9 dấu hiệu mang thai đôi

Cực kỳ mệt mỏi, nghén nặng, thai đạp sớm... là những dấu hiệu có khả năng bạn mang thai đôi.

1. Cực kỳ mệt

Đây là phàn nàn phổ biến nhất của những người mẹ mang thai đôi. Buồn ngủ, nôn, kiệt sức trong 3 tháng đầu tiên có thể nghiêm trọng hơn vì cơ thể mẹ phải “lao động” nhiều hơn để tạo dinh dưỡng cho bào thai. Trong một số trường hợp, mệt mỏi có thể là do các yếu tố khác (công việc, căng thẳng, nghèo dinh dưỡng...) chứ không phải dấu hiệu của thai đôi.

2. Nghén nặng

Khoảng 50% phụ nữ mang thai buồn nôn hoặc nôn trong thai kỳ. Người mẹ mang thai đôi cũng vậy nhưng không có nghĩa là họ bị nghén gấp đôi. Chỉ khoảng 15% người mẹ mang thai đôi bị nghén nặng.

3. Tăng lượng hCG

hCG được phát hiện trong máu (hoặc nước tiểu) khoảng 10 ngày sau thụ thai. hCG thường tăng nhanh chóng, đỉnh điểm ở tuần thứ 10 của thai kỳ.   Nếu mang thai đôi, lượng hCG tăng cao. Tuy nhiên, mức độ hCG tiêu chuẩn cho cặp song sinh cũng nằm trong phạm vi cho phép, tương tự mang thai đơn.

4. Đếm nhịp tim thai

Máy Doppler khuếch đại âm thanh tim thai, thường được sử dụng vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên. Bác sĩ có kinh nghiệm sẽ phát hiện ra có hơn một nhịp tim thai. Tất nhiên, cách này có thể nhầm lẫn (tiếng sôi của bụng mẹ hay nhịp tim mẹ có thể bị nhầm là nhịp tim thai thứ hai).

5. Tăng cân

Người mẹ mang đa thai có thể gây tăng cân nhanh và nhiều. Tất nhiên, tăng cân khi mang thai còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cân nặng của mẹ trước khi mang thai, chiều cao của mẹ, dinh dưỡng và hấp thu dinh dưỡng từ mẹ... Nhiều người mẹ mang thai đôi cũng chỉ tăng cân hơn những người mẹ mang thai đơn đôi chút.

6. Thai máy sớm và máy thường xuyên

Cảm nhận thai máy là một trong những khoảnh khắc thú vị nhất của thai kỳ. Mặc dù nhiều người mẹ mang thai đôi cho biết họ cảm nhận được thai máy sớm và thường xuyên hơn thì các chuyên gia cũng chưa có kết luận về chuyện này.

Đối với nhiều phụ nữ, thai máy thường sớm hơn ở lần mang thai thứ hai, cho dù họ mang thai đôi hay thai đơn.

7. Kết quả xét nghiệm AFP

AFP (Alphafetoprotein) là một xét nghiệm máu được tiến hành cho thai phụ ở 3 tháng giữa. Kết quả xét nghiệm giúp chẩn đoán một số rủi ro của dị tật bẩm sinh. Mang thai đôi có thể làm kết quả AFP bất thường nhưng bác sĩ sẽ siêu âm cho người mẹ trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.

8. Đo tuổi thai

Trong suốt thai kỳ, bác sĩ có thể đo chiều dài của đáy tử cung (từ xương mu đến đầu tử cung) như là cách kiểm tra tuổi thai. Mang thai đôi có thể khiến tử cung mẹ mở rộng hơn so với mang thai đơn. Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng có thể làm sai lệch phép đo này.

9. Siêu âm

Cách hiệu quả nhất để xác nhận thai đôi (hay đa thai) là thông qua siêu âm. Hình ảnh siêu âm sẽ cho thấy rất rõ bạn mang bao nhiêu bé. Siêu âm, nhất là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối sẽ phán đoán chính xác nhất số lượng thai. Tuy nhiên, cũng có trường hợp “anh em sinh đôi ẩn”, sẽ khó để kiểm tra đúng số lượng thai trong bụng mẹ.  

Theo M&B