Đêm trắng ở phòng chuyển dạ

Nửa đêm, những sản phụ chuyển dạ được đưa tới phòng đẻ của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ca này vừa xong, ca khác lại đến.

Ca mổ đêm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Ảnh: PT.

  Có khi chưa kịp đặt mình chợp mắt, các bác sĩ lại hối hả bật dậy để chuẩn bị cho việc đón những sinh linh bé bỏng chào đời...

Thấp thỏm chờ mong

20h30 ngày 24/9, PV Báo GĐ& XH có mặt tại tầng 3 nhà G - Khoa đẻ của BV phụ sản Trung ương. Không căng thẳng như Khoa Cấp cứu, khoa sản lại là nơi mà người nhà đến đó đều rất vui, hào hứng. Hầu như tất cả đều chung một tâm trạng hồi hộp, chờ mong đứa bé chào đời.   Anh Nguyễn Văn Huy, 34 tuổi quê ở Bình Lục, Hà Nam cứ đi qua, đi lại xem chừng sốt ruột lắm. Phải đến khi, có tiếng trẻ "oe... oe" vang lên và cô y tá bước ra thông báo rằng vợ anh đã sinh thường con nặng hơn 3kg, không phải mổ, mẹ khỏe, con khỏe thì ông bố này hét vang một tiếng giữa đêm tĩnh lặng! Anh Huy tâm sự: "Nhà em sinh lần đầu phải mổ. Lần này, đưa vợ lên bệnh viện, các bác sĩ bảo phải mổ tiếp, em lo lắm. Lên đây từ sáng mà em chưa kịp ăn gì, chỉ mong "mẹ tròn, con vuông".  

Đứa bé chào đời là một sự kiện trọng đại với gia đình.

Theo quy định của bệnh viện, người nhà sản phụ phải ở bên ngoài. Hai dãy ghế dành cho người nhà đông nghịt người, nhiều người trải chiếu ngồi xuống cả đất. Có ông bố sốt ruột, cứ chốc lát lại đứng sát ở cửa để nghe ngóng xem có tiếng khóc nào không. Trong phòng chờ trước đẻ chật kín 8 sản phụ, các sản phụ đang bước vào giai đoạn chuyển dạ chờ sinh. Mỗi khi có một sản phụ chuyển dạ, các bác sĩ lại tất bật chuẩn bị mọi thứ nhanh chóng đưa họ vào phòng đẻ.

Bên phòng sau đẻ, sản phụ Đỗ Thị Yến (phường Quang Trung, TP Hải Dương) đang hưởng trọn niềm hạnh phúc khi sinh hạ bé trai nặng 2,8kg. "Bác sĩ dự kiến em sinh đầu tháng, nhưng đến chiều hôm nay (24/9), thấy ra ít nước ối, em tức tốc báo cho chồng đưa vào bệnh viện. Sinh con đau đớn vô cùng nhưng giờ em rất mãn nguyện", chị Yến háo hức. Chồng chị Yến - anh Đinh Văn Dũng, 36 tuổi, bế con trên tay mà không giấu được niềm sung sướng. Anh nói: "Lúc vợ vào phòng đẻ em hồi hộp, lo lắng sợ có chuyện gì với hai mẹ con. Đứng ngồi không yên, cứ chạy ra chạy vào, thỉnh thoảng lại ngó trộm vào bên trong. Chỉ khi có tiếng khóc, em mới sực tỉnh, hét tướng lên vì hạnh phúc mà quên mất mình đang ở bệnh viện".

Mỗi tiếng khóc là một niềm hạnh phúc  

Anh Dũng hạnh phúc khi lần đầu được làm bố.

BS CKII Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng khoa đẻ (BV Phụ sản Trung ương), Trưởng kíp trực đêm 24/9 cho biết: "Trực đêm vất vả hơn ban ngày nhiều. Ban ngày làm 8 tiếng, nhưng trực đêm thời gian dài hơn. Kíp trực đêm bắt đầu từ 16h 30 kết thúc 7h30 phút ngày hôm sau, sau đấy tiếp tục làm hết buổi sáng. Những ngày trực đêm vào thứ Bảy, Chủ nhật vất vả hơn nữa vì có khi trực kéo dài 24 tiếng. Cường độ làm việc của các bác sĩ trực đêm cũng căng thẳng hơn. Nhưng nghề của chúng tôi là đón những con người đến với cuộc sống, do đó dù vất vả bao nhiêu, chúng tôi cũng thấy vui và hạnh phúc”.

BS Hà cho biết, ca mổ bình thường chỉ mất trên dưới 30 phút, nhưng có những ca đẻ khó thì mất vài tiếng đồng hồ. Nhất là những hôm, bệnh nhân tuyến dưới chuyển bị tai biến thì các bác sĩ rất vất vả. Mổ một lần không sao, làm lại dễ biến chứng cho sản phụ. Mỗi đêm có khoảng 40 ca sinh, trong đó mổ đẻ chiếm 40%, nên bác sĩ gần như phải mổ liên tục không có thời gian nghỉ.

Để giảm bớt căng thẳng, các bác sĩ thường đùa nhau: "Mấy bé khóc thì mấy cô cười, bé không khóc thì mấy cô khóc". Đẻ khó mới cần đến bàn tay của bác sĩ, chứ nếu cứ chuyển dạ sinh bình thường thì mình chỉ là người hứng em bé ra thôi' - BS Hà cười nói.

Bác sĩ Hà kể: Tối trước, có một sản phụ chuyển dạ rất tự nhiên, tất cả đều thuận lợi, cái đầu ra rất dễ nhưng em bé bị kẹt vai, kéo miết mà cứ kẹt. Cuối cùng, khi kéo được ra thì hai tay tôi mỏi rã rời, không thể ẵm nổi đứa bé. Mình đoán nó khoảng 3,5kg, ai ngờ đưa lên cân tới gần 5kg... Đỡ thành công một ca khó, sướng lắm. Không gì hạnh phúc bằng sau mọi căng thẳng, lo lắng, mình được nghe tiếng khóc con trẻ".

Hồi hộp trong phòng mổ  

Những nụ cười hạnh phúc khi đón bé chào đời.
(Ảnh chụp lúc 11h đêm 24/9). Ảnh: P.T

 

Khoảng 5-6 năm trở lại đây, tỉ lệ sinh mổ tăng nhanh. Nếu trước đây Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhiều lắm chỉ có 20 ca sinh mổ mỗi tuần thì bây giờ có gần 100 ca mỗi ngày. Số ca sinh mổ chiếm 40%-50% tổng số sản phụ đến sinh. Sản phụ được áp dụng sinh mổ khi có những triệu chứng ngặt nghèo như rau tiền đạo, khung chậu nhỏ, người mẹ có nhiều bệnh lý...     BS CKII Nguyễn Văn Hà

Đang nói chuyện, bỗng một sản phụ kêu đau, các bác sĩ thăm khám quyết định đưa sản phụ lên phòng mổ. Trước đấy, các bác sĩ đã chẩn đoán thai nhi quá lớn không thể đẻ bình thường nên quyết định mổ cho sản phụ. 11 giờ đêm, sau khi được trang bị bộ quần áo màu xanh lá cây cùng mũ và khăn bịt mặt, giống như êkíp mổ, tôi được vào phòng mổ mục sở thị ca mổ. Êkíp mổ bao gồm 7 người: 1 bác sĩ mổ chính, 2 bác sĩ phụ mê, 1 dụng cụ, 1 hộ lý, một nữ hộ sinh đón bé. Với trường hợp đặc biệt có thêm bác sĩ sơ sinh. Để tránh khả năng nhiễm khuẩn, tôi được bố trí ở một góc, nơi y tá ghi lý lịch của các cháu bé chào đời.

Tôi đứng quan sát, hồi hộp chờ đón đứa bé. Sau 30 phút, đứa trẻ đã được lấy ra từ bụng mẹ. Cô hộ lý nhanh chóng đón bé, phát nhẹ vào bé, tiếng oe... oe vang lên, xua tan sự căng thẳng của căn phòng mổ. Sau khi tiến hành cắt rốn, quấn tã, đưa đứa trẻ lên cân, cô hộ lý mừng rỡ reo to: "4,7 kg". Căn phòng mổ bỗng rộn tiếng cười khi hoàn thành xong ca mổ tốt đẹp.

Bác sĩ Hà tâm sự: "Tuy không phải là người sinh ra các cháu nhưng mỗi khi tiến hành mổ, mỗi bé ra đời là một niềm vui đối với chúng tôi. Ngày ngày, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng tại BV được vui lây với các gia đình, sản phụ có con sinh. Nó không còn tạo cho chúng tôi áp lực công việc".

Ở bên ngoài khu vực phòng mổ, càng về khuya càng đông người nhà bệnh nhân với những khuôn mặt háo hức, lo lắng. Họ đang chuẩn bị tâm lý để đón tin vui khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. 

Đêm đã về khuya, cả bệnh viện chìm trong yên lặng. Mọi người đã bắt đầu đi ngủ. Lúc này, hành lang, ghế đá, nền nhà đều được biến thành giường. Vậy nhưng, tại khoa đẻ, các bác sĩ BV Phụ sản Trung ương vẫn miệt mài tiếp tục công việc. Tiếng trẻ "oe...oe" vẫn vang lên mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình!

Ghi chép của Phương Thuận