Sáng 05/4/2018, Bệnh viện Phụ Sản Trung ương đã tổ chức buổi lễ khai trương Trung tâm tế bào gốc máu cuống rốn.
Tham dự buổi lễ khai trương có TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế; TS.Bs Trần Ngọc Quế, Phó Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia, Giám đốc ngân hàng tế bào gốc – Viện huyết học và truyền máu Trung ương; PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà nội. Về phía bệnh viện Phụ sản Trung ương có PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc bệnh viện; PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc bệnh viện; TS. Lê Thiện Thái, Phó Giám đốc bệnh viện; PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi, Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn cùng các cán bộ chủ chốt các Trung tâm, khoa, phòng, đơn vị trong bệnh viện.
Nghi thức kéo băng khai trương Trung tâm tế bào gốc máu cuống rốn
PGS.TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc bệnh viện phát biểu khai mạc buổi Lễ
Phát biểu tại buổi Lễ, PGS.TS. Vũ Bá Quyết – Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết: Bệnh viện Phụ sản Trung ương là bệnh viện đầu ngành về sản khoa, có một lượng tế bào máu gốc cuống rốn rất lớn. Mỗi năm bệnh viện Phụ sản Trung ương có hơn 20.000 ca sinh. Trị liệu bằng tế bào gốc đang dẫn đầu trong cuộc cách mạng của nền y học tiên tiến. Việc thực hiện quy trình xử lý và lưu trữ tế bào gốc tại đây được các chuyên gia có kinh nghiệm đảm trách với các trang thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất được đầu tư gần 20 tỷ đồng.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi, Giám đốc Trung tâm tế bào gốc máu cuống rốn
giới thiệu về Trung tâm.
Giám đốc Trung tâm tế bào gốc máu và cuống rốn, PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi cũng cho biết: Trước đây mọi người đều cho rằng dây rốn và bánh rau là rác thải y tế. Tế bào gốc máu cuống rốn là máu ở trong cuống rốn và bánh rau sau khi trẻ vừa sinh ra. Trị liệu bằng tế bào gốc đang phát triển với tốc độ ngày càng nhanh. Tế bào gốc máu cuống rốn được lưu trữ dùng để trị khoảng 80 bệnh lý liên quan bao gồm: bệnh ung thư máu, rối loạn máu không ác tính, rối loạn chuyển hóa (tiểu đường), khối u đặc, rối loạn hệ miễn dịch, tiềm năng trong liệu pháp tế bào và y học tái tạo. Trong tương lai có thể sử dụng tế bào gốc để điều trị những bệnh hay gặp như bệnh lý tim mạch, đột quỵ và bệnh não.Từ trước tới nay, rất nhiều ca bệnh cần điều trị bằng liệu pháp tế bảo gốc phải hầu hết đi ra nước ngoài điều trị với chi phí rất cao. Vì vậy, cha mẹ nên cầm lấy cơ hội duy nhất là lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của trẻ ngay sau khi sinh để đề phòng nhưng trường hợp khi cần điều trị bệnh cho trẻ sau này nếu có.
Phân tích về các yêu cầu làm thế nào để thực hiện lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hợi chia sẻ: Sản phụ sinh thường hoặc sinh mổ đều có thể lấy máu dây cuống rốn được. Số lượng máu dây cuống rốn cần đảm bảo đủ. Lượng máu tối thiểu, trung bình lấy ra được từ em bé phải đảm bảo từ 80 ml trở lên tương đương với những em bé khoảng 36 tuần tuổi, cân nặng 2,5 kg thì khả năng lưu trữ mới thành công. Nếu em bé sinh non tháng quá sẽ dẫn tới tình trạng số lượng dây cuông rốn ít, việc lưu trữ sẽ khó khăn hơn.
Tế bào gốc khi tách phải đảm bảo làm sao để vẫn còn sống sau khi tách, đảm bảo vô trùng tuyệt đối, không đươc nhiềm khuẩn. Khi trữ lạnh, tế bào sẽ được “ngủ” ở điều kiện âm 196 độ. Khi người bệnh cần sử dụng sẽ rã đông tế bào và truyền hoặc ghép tế bào gốc trong trị liệu cho người bệnh. Do vậy, một trong những nguyên tắc khi trưc tế bào gốc này là tế bào phải sống được thời gian lâu tối đa nhất. Nếu trong trường hợp số lượng tế bào gốc lấy được quá ít thì sẽ không thành công.
Khách hàng đăng ký lưu trữ dây cuống rốn sẽ được ký hợp đồng trong thời gian 18 năm. Sau 18 năm, em bé – Người được lưu trữ cuống rốn lúc mới sinh đã lớn và có thể tiến hành ký kết một cách độc lập. Nếu trong trường hợp người này có mong muốn ký kết tiếp hợp đồng thì Trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn sẽ tiếp tục ký kết với khách hàng hoặc không muốn ký kết nữa thì hợp đồng sẽ chấm dứt.
Các sản phụ có nhu cầu về việc này, khi đến với bệnh viện sẽ được tư vấn cụ thể về dịch vụ lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn. Khi gia đình quyết định thực hiện dịch vụ này thì Trung tâm sẽ làm một số sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B, viêm gan C, các bệnh về máu.
Về chi phí dịch vụ: Năm đầu tiên khi thực hiện hợp đồng lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn, gia đình chi phí khoảng 25 triệu đồng và những năm sau, mỗi năm là 2,5 triệu đồng cho công tác lưu trữ.
Một sự may mắn và rất tình cờ là đúng trong ngày khai trương Trung tâm, Hợp đồng lưu trữ tế bào gốc máu và cuống rốn đầu tiên đã được ký. Sản phụ là chị Phùng Thanh Huyền, ở Tôn Đức Thắng, Hà nội.
Hợp đồng đầu tiên được ký vào đúng ngày khai trương Trung tâm
Với viêc ra đời và đi vào hoạt động của Trung tâm tế bào gốc máu và cuống rốn của bệnh viện Phụ Sản Trung ương nhằm đáp ứng xu thế phát triển của xã hội, của y học, đặc biệt là nhu cầu chính đáng của các sản phụ, góp phần tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát triển khoa học y học.
Bài: Đặng Thị Mai Hương – Phòng CTXH
Ảnh: Phòng CNTT
Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Việt Nam.