Hưởng ứng tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc với chủ đề “ Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chúng ta” của Bộ Y tế
Từ ngày 17 đến 23/11, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phối hợp với trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn cảnh giác dược: “Cảnh giác dược và ứng dụng trong thực hành lâm sàng” và “ Tối ưu hóa liều lượng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn sản phụ khoa, sơ sinh”.
BGĐ Bệnh viện chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm DI & ADR Quốc gia nhân ngày 20/11
Tham dự buổi tập huấn, về phía Trung tâm DI & ADR Quốc gia có PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm; PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Trưởng bộ môn Dược lâm sàng, Đại học Dược Hà Nội.
BGĐ Bệnh viện chúc mừng PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Trưởng bộ môn Dược lâm sàng, Đại học Dược Hà Nội.
Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương có PGS.TS. Trần Danh Cường, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Thuốc và Điều trị bệnh viện; PGS.TS Vũ Văn Du, Phó Giám đốc bệnh viện; cùng các Bác sĩ, dược sĩ, Điều dưỡng, Hộ sinh – những người trực tiếp làm công tác chuyên môn có liên quan đến sử dụng thuốc an toàn, hợp lý của bệnh viện.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS.Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh sự cần thiết của việc cập nhật về cảnh giác dược ứng dụng trong thực hành lâm sàng, các hoạt động giám sát phản ứng có hại của thuốc và đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn.
Ngoài ra, PGS Cường còn cho rằng trong thời buổi y học phát triển như hiện nay, các loại kháng sinh rất phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại. Việc sử dụng kháng sinh hợp lý sẽ rút ngắn được thời gian nằm viện, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh vịên, giảm tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, giảm tỷ lệ tử vong và giảm chi phí điều trị cho bệnh nhân. Để sử dụng kháng sinh hợp lý thì việc xác định đúng vi khuẩn gây bệnh và mức độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn là rất quan trọng, từ đó người thầy thuốc trên cơ sở kinh nghiệm lâm sàng cùng với kiến thức về dược lý sẽ có quyết định lực chọn kháng sinh nào phù hợp. Muốn vậy, người thầy thuốc cần luôn cập nhật kiến thức, áp dụng hướng dẫn mới phù hợp.
Như vậy, những khóa đào tạo, tập huấn dược lâm sàng là hết sức cần thiết và cần được tổ chức thường xuyên.
PGS.TS Trần Danh Cường phát biểu khai mạc lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã chia sẻ và cập nhật nhiều kiến thức trong thực hành lâm sàng như: Thông tin về ADR – đình chỉ lưu hành thuốc; thay đổi thông tin kê đơn; Hạn chế sử dụng các thuốc không có hiệu quả rõ ràng; Vai trò của tá dược với ADR; xử lý các vấn đề liên quan đến chất lượng thuốc; Biến cố bất lợi trong quá trình sử dụng thuốc cho bệnh nhân; Sử dụng kháng sinh dự phòng phẫu thuật…….
PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm DI & ADR Quốc gia đã chia sẻ và cập nhật nhiều kiến thức trong thực hành lâm sàng
Và để cập nhật các kiến thức dược lâm sàng, đặc biệt là cách dùng kháng sinh lâm sàng cho các bác sĩ và dược sỹ, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương đã trình bày chủ đề: “Tối ưu hóa liều lượng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn sản phụ khoa, sơ sinh”. Những nội dung được trình bày là những kiến thức quan trọng, bổ ích liên quan đến sử dụng kháng sinh hợp lý; tối ưu hóa liều lượng kháng sinh trong điều trị dựa trên dược động học và dược lực học. Trong đó PGS Hương đã nêu các yếu tố liên quan đến tối ưu hóa chế độ liều kháng sinh trong điều trị.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương -Trưởng bộ môn Dược lâm sàng, Đại học Dược Hà Nội đã trình bày chủ đề:“Tối ưu hóa liều lượng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn sản phụ khoa, sơ sinh”
Ths. DSC. Nguyễn Huy Tuấn, Phó trưởng khoa Dược, Bệnh viện Phụ sản Trung ương trình bày sơ lược về thực trạng sử dụng kháng sinh tại Bệnh viện PSTW: danh mục kháng sinh tiêm, kháng sinh viên, sử dụng kháng sinh tiêm ở trẻ sơ sinh....
Tại các buổi tập huấn, các bác sỹ, điều dưỡng của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng tích cực trao đổi, thảo luận các vấn đề có liên quan đến thực hành lâm sàng, về việc chọn lựa kháng sinh và sử dụng kháng sinh đúng và phù hợp để đạt hiệu quả cao, chế độ liều phù hợp với đặc điểm của sản phụ khoa, nhi khoa và đặc biệt là đối tượng sơ sinh.
Các lớp tập huấn được tổ chức thành công là cơ hội để các bác sỹ, điều dưỡng viên bồi dưỡng, củng cố kiến thức về sử dụng kháng sinh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện.
Bài: Đặng Thị Mai Hương – Phòng CTXH
Ảnh: Phòng CNTT
Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Việt Nam.