Hai tháng tuổi, bé trai tử vong vì viêm phổi bởi suy dinh dưỡng bào thai, tim bẩm sinh và đục thủy tinh thể. Đây được xem là ca điển hình của hội chứng rubella bẩm sinh.
Trước đó mẹ bé bị phát ban lúc mang thai 3 tháng mà không hề biết mình bị nhiễm rubella.
Bệnh rubella thường rất hiếm gây biến chứng. Đối với trẻ em triệu chứng thường xuất hiện nhanh, không gây khó chịu cho trẻ, chỉ làm người nhà lo lắng. Riêng người lớn và trẻ trên 7 tuổi thường có nhiều triệu chứng đi kèm gây khó chịu như mệt mỏi, đau khớp nhưng sẽ cũng khỏi sau vài ngày mà không để lại biến chứng gì.
Gánh nặng thật sự của bệnh rubella chính là xuất hiện ở phụ nữ mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu, sẽ để lại hậu quả cho bào thai và khi trẻ sinh ra sẽ có nhiều dị tật như điếc, đầu nhỏ, tim bẩm sinh (thường nhất là còn ống động mạch và hẹp động mạch phổi) đục thủy tinh thể…
Một bệnh nhi gặp biến chứng vì rubella điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thiên Chương. |
Hiện nay kiến thức về bệnh và phòng bệnh rubella còn nhiều sai lệch. Đa số các bà mẹ có con mắc rubella bẩm sinh đều hối hận vì mình không biết đây là bệnh có thể phòng ngừa được và khi mang thai mình mắc bệnh làm ảnh hưởng đến thai nhi. Cũng có bà mẹ biết mình bị phát ban khi mang thai nhưng không được tham vấn đầy đủ từ bác sĩ chuyên khoa để quyết định bỏ thai hay theo dõi lâu dài thế nào.
Khi phụ nữ mang thai bị rubella, tỷ lệ dị tật thai nhi tùy thuộc vào thời gian mắc bệnh, nếu mắc trong 12 tuần lễ đầu thì tỷ lệ rất cao (trên 80%), đến tuần thứ 16 tỷ lệ chỉ còn 10 đến 20% và từ tuần thứ 20 trở đi gần như rất hiếm.
Việc chẩn đoán phụ nữ mang thai có mắc rubella hay không cũng còn nhiều sai lầm. Bệnh rubella triệu chứng điển hình là phát ban, mệt mỏi, đau nhức khớp. Nhưng một người phụ nữ mang thai phát ban thì không chắc gì là rubella vì có nhiều bệnh do virus khác cũng gây phát ban, mặt khác khi mắc rubella có thể không có triệu chứng gì. Việc chẩn đoán được hỗ trợ bằng xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng virus rubella nhưng cũng không phải đơn giản là thấy kháng thể thì chắc chắn bị rubella và không thấy kháng thể thì có thể loại trừ hẳn bệnh.
Nếu người phụ nữ mang thai có phát ban, nhất là đang mùa bệnh mà xét nghiệm âm tính cũng nên xét nghiệm lại sau 1 - 2 tuần để chắc chắn không bệnh. Nếu bị phát ban mà xét nghiệm IgM dương tính thì khả năng mắc rubella rất cao, trong khi chỉ có IgG dương tính thì nên xét nghiệm lại để so sánh độ tăng của hai kết quả mới xác định được có nhiễm hay không.
Vì sự khó khăn trong chẩn đoán và sự lo lắng khi mang thai không biết mình có bị rubella hay không nên việc tiêm ngừa là quan trọng. Ở các nước phát triển, họ đưa vào chương trình quốc gia văcxin 3 trong 1 ngừa sởi để tránh những biến chứng ở trẻ em, ngừa quai bị gây viêm tinh hoàn ở trẻ trai và ngừa bệnh rubella ở phụ nữ mang thai. Chương trình quốc gia của nước ta chỉ đủ sức thanh toán sởi nên chưa có chủng ngừa rubella nên việc phòng ngừa sẽ đặt ra cho từng cá nhân.
Việc này nghe rất đơn giản vì phụ nữ ở tuổi sinh sản chỉ cần chích một liều là đủ phòng bệnh, nhưng đa số phụ nữ khi lập gia đình, sắp mang thai nghe đến rubella thì mới giật mình trước nguy cơ này. Và lúc này muốn chích ngừa thì sợ sẽ mang thai vì trong hướng dẫn chủng ngừa là phải chích trước khi mang thai 1 - 3 tháng.
Thật ra việc chích ngừa rubella hay thủy đậu trước khi mang thai khoảng 4 tuần là đủ an toàn. Có một số trường hợp sau khi chích ngừa phát hiện có thai mà bỏ thai là không cần thiết. Khoa học không thể nghiên cứu ảnh hưởng của thai nhi sau chích ngừa vì sẽ vi phạm y đức trong nghiên cứu, nhưng thực tế đã có trên 300 trường hợp được báo cáo sau chích ngừa rubella mới biết có thai thì những trẻ sinh ra từ các bà mẹ này đều bình thường.
Tóm lại, thiếu nữ hay phụ nữ ở tuổi sinh sản nên chích ngừa để tránh những lo lắng khi nghĩ đến bệnh này. Còn không may lâm vào tình trạng muốn mang thai hay đã mang thai mà không biết có mắc bệnh hay không thì nên tìm bác sĩ chuyên khoa để được tham vấn.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh
Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam