"Nước ta hiện cũng ghi nhận không chỉ một mà vài loại 'siêu vi khuẩn' kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh, tương tự với loại vi khuẩn tiết ra enzym NDM-1 được phát hiện tại Anh", bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết.
Mới đây, các chuyên gia y tế thế giới có cảnh báo về một nhóm "siêu vi khuẩn" - có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh, thậm chí là nhóm kháng sinh mạnh nhất - đã lây lan từ Ấn Độ, Pakistan sang Anh.
Trước thông tin này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, loại “siêu vi khuẩn” vừa được các nhà khoa học trên thế giới phát hiện là một loại vi khuẩn tiết ra men (enzym) NDM-1. Loại men này có thể kháng lại hầu hết mọi loại thuốc kháng sinh, kể cả nhóm kháng sinh mạnh nhất là carbapenem.
"Do đặc tính chung của vi khuẩn có thể lây truyền rất mạnh qua giao lưu, tiếp xúc nên nguy cơ loại 'siêu vi khuẩn' này lan rộng ra thế giới, vào Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, tại nước ta hiện cũng đã ghi nhận một vài loại vi khuẩn tương tự có khả năng kháng tất cả loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột", bác sĩ Cấp cho biết.
Theo ông, các loại vi khuẩn này tiết ra một chất men phân hủy gọi chung là carbapenemase, làm giảm tính nhạy cảm của nhóm kháng sinh carbapenem. Men này có rất nhiều loại, trong đó men NDM -1 vừa phát hiện ở Ấn Độ.
"Nước ta chưa có nghiên cứu nào giải mã trình tự gene của tất cả các vi khuẩn kháng thuốc để xem đó có phải là NDM-1 hay không. Nhưng chúng ta đã phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc mang gen tương tự NDM-1 như vi khuẩn mang gen IMP, VIM... cũng kháng thuốc họ carbapenem", bác sĩ Cấp cho biết.
Một số nghiên cứu tại các bệnh viện cho thấy, vi khuẩn kháng thuốc nhóm carbapenem chiếm tỷ lệ khá cao, khoảng 1-4% chủng vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Bệnh viện nhiệt đới Trung ương thi thoảng vẫn tiếp nhận những ca nhiễm loại vi khuẩn này. Trong những trường hợp này, các bác sĩ phải chọn cách "chữa đường vòng", áp dụng nhiều biện pháp, chọn các loại kháng sinh còn nhạy cảm, phối hợp nhiều kháng sinh, điều chỉnh liều thuốc..., tuy nhiên chi phí điều trị tăng cao và hiệu quả điều trị không đảm bảo.
Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, mỗi một loại kháng sinh mới khi đưa vào sử dụng một vài năm lại xuất hiện chủng vi khuẩn đột biến, kháng loại kháng sinh đó. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ… là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều loại “siêu vi khuẩn” đa kháng thuốc.
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam