Hơn 5.000 phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung mỗi năm

Tại Việt Nam, mỗi năm, hơn 5.100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới và khoảng 2.400 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Đây là những con số được báo cáo trong hội thảo về vắc-xin tiêm phòng các bệnh do virus HPV gây ra.

Tháng 7 vừa qua, tại TP HCM, hơn 300 y - bác sĩ khu vực phía Nam đã dự hội thảo “Gardasil - văcxin tứ giá ngừa HPV (human papiloma virus) - Tiên phong và dẫn đầu phòng ngừa các bệnh do HPV gây ra - Món quà cho cuộc sống” do bác sĩ Phạm Việt Thanh (Giám đốc Sở Y tế TP HCM) chủ trì. Chương trình còn có sự tham dự và báo cáo tham luận của Tiến sĩ Trần Ngọc Hữu - Viện trưởng Viện Pastuer TP HCM, Giáo sư Marc Steben (Viện Y tế cộng đồng Québec - Canada) cùng một số bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực phòng chống HPV.

Hội thảo đã công bố con số khiến nhiều người quan ngại. Tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 5.100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới và đã có khoảng 2.400 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Hiện nay, ung thư cổ tử cung là bệnh gây chết người thứ 2 trong các loại ung thư mà phụ nữ mắc phải. Trên thế giới, 630 triệu người bị nhiễm virus HPV. Mỗi ngày, 750 phụ nữ (trong đó tại châu Á, hơn 400 phụ nữ) chết vì nó.

Các chuyên gia giải đáp thắc mắc tại hội thảo.
Các chuyên gia giải đáp thắc mắc tại hội thảo.

Giáo sư Marc Steben-một trong 10 giáo sư đầu ngành trên thế giới, người có thâm niên trong việc nghiên cứu về HPV, chia sẻ tại hội thảo: “Trong các bệnh nhiễm gây ung thư, 21% tất cả các ung thư do nhiễm trùng gây ra (7,7% ở các nước phát triển, 26,3% ở các nước đang phát triển); 5.2% của tất cả các ung thư là do HPV gây ra (2,2% các nước phát triển, 7,7% các nước đang phát triển)". Mối liên hệ giữa HPV và ung thư cổ tử cung mạnh gấp 7 lần mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi. Đặc biệt, ung thư cổ tử cung thường xuất hiện ở phụ nữ từ 35 đến 60 tuổi. Việt Nam là một nước đang phát triển, nên nguy cơ bị nhiễm HPV cao hơn.

Với suy nghĩ thông thường, nhiều người lầm tưởng virus HPV gây nên ung thư cổ tử cung là chính, nên nam giới không quan tâm. Thực tế, các quý ông cũng có nguy cơ vướng HPV, biểu hiện cụ thể là mụn cóc sinh dục, đa bướu gai hô hấp tái diễn và ung thư dương vật. Trong đó, ung thư hậu môn, ung thư hầu họng (lưỡi, amiđan, họng và khẩu cái mềm) là vấn đề cấp thiết mà nam giới đang cần quan tâm.

Giáo sư Marc Steben mang đến hội thảo những câu chuyện sống động, hình ảnh đáng sợ do HPV gây ra. Ông chia sẻ: “Tôi từng tiếp xúc nhiều những trường hợp bị nhiễm HPV, đặc biệt là các chị em nhiễm HPV chuyển thành ung thư cổ tử cung. Khó kể hết nỗi đau đớn, tuyệt vọng của họ". Giáo sư cũng chia sẻ phụ nữ nên đi tiêm ngừa HPV từ trước.

Giáo sư Marc Steben, Viện Y tế cộng đồng Québec-Canada thuyết trình về bệnh học liên qua đến HPV.
Giáo sư Marc Steben, Viện Y tế cộng đồng Québec-Canada thuyết trình về bệnh học liên qua đến HPV.

Hội thảo cũng đặt ra thực tế, nhiều người dân vẫn chủ quan phòng HPV. Thực tế không phải vậy, các nhà khoa học đã chứng minh, tất cả mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh hoạt tình dục sẽ nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời. Đa số bệnh sẽ thoái triển nhưng một số tiếp tục tiến triển và trở thành ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ hoặc ung thư âm đạo. Một vấn đề quan trọng là không ai có thể biết mình sẽ sạch nhiễm hay tiếp tục âm thầm tiến triển thành ung thư. Điều đó cho thấy, tiêm ngừa là việc mỗi người cần làm và nên làm sớm.

Báo cáo tại hội thảo, tiến sĩ Cao Hữu Nghĩa (Trưởng Khoa phòng khám Viện Pasteur TP HCM) nhấn mạnh hiện nhiều người chưa tiếp cận được với vắcxin ngừa HPV do một số rào cản. Đó là vị trí địa lý (người dân ở vùng sâu vùng xa khó lên thành phố để tiêm ngừa còn vắcxin lại chưa về được những vùng đó), điều kiện kinh tế (với một số bộ phận dân chúng, thu nhập chỉ đủ ăn, không trích ra được phần tài chính để chủ động lo cho sức khỏe), tâm lý “nước đến chân mới nhảy”… Tất cả tạo nên thói quen chưa chủ động đi tiêm ngừa. Đây là vấn đề nên được thay đổi sớm.

Mới đây, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Kiều Dung (Giảng viên Bộ môn Phụ sản - ĐH Y Dược TP HCM) cùng đồng nghiệp tổ chức khảo sát, nghiên cứu về virus HPV tại 20 phường xã tại Việt Nam. Qua khảo sát, bác sĩ cho biết người dân vẫn chủ quan, chưa ý thức phải tiêm phòng.

Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận vắcxin tứ giá ngừa ung thư hậu môn và các thương tổn tiền ung thư đi kèm do virus HPV type 6, 11, 16 và 18 gây ra ở người từ độ tuổi 9 đến 26.

Đồng thời văcxin cũng được chứng nhận ngừa ung thư âm đạo, âm hộ và cổ tử cung và những tổn thương tiền ung thư đi kèm gây ra bởi 4 type virus trên ở nữ giới, ngừa mào gà sinh dục gây ra bởi virus HPV type 6 và 11 ở cả nam và nữ.

Theo Giáo sư Marc Steben, tính đến tháng 8/2009, vắcxin tứ giá ngừa HPV đã được cấp phép trên 124 quốc gia trên toàn thế giới với trên 50 triệu liều. Đến tháng 2/2010, khoảng 70 triệu liều đã được phân phối.

Qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên thế giới của nhóm nghiên cứu Future II & III (Nhóm nghiên cứu thử nghiệm vắc xin HPV với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực đến từ nhiều nước khác nhau), vắcxin tứ giá ngừa được 99% loạn sản cổ tử cung, tổn thương âm hộ, âm đạo và sùi sinh dục, 100% loạn sản âm hộ, âm đạo.

Cao Quang

Thai phụ 18 tuổi can trường chiến đấu với ung thư buồng trứng, vỡ òa hạnh phúc được làm mẹ

Đến khám lại tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, chị Nguyễn Trần Khánh Linh vui mừng chia sẻ: "Kết quả rất tốt, tôi sắp hoàn thành đợt hoá trị thứ 6, chỉ còn 1 đợt nữa thôi..."