Lọt lòng mẹ khi chưa đầy 28 tuần tuổi và chỉ nặng 700 gam, bị nhiễm trùng huyết, thiếu ôxy nhưng bé Hoài Thương ở Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An đã may mắn thoát cửa tử nhờ những nỗ lực của các bác sĩ BV Bạch Mai.
Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nơi cấp cứu bé Thương cho biết, ngày 10/9, mẹ bé được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Nghệ An lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng rất nặng: viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng.
Tuy nhiên điều không ai ngờ tới là người mẹ có dấu hiệu chuyển dạ sớm khi thai mới được gần 28 tuần. Ngay sau khi được cắt dây rốn, hô hấp nhân tạo bé được chuyển sang khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) ở gần đó cấp cứu do suy hô hấp, ngừng thở.
"Lúc đó, ai cũng nghĩ bé không thể sống được. Trẻ sinh non lại trên cơ thể người mẹ đang rất yếu. Mẹ bị thiếu ôxy nên con cũng bị thiếu ôxy, con cũng bị nhiễm trùng huyết do mẹ truyền sang", TS Dũng nói.
Bé Thương vẫn đang nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt tại khoa Nhi, BV Bạch Mai. |
Ngày chuyển vợ từ bệnh viện đa khoa tỉnh lên Hà Nội, điều anh Hoàng Ngọc Tỏa (31 tuổi) lo nhất là chị sẽ qua đời, để lại cho anh đứa con gái bé nhỏ.
Anh kể, mới đầu thấy vợ kêu đau hai bên mông, sau đó thì kéo xuống hai chân, đau cả đêm không ngủ được, anh có đưa vợ đi khám bệnh viện huyện. Nằm ở khoa sản 4 ngày nhưng bác sĩ bảo không có vấn đề gì. Sau đó, chị về nhà thấy hết đau nhưng lại chuyển sang sốt rất cao. Mãi 10 ngày mà không thấy vợ đỡ, anh mới mội vàng đưa chị vào viện.
"Cũng vì chủ quan mà tôi mất vợ, con mất mẹ. Đau xót lắm. Nhưng dù sao ông trời vẫn còn thương xót đứa con đầu lòng của chúng tôi. Nhờ sự tận tâm của các bác sĩ mà cháu sống được", anh Tỏa xúc động nói.
Đến nay sau 52 ngày, bé đã có thể tự thở được và nặng 1.750 gam (sau gần 2 tháng bé lên được 1,05 kg). Kiểm tra toàn bộ mắt, thần kinh, phản xạ đều không có di chứng gì.
Tiến sĩ Dũng kể lại: "Ngày bé chào đời, bố bé có đến gặp bác sĩ và nói 'Mẹ cháu đã như thế chắc không qua khỏi, không có hy vọng gì rồi, thôi thì các bác sĩ cố gắng cứu cháu'. Một ngày sau người mẹ qua đời thật, vì thế chúng tôi càng quyết tâm cứu cháu bằng được".
Tập thể y bác sĩ ở đây đã áp dụng phương tiện hiện đại nhất. Để tránh những tổn thương ở phổi trẻ do thở máy lâu ngày, họ cho bé thở máy tần số cao, đồng thời, sử dụng thuốc làm phồng phổi, chống nhiễm trùng..., liên tục theo dõi bé 24/24 giờ.
"Trước kia, với trẻ đẻ non, nhiều người thường quan niệm hệ thống tiêu hóa của trẻ còn chưa tốt nên thường mới đầu để trẻ nhịn ăn. Còn chúng thôi thì áp dụng chiến lược cho bé ăn càng sớm càng tốt, xin sữa của các bà mẹ khác, kết hợp cả sữa công thức để nuôi sống bé", bác sĩ Đỗ Anh, phụ trách phòng sơ sinh, khoa Nhi, cho biết.
"Trong suốt gần 2 tháng đó, đã không ít lần chúng tôi đã tưởng mất bé. Nhưng đến giờ thì có thể khẳng định bé chắc chắn sống. Đây là ca sơ sinh nhỏ nhất từ trước đến nay tại khoa Nhi", Tiến sĩ Dũng chia sẻ.
Nhưng có lẽ điều các bác sĩ lo lắng hơn cả là việc chăm sóc bé về sau khi mẹ đã mất, bởi việc chăm sóc một đứa bình thường khi không có mẹ đã khó, với một bé sinh quá non và có nhiều nguy cơ mắc bệnh thì còn khó hơn.
Ngày bé chào đời, anh Tỏa đặt tên con là Mận, lúc đấy anh còn không biết bé có qua khỏi được hay không. Giờ khi con đã có thể sống, anh quyết định đổi tên con thành Hoàng Thị Hoài Thương. Nhưng anh cũng không biết tương lai về sau hai cha con sẽ sống như thế nào, bởi có bao nhiêu vốn liếng, anh đã gom góp cùng tiền vay mượn chữa chạy hết cho vợ.
"Giờ còn tiền chạy chữa cho con tôi cũng chưa biết trông mong vào đâu. Hai vợ chồng cũng chỉ làm nông, tôi thì đi biển đánh cá. Nhà còn mình mẹ già năm nay đã 63 tuổi. Đợt vừa rồi bị lụt, nhà cửa cũng ngập hết. Nhưng có lẽ tôi cũng sẽ phải nhờ cô dì chú bác phụ trông nom con, còn phải đi biển để kiếm tiền", anh Tỏa chia sẻ.
Dự kiến nếu không có dấu hiệu gì bất thường, bé sẽ được xuất viện khi nặng ít nhất 2 kg.
Theo VnExpress
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam