Trong cơn chuyển dạ, bạn có thể la hét, thậm chí chửi bới chồng, thề rằng không bao giờ sinh con cho anh ấy nữa. Thế nhưng bạn sẽ không còn cảm nhận gì mấy về sự đau đớn này nữa một khi nó đã qua đi
1. Sẽ có lúc bạn thấy chồng hay mẹ đẻ thật phiền
Trước khi tới cơn chuyển dạ, bạn luôn mong rằng lúc vượt cạn sẽ có chồng, có mẹ đẻ ở bên. Nhưng khi cơn đau tới, những cảm giác quặn thắt từng đợt ở bụng làm bạn khó chịu, đau đớn làm bạn mướt mồ hôi, trong khi chồng ở đó cùng lắm chỉ có thể động viên “cố lên, em sẽ làm được” hay xoắn xuýt hỏi han (những câu hỏi càng lúc càng khiến bạn cảm thấy mất hết kiên nhẫn, không còn đủ sức để trả lời). Mẹ đẻ lại luôn mồm xuýt xoa vì thấy xót con gái... Bạn đột nhiên ước gì họ không ở đó, thực sự họ chẳng giúp được gì, người duy nhất phải đẻ ở đây là bạn.
2. “Kế hoạch sinh con” bỗng hóa thành trò đùa
Những cuốn sách về mang thai, các giáo viên hướng dẫn lớp tiền sản, các website hữu ích cho việc sinh con sẽ mách bạn một số điều sau, và bạn nghĩ rằng rất nên làm: “Bật nhạc nhẹ trong lúc lâm bồn, đi bộ cho thai dễ tụt, không nên cắt tầng sinh môn v.v.”. Tuy nhiên, trong thực tế, chính đội ngũ các y bác sĩ trong ca đỡ đẻ sẽ quyết định giúp bạn những điều này, đơn giản vì họ biết điều gì tốt nhất cho bạn và em bé.
3. Nếu muốn được gây tê màng cứng, hãy quyết ngay từ đầu
Đừng đợi đến khi cuộc vượt cạn đã đến rất gần với các cơn gò càng lúc càng nhiều hơn mới nói với bác sĩ rằng bạn muốn được đẻ không đau. Hãy cho họ thời gian để chuẩn bị thủ thuật này nếu bạn có nhu cầu. Nhớ rằng, bạn luôn có thể chọn bỏ thực hiện gây tê ở phút chót, nhưng nếu muốn, bạn phải đăng ký danh sách từ đầu.
4. Vượt cạn là quá trình... “hỗn loạn”
Đừng nghĩ bạn sẽ bảo tồn được nét duyên dáng, tinh tươm khi vượt cạn. Nên xác định rõ rằng mình sẽ đổ mồ hôi, chảy máu, thậm chí trước khi rặn ra được em bé, bạn còn rặn ra ngoài... một số vật chất khác, chuyện đó rất bình thường, ai cũng vậy thôi, chẳng có gì phải bối rối cả.
5. Y tá mới là nhạc trưởng
Bạn đã theo khám một bác sỹ trong suốt thai kỳ, đặt họ đỡ đẻ cho bạn, làm mọi cách để chắc chắn rằng đúng vào ngày mình sinh họ sẽ có mặt ở bên chứ không phải đang đi nghỉ hay công tác đâu đó, nhưng thực tế, bạn có biết, chính y tá mới là người luôn túc trực bên bạn? Bác sĩ sẽ chỉ xuất hiện trong thoáng chốc, đủ để đỡ lấy khi em bé ra đời, giám sát việc cắt dây rốn rồi sẽ lại biến mất, có hàng tá thai phụ đang chờ họ trong ca trực này.
6. Bạn sẽ chẳng quan tâm đến hình thức nữa
Lúc đầu bạn sẽ thấy không thoải mái cho lắm với việc thỉnh thoảng lại có người vào thăm khám, bạn muốn kéo chăn che đi mọi phần cơ thể. Nhưng chẳng mấy lúc bạn sẽ quen với cảnh này, và cho tới lúc hộ lý đẩy xe cho bạn và em bé đi ra khỏi phòng đẻ, bạn sẽ chẳng còn quan tâm đến ánh mắt của bất kỳ người lạ nào trước bộ dạng mình nữa đâu.
7. Bạn sẽ nghĩ “mình đẻ đến nơi rồi”
... nhưng thực tế còn lâu mới đến lúc. Đặc biệt nếu bạn đẻ con so, sẽ mất thời gian hơn và thời điểm bé ra đời thực sự là khó đoán. Ngay cả khi bạn thấy như chỉ vài giây nữa thôi sẽ xảy ra sự kiện quan trọng, ngay cả khi cô y tá đã nói “5 phân rồi, để tôi đi gọi bác sĩ” thì bác sĩ có khi vẫn đang ngon giấc ở nhà.
Mỗi người phụ nữ, mỗi cuộc vượt cạn đều không giống nhau. Tuy nhiên, bất kể chuyến vượt cạn của bạn thế nào, thì hãy cứ tin rằng, chẳng có ai kẹt trong phòng đẻ cả đời cả, rồi cũng sẽ xong thôi.
8. Ca đẻ có thể sẽ dễ hơn bạn nghĩ nhiều
Không ít phụ nữ phải ngạc nhiên vì chính cuộc vượt cạn của mình. Họ tươi cười đến viện, gây tê màng cứng và từ đó cho tới lúc em bé ra đời, họ không lem đến một chút mascara. Có cả những bà mẹ dù không gây tê, cuộc vượt cạn cũng thật nhẹ nhàng, khoảng thời gian từ lúc đau đẻ tới lúc sinh con chưa đầy 1 tiếng. Hãy hy vọng điều kỳ diệu này cũng sẽ xảy ra với bạn.
9. Ông xã có thể sẽ khóc và làm trái tim bạn tan chảy
Trong lễ cưới, khi đứng bên cạnh thề yêu anh ấy suốt đời, bạn không thể nghĩ rằng sẽ có ngày mình còn yêu chồng hơn thế. Khoảnh khắc anh ấy rơi nước mắt khi bế con hay rơi nước mắt vì bạn, bạn sẽ thấy tim mình thắt lại. Anh ấy không chỉ là người đàn ông bạn đã may mắn có được, anh ấy còn là gia đình, là một phần cuộc sống của bạn.
10. Em bé không giống như bạn tưởng
Bạn vẫn tơ tưởng đến đứa bé mới sinh hồng hào, đẹp hoàn hảo trên TV hay trong những bộ phim đã xem? Thực tế thì những em bé đó đã được tầm 3 tháng tuổi.
Những bé mới sinh thực sự sẽ đỏ hỏn, dính nhớp màu vàng, có khi người còn đầy lông nữa. Đầu của bé cũng không được tròn lắm đâu, thậm chí là... rất méo do bị co bóp lúc đi qua cửa mình của mẹ. Bộ phận sinh dục của bé có thể còn rất đỏ và sưng nữa. Tất cả rồi sẽ biến mất rất nhanh, bạn đừng ngạc nhiên nếu ý nghĩ đầu tiên của mình khi thấy con là: “Đứa bé quái nào thế này? Các người đã làm gì với con tôi thế?”.
11. Chẳng gì quên nhanh hơn quên đau đẻ
Thực sự là vậy đấy. Trong cơn chuyển dạ, bạn có thể la hét, thậm chí chửi bới chồng, thề rằng không bao giờ sinh con cho anh ấy nữa. Thế nhưng bạn sẽ không còn cảm nhận gì mấy về sự đau đớn này nữa một khi nó đã qua đi. Chưa biết chừng bạn sẽ còn cân nhắc đến chuyện tiếp tục sinh con, và tin tốt là: Càng những lần sau, việc sinh nở càng nhanh hơn và dễ hơn, bạn sẽ trở nên cực kỳ “chuyên nghiệp”.
Theo Dân trí
Các cặp vợ chồng mới cưới đang dự định có thai thường thắc mắc không biết sau bao lâu họ mới thụ thai thành công. Câu hỏi này thực sự không có lời giải đáp chính xác.