khai, theo tôi cần xem xét lại vấn đề này. Tôi nghĩ với các cháu không có yêu cầu riêng, việc phục vụ phải theo yêu cầu bệnh của các cháu, không nên thu một mức phí cao hơn.

Việc tăng viện phí sắp tới có ảnh hưởng gì tới thanh toán BHYT cho các cháu dưới 6 tuổi không, thưa ông?

Dù viện phí tăng cũng không ảnh hưởng, vì theo quy định của luật BHYT, các bé dưới 6 tuổi không phải cùng chi trả, được BHYT thanh toán 100% khi khám bệnh đúng tuyến.

Ông có lời khuyên gì tới các bậc phụ huynh có con nhỏ dưới 6 tuổi để đảm bảo con em họ không bị thiệt thòi khi đi khám bệnh bằng BHYT?

Tôi cho rằng, các bậc phụ huynh hết sức quan tâm để các cháu có BHYT. Nếu chưa có cần liên hệ với ủy ban phường, cơ quan BHXH để có thẻ. Khi có bệnh, đưa đến nơi đăng kí khám bệnh ban đầu được ghi trên thẻ để được khám đúng tuyến để được thanh toán toàn bộ chi phí. Còn nếu khám cấp cứu, được xác định trong tình trạng cấp cứu, thì dù vào bất cứ bệnh viện nào thì các cháu cũng được BHYT chi trả 100% .

Tuy nhiên cũng có những nơi các bệnh viện thực hiện không nghiêm túc việc này. Trong thực tế, có nhiều bệnh viện do chuyên môn, do lý do khác (ví như với tiền khám BHYT thanh toán 3.000 đồng/khám, còn khám trái tuyến thu 20.000 ngàn nên bệnh viện không cho các cháu vào diện khám cấp cứu để thu tiền khám). Với những trường hợp này, nhận được phản ánh, gia đình chuyển lại phí thu tiền cho cơ quan BHXH, trách nhiệm cơ quan BH sẽ phải đi giám định lại để khẳng định, nếu là cấp cứu sẽ thu hồi lại tiền từ bệnh viện trả cho các cháu. Còn đúng là không cấp cứu thì các cháu cũng phải thanh toán một phần theo quy định.

Cụ thể, các cháu đi khám không đúng tuyến, không phải cấp cứu sẽ phải thực hiện thanh toán một phần. Ví dụ lên thẳng tuyến TƯ được thanh toán 30%, lên thẳng tuyến tỉnh được hưởng 50%. Còn khám đúng tuyến, chuyển viện đúng tuyến, các cháu được BHYT thanh toán 100%.

Tú Anh