Tiếp tục triển khai các phương án phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus nCoV

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona nCoV gây ra, PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện đã tổ chức cuộc họp nhằm tiếp tục triển khai, rà soát lại các phương án phòng chống dịch.

Tham dự cuộc họp có PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, Ban Giám đốc và Lãnh đạo một số khoa phòng, đơn vị liên quan.

Báo cáo với Giám đốc về tình trạng cung ứng vật tư y tế tại bệnh viện, Ths. Lê Đình Cường, Phó Giám đốc bệnh viện, Phó Trưởng Ban hậu cần, Trưởng phòng Vật tư, thiết bị y tế cho hay: Trước tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu, khan hiếm khẩu trang xảy ra trên cả nước. Tại bệnh viện vẫn đủ đáp ứng cho nhân viên y tế, tuy nhiên số lượng cung cấp ra cũng rất phải tiết kiệm.

Sau khi nghe báo cáo của các ban chuyên môn, hậu cần - nằm trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch đã được thành lập trước đó, PGS.TS Trần Danh Cường quyết liệt chỉ đạo: “ Nước sát khuẩn tay được phải kịp thời bổ sung, thay thế (nếu bị hư hỏng) tại các vị trí đặt chai, không được để xảy ra tình trạng thiếu hay hết, kể cả các khu văn phòng cũng được trang bị đầy đủ cho khách ra vào đến làm việc”.

“ Cho dù có khan hiếm khẩu trang như thế nào thì ít nhất mỗi nhân viên y tế làm việc tại các khoa khám bệnh sẽ được cấp phát 2 chiếc/ngày; Các máy đo thân nhiệt ở khoa khám và các nơi sàng lọc ban đầu phải được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo không bị gián đoạn do hư hỏng”, PGS.TS Trần Danh Cường kiên quyết nói.

Nói về yêu cầu sàng lọc ban đầu khi bệnh nhân đến khám để phòng chống lây nhiễm, Giám đốc cũng yêu cầu phải tuân thủ đúng quy trình Sàng lọc, khoanh vùng, cách ly và điều trị.

PGS.TS Vũ Văn Du, Trưởng phòng Quản lý chất lượng cũng nêu trong báo cáo việc cập nhật những thông tin mới nhất từ Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra. Cập nhật về: chẩn đoán và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV; xử trí một số hội chứng suy hô hấp, sốc nhiễm trùng… ở người lớn, bệnh nhi; phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ

nhiễm nCoV; cách lấy mẫu, đóng gói và vận chuyển bệnh phẩm; giám sát và phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra….

Hiện viêm phổi do virus corona mới chưa có thuốc đặc hiệu và văcxin phòng bệnh. Do đó, điều quan trọng lúc này là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng người bệnh và điều trị biến chứng, trong quá trình điều trị cần tập trung điều trị cả bệnh do virus và các bệnh nền.

Trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng. Việc rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang, làm thông thoáng nơi ở, tránh tụ tập đông người và dinh dưỡng đầy đủ được khuyến cáo trong phòng chống virus corona. 03 đường lây cơ bản của virus corona là đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí. Cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Các loại khẩu trang vải được giặt sạch, khẩu trang y tế đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn.

Kết thúc cuộc họp, Giám đốc Trần Danh Cường khẳng định bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽthực hiện nghiêm túc, triệt để các biện pháp phòng chống dịch như đúng với Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ Y tế “ Chống dịch như chống giặc”.

Bệnh nhân đến khám ban đầu được kiểm tra thân nhiệt, khai thác dịch tễ trước khi vào khám chuyên môn

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp. Tính đến 09h00 ngày 12/2/2020trên Thế giới: 44.793 người mắc, 1.110 người tử vong, trong đó Trung Quốc 1.110 người tử vong, Phillippines có 01 trường hợp tử vong; Hồng Kong: 01 người tử vong.

 

Tại Việt Nam, tính đến 9h00 ngày 12/2/2020 đã có 15 trường hợp dương tính với chủng virus Corona; Điều trị khỏi: 06 người đã được xuất viện; 602 trường hợp sức khỏe bình thường, không có dấu hiệu sốt, ho nhưng vẫn được cách ly, theo dõi do có tiếp xúc gần với người nghi ngờ bị nhiễm nCoV và 97 trường hợp tiếp tục cách ly theo dõi, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

 

 

Bài: Đặng Thị Mai Hương, Phòng Công tác xã hội

Bé sơ sinh nhỏ nhất Việt Nam

Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Việt Nam.