Ca sinh tư nhờ thụ tinh trong ống nghiệm

3 bé trai và một bé gái đã cất tiếng khóc chào đời sau ca mổ đẻ thành công tại Bệnh viện phụ sản trung ương.

Ca mổ diễn ra hôm 27/11, khi mẹ các bé mang thai ở tuần thứ 33. Sản phụ là chị Vũ Thị Phương Hoa, 31 tuổi (Phùng Hưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội), điều dưỡng tại Bệnh viện quân y 108. Chị bị hội chứng buồng trứng đa nang, khó thụ thai nên đã thụ tinh trong ống nghiệm và có 4 thai. Bốn bé được đặt tên ở nhà là Nghêu, Sò, Ốc, Hến, với cân nặng lần lượt 1,6 kg, 1,8 kg và hai bé 1,7 kg.

sinh-4-JPG-5791-1417161351.jpg

Hai bé trong 4 trẻ sinh tư tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh:  MT.

Phó giáo sư Nguyễn Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện phụ sản trung ương - người trực tiếp điều trị giữ thai và mổ đẻ cho sản phụ cho hay, đây là trường hợp cực hiếm về số lượng thai cũng như thành công trong việc giữ thai. "Những trường hợp mang thai tư thường phải đối mặt với nguy cơ đẻ non. Trên thế giới, ngay cả các trường hợp thai ba, thường chỉ giữ được trẻ trong bụng mẹ tới tuần 32-33", bác sĩ Cường giải thích. 

Ông cho biết, sản phụ Hoa từng mổ đẻ 6 năm trước. Lần mang thai này do đa thai, các thai lại lớn, tử cung căng giãn quá mức có thể gây bục sẹo cũ, vỡ tử cung... Vì vậy, khi chị Hoa tới khám thai ở tuần thứ 24, các bác sĩ đã khuyên chị nhập viện để điều trị giữ thai. "Sản phụ có sức chịu đựng tốt, tâm lý vững vàng, không xao động, lo lắng, lại tuân thủ đầy đủ tư vấn của thầy thuốc. Các bác sĩ đã chăm sóc, theo dõi sát sao quá trình thai nghén của thai phụ, đồng thời áp dụng những phương pháp điều trị chống đẻ non tiên tiến nhất... nên đã giữ được tuổi thai tối đa có thể", bác sĩ Cường cho biết.

sinh42-JPG-1780-1417161352.jpg

Hôm nay, các bé sinh tư đã có thể tự thở và sức khỏe khá tốt.  Ảnh: MT.

Ông cho hay, sản phụ sinh tư có thể đối mặt với nhiều nguy cơ nguy hiểm khi sinh như đờ tử cung, vỡ tử cung... các bác sĩ đã dự phòng tất cả tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị kỹ càng trước khi mổ lấy thai: Kết hợp chặt chẽ giữa kíp mổ gồm 2 bác sĩ, 4 nữ hộ sinh... đồng thời thông báo trước cho khoa sơ sinh, hồi sức sẵn sàng tiếp nhận và xử trí những tình huống khẩn cấp nếu có. 

Bác sĩ Trần Diệu Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, khi mới chào đời được chuyển từ khoa sản xuống đơn vị sơ sinh, các bé phải dùng máy hỗ trợ hô hấp, nhưng hôm nay cả 4 cháu đều có thể tự thở, sức khỏe tiến triển tốt. Các bé sẽ được tiếp tục chăm sóc và theo dõi, dự phòng các bệnh có thể gặp trong tuần đầu sau sinh như vàng da, viêm ruột, bong võng mạc...

Vừa trải qua lần vượt cạn khó nhọc, dù còn khá yếu, mệt, gương mặt chị Hoa vẫn rạng rỡ nụ cười vui sướng khi biết các con đều khỏe mạnh. Chị Hoa cho hay biết mang thai 4 khi siêu âm ở tuần thứ 16. Trước đó, các kết quả đều cho thấy chị mang thai 3. Khi đó, vợ chồng chị cùng cả gia đình vừa mừng vừa hoang mang, lo lắng cho sự an toàn của cả mẹ và con. Những tháng sắp sinh, cơ thể chị mệt mỏi, nặng nề, bụng trĩu xuống.

"Đến bây giờ cả đại gia đình có thể thở phào nhẹ nhõm rồi. Đây không chỉ là niềm vui của gia đình tôi mà là tin mừng với cả họ", chị Hoa chia sẻ. Vợ chồng chị cũng mang nỗi lo chưa biết sẽ phải xoay sở ra sao để chăm sóc và nuôi dạy 4 đứa con cùng chào đời một lần này.

Vương Linh

Thai phụ 18 tuổi can trường chiến đấu với ung thư buồng trứng, vỡ òa hạnh phúc được làm mẹ

Đến khám lại tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị Nguyễn Trần Khánh Linh vui mừng chia sẻ: "Kết quả rất tốt, tôi sắp hoàn thành đợt hoá trị thứ 6, chỉ còn 1 đợt nữa thôi..."