Lãnh đạo ngành y “bốc thuốc” chữa bệnh “mòn y đức”

Những bức xúc về thái độ thiếu thân thiện (thậm chí vòi vĩnh) của y bác sỹ đã gây nhiều ác cảm của dư luận đối với người làm nghề y. Lãnh đạo ngành y và lãnh đạo bệnh viện trình bày giải pháp “nhặt sạn” tiêu cực, cải thiện hình ảnh của cán bộ

 “Bộ Y tế kiểm tra ráo riết, gắt gao”
(Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu

Trước chuyện bác sỹ kê đơn nhận hoa hồng của hãng dược, khiến giá thuốc bị đẩy lên cao, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định Bộ Y tế đã kiểm tra rất ráo riết, gắt gao việc này, cấp ủy và công đoàn các bệnh viện cũng vào cuộc.

Bộ trưởng cũng rất lạc quan: “Thực ra chuyện kê đơn nhận hoa hồng thường rơi vào những bác sỹ giỏi và có tiếng, nên với lương tâm, trách nhiệm, lòng tự trọng của cán bộ y tế, chúng tôi nhận định là tình trạng này đã giảm và giảm khá nhiều”.

Về thái độ ứng xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Bộ Y tế đã triển khai thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết đến nay toàn bộ các đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ viên chức, xây dựng kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các ban chỉ đạo này đều nhận được sự trợ giúp của Bộ Y tế thông qua các buổi tập huấn.

Song song với việc này, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TW đã thực hiện triển khai lồng ghép với việc tuyên truyền cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua website, các bản tin tuyên truyền, các cuộc thi đua, …

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết toàn ngành y đã phát độn phong trào thi đua thực hiện quy tắc ứng xử trong các đơn vị sự nghiệp y tế. Đã có 100% các đơn vị đã tổ chức phát động thi đua với các tên gọi như: “Buồng bệnh Đặng Thùy Trâm”, xây dựng “Quỹ Đặng Thùy Trâm”, phong trào “Bệnh viện tình thương”, “Bệnh viện xuất sắc toàn diện”, …

Bộ Y tế cũng có cơ chế kiểm tra định kỳ và khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt các quy tắc ứng xử, mang lại sự hài lòng đối với người bệnh và người nhà bệnh nhân.

“Y đức: Học rồi, học lại”
(GS-Viện Sĩ Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế)

GS-Viện sỹ Phạm Song - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế

GS-Viện Sĩ Phạm Song thì lại nhận định rằng ngày nay, cơ chế thị trường đã tác động tới mọi ngõ ngách của cuộc sống, làm thay đổi nhận thức và hành vi của từng người trong xã hội, trong đó có cả đối tượng bác sỹ, vì họ cũng là con người, không thể vượt ra ngoài các quy luật thông thường.

Nhìn nhận sự xuống cấp mạnh mẽ của y đức trong thời điểm hiện tại có nguyên nhân trực tiếp từ cơ chế thị trường, GS. Phạm Song nhấn mạnh: “Cần phải giáo dục lại y đức cho bác sỹ”.

Trước đây, khi chưa hành nghề (lúc còn ngồi trên ghế nhà trường), sinh viên trường y đã thuộc nằm lòng lời thề Hippocrates với 8 nội dung rất trang trọng (Ví dụ: “Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công”, “Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”, …).

Theo GS. Phạm Song, trong khung cảnh hiện đại, cần giáo dục y đức cho bác sỹ một cách thực tế chứ không nên chỉ bằng những lời lẽ mang tính khẩu hiệu.

Tại các nước phương Tây, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, lời thề Hippocrates đã bị bỏ, thay đổi hoặc thay thế bằng các lời thề phản ảnh giá trị văn hóa và xã hội ngày nay.

 “4 việc đồng bộ cần làm ngay”
(PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc bệnh viện Việt Đức)

 
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết thì hiện nay vẫn có hàng vạn, hàng vạn người công tác trong ngành y và không nhận một cái phong bì nào nhưng vẫn làm tốt công việc. Có những thầy thuốc cả đời không nhận một đồng tiền nào của người bệnh, sống hoàn toàn bằng đồng lương trong sạch. Ông cũng thừa nhận hiện nay cũng vẫn còn một số hiện tượng tiêu cực vẫn xảy ra trong ngành y nhưng theo ông là rất ít. Hiện tượng nhũng nhiễu, vòi vĩnh bệnh nhân chỉ xảy ra ở một số người, thậm chí rất ít người. Đó chỉ là một vài “hạt sạn” trong đội ngũ cán bộ y tế.

Muốn giảm tiêu cực và nâng cao y đức, ông Quyết cho rằng phải làm đồng thời mấy việc như sau:

Thứ nhất là phải có cơ chế, chính sách cởi mở. Hiện nay, ông Quyết nhấn mạnh “chúng ta có quy định khống chế bao nhiêu giường bệnh thì bao nhiêu nhân viên, bao nhiêu kỹ thuật viên/bác sĩ, vv … Từ đây đẻ ra tình trạng thủ tục rất rườm rà, không đi vào thực chất. Ngành y tế theo cơ chế bao cấp nhưng thu nhập của ngành quá thấp nên không đủ trả lương cho nhân viên nên phải khống chế như thế”.

Thứ hai là tạo môi trường trong sáng để cán bộ y tế yên tâm làm việc. Tức là từ giám đốc đến các phó giám đốc, công đoàn, Đảng ủy đều phải tôn trọng, quan tâm đến đời sống và không “ăn hơn” các cán bộ y tế của viện cái gì cả. Tất cả cùng hết lòng vì tập thể, hết lòng vì bệnh nhân.

Thứ ba là tăng lương. Ông Quyết không dám nói trước vì có người có cả chục tỷ vẫn tham ô nhưng nếu lương cán bộ y tế tương đương mặt bằng chung của xã hội thì tiêu cực sẽ giảm tối đa. “Còn nhu cầu của con người thì vô cùng, mình nên hài lòng với những gì mình đạt được bằng sức lao động chính đáng. Đừng thấy người khác có xe đẹp, nhà sang mà cố bằng mọi cách để có được như thế”, ông Quyết nhấn mạnh.

Thứ tư là phải có cơ chế giám sát, kỷ luật. Nếu 3 điều kiện kia đảm bảo rồi thì phải có giám sát chặt, hiện tượng tiêu cực sẽ bị đẩy lùi.

Ngọc Anh