

Ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp liên viện cấp cứu thành côngmộttrường hợp mổ lấy thai cho sản phụ 30 tuổi - mắc lao phổi kháng thuốc nặng, đang mang thai ở tuần thứ 35.
Sáng ngày 8/7/2025, ê-kíp 11 nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ Sản Trung ương gồm các bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức, sơ sinh, kỹ thuật viên, điều dưỡng… đã khẩn trương có mặt tại Bệnh viện Phổi Trung ương, phối hợp liên viện để thực hiện cấp cứu mổ lấy thai cho sản phụ 30 tuổi - mắc lao phổi kháng thuốc nặng, đang mang thai ở tuần thứ 35.
Ekip các bác sĩ hai bệnh viện phối hợp liên viện để thực hiện cấp cứu mổ lấy thai cho sản phụ 30 tuổimắc lao phổi nặng
Đây là một trường hợp đặc biệt nguy hiểm và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, chuyên sâu giữa hai bệnh viện đầu ngành – nơi một bên điều trị hô hấp chuyên sâu, một bên là chuyên khoa đầu ngành về Sản Phụ khoa và Sơ sinh của cả nước.
Cấp cứu ngoại viện – phản ứng chuyên nghiệp trước ca bệnh hiếm gặp, khi mỗi giây đều là sinh mạng
Trước đó vào ngày 07/7/2025, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương nhận được lời đề nghị hỗ trợ khẩn cấp từ Bệnh viện Phổi Trung ương. Bệnh nhân là chị L.T.H (30 tuổi), mang thai con đầu lòng 35 tuần, đang điều trị lao phổi tái phát có kháng rifampicin – một thể lao kháng thuốc đặc biệt nguy hiểm. Bệnh nhân có tiền sử điều trị lao cách đây 3 năm, đợt này tái phát với tổn thương nghiêm trọng ở cả hai phổi, đặc biệt phổi trái gần như mất hoàn toàn chức năng.
Khi thai càng lớn, áp lực lên lồng ngực càng tăng khiến bệnh nhân suy hô hấp tiến triển. Việc tiếp tục chờ đợi cho đến khi thai đủ ngày đủ tháng là quá mạo hiểm, có thể khiến cả mẹ và con gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Hai bệnh viện đã hội chẩn khẩn và quyết định mổ lấy thai ngay tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Ngay từ sáng sớm ngày 8/7, kíp mổ ngoại viện gồm 11 nhân viên y tế của Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã mang đầy đủ dụng cụ phẫu thuật, thuốc men, trang thiết bị hồi sức sơ sinh, trong đó có cả lồng ấp để sẵn sàng xử lý mọi tình huống tại chỗ.
Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách chuẩn bị toàn bộ hồi sức trước mổ, điều trị lao và đảm bảo trạng thái hô hấp tốt nhất cho sản phụ trước khi phẫu thuật. Trong khi đó, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương phụ trách phẫu thuật sản khoa và chăm sóc sơ sinh.
Hai bệnh viện đã hội chẩn khẩn và quyết định mổ lấy thai ngay tại Bệnh viện Phổi Trung ương.
Sau hơn 30 phút phẫu thuật căng thẳng, bé trai nặng 2.200g chào đời an toàn, hồng hào. Các nữ hộ sinh và bác sĩ sơ sinh nhanh chóng kiểm tra, giữ ấm và hỗ trợ hô hấp cho bé bằng lồng ấp di động. Trước khi được chuyển về Trung tâm Sơ sinh - Bệnh viện Phụ Sản Trung ương chăm sóc chuyên sâu, em bé được áp sát mẹ trong giây phút đầu tiên – khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng xúc động, khi ánh mắt đầu đời của con gặp người mẹ đã kiên cường giữ con suốt hành trình thai nghén đầy thử thách.
Bé trai nặng 2.200g chào đời khỏe mạnh, khóc to
Dẫn đầu ê-kíp sang phối hợp lần này, BSCKII Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng khoa Sản Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương chia sẻ: “Sản phụ vừa điều trị lao kháng thuốc vừa mang thai là bài toán rất khó, bởi vừa phải đảm bảo tính mạng cho mẹ, vừa phải bảo vệ thai nhi. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp bên Bệnh viện Phổi Trung ương ca phẫu thuật được thực hiện thành công, là thành quả đầy gian nan và nỗ lực liên viện”.
Bé trai nặng 2.200g chào đời an toàn được áp sát mẹ trong giây phút đầu tiên
Trong quá trình phối hợp liên viện lần này, ThS.BS.CKII Nguyễn Viết Nghĩa – Trưởng khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết thêm: “Ca mổ được thực hiện ngay tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Do sản phụ mang thai non tháng, thêm tình trạng suy hô hấp nên chúng tôi phải lên phương án gây mê, hồi sức cực kỳ cẩn trọng, đồng thời chuẩn bị mọi tình huống khẩn cấp. Sự phối hợp ăn ý và chuyên nghiệp giữa hai ekip là chìa khóa của thành công”.
Ekip các bác sĩ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương và Bệnh viện Phổi Trung ương chụp ảnh lưu niệm sau ca phẫu thuật
Trường hợp sản phụ L.T.H không phải ca đầu tiên được mổ cấp cứu tại Bệnh viện Phổi Trung ương với sự hỗ trợ chuyên môn trực tiếp từ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương. Gần 10 ca mổ tương tự đã được thực hiện trong những năm gần đây, cho thấy một mô hình phối hợp chuyên môn liên viện hiệu quả, kịp thời và ngày càng trở thành thường quy.
Sự chủ động, nhịp nhàng giữa các bệnh viện đầu ngành trong xử trí các ca bệnh phức tạp không chỉ cứu sống người bệnh mà còn là hình mẫu về sự hợp tác chuyên sâu trong hệ thống y tế tuyến cuối trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Tin bài: Tổ truyền thông/PSTW
Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Việt Nam.