Ngày 1 tháng 2 năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika.
Ngày 1 tháng 2 năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầuvề virus Zika, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học, y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm từ khắp thế giới tại một cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp y tế quốc tế thuộc WHO.
Ngày 5 tháng 4, WHO ra thông báo, virus Zika đã lây lan tới 61 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 130 nước có loài muỗi Aedes mang loại virus này, khiến nguy cơ virus Zika lan rộng là rất lớn. Tổ chức này cảnh báo dịch Zika có thể diễn biến tồi tệ hơn trước khi được kiểm soát và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chống muỗi và tránh bị muỗi đốt.
Ngày 5/2, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika. Theo hướng dẫn này, bệnh do vi rút Zika thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong. Vi rút Zika có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất hiện nay là diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt.
Có khoảng 10% những bà mẹ mang thai trong khoảng từ 8 - 12 tuần mới có nguy cơ virus Zika tác động đến bào thai, vì đây là thời kỳ thai phát triển trong giai đoạn phôi. Vì vậy nếu ai đang mang thai quá 12 tuần mà chưa mắc virus Zika thì không đáng phải lo ngại. Diễn biến của hội chứng đầu nhỏ do mắc virus Zika có thể biểu hiện rất muộn trong thai kỳ. Do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, những thai phụ mang thai trong 3 tháng đầu mà xác định mắc virus Zika phải được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.
Để chẩn đoán và theo dõi những thai phụ mắc virus Zika có bị thai đầu nhỏ hay không, trên siêu âm các bác sĩ thường đánh giá trên hai cấu trúc của thai, một là sự phát triển của xương vòm sọ (qua đo đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu), hai là sự phát triền của cấu trúc não (quan trọng nhất là thùy trán)
Để đáp ứng với tình hình dịch và nâng cao kỹ năng chẩn đoán cho cán bộ y tế, Bệnh viện Phụ sản trung ương đã tổ chức lớp TẬP HUẤN CẬP NHẬT "Siêu âm trong chẩn đoán và theo dõi tật đầu nhỏ thai nhi do Zika" cho các bác sỹ sản khoa, chẩn đoán hình ảnh.
Đến dự khóa tập huấn có PGS. TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc bệnh viện, PGS. TS Lê Hoài Chương – Phó giám đốc bệnh viện. Phát biểu khai mạc khóa tập huấn, PGS. TS Lê Hoài Chương đã nhấn mạnh mục đích và định hướng khóa tập huấn.
Khóa tập huấn đã diễn ra trong 3 ngày (từ 20/06/2016 đến 22/06/2016) với sự tham dự của 43 bác sỹ đang làm việc tại các Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản/ Bệnh viện sản Nhi của 31 tỉnh/thành phố.
Cùng với sự nhiệt tình của các giảng viên là BS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa CĐHA và Ths. BS Đoàn Văn Trung - Bệnh viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, các học viên đã tham gia học lý thuyết và thực hành với nhiều kiến thức bổ ích.
Kết thúc khóa tập huấn, PGS. TS Vũ Bá Quyết đã trao giấy chứng nhận cho các học viên. Khóa tập huấn đã thành công tốt đẹp.
Một số hình ảnh tại khóa tập huấn:
Bài: Huyền Linh – Phòng Chỉ đạo tuyến
Ảnh: Đàm Văn Thành – Phòng Công nghệ thông tin
Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Việt Nam.