Ngày 08/7/2015, PGS.TS Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện – đã thực hiện thành công ca mổ nội soi lấy khối chửa nằm ngoài tử cung, trong ổ bụng, ở sau phúc mạc sát tĩnh mạch chủ dưới, đoạn ngang thận. Đây là một ca mổ hy hữu, rất hiếm gặp.
Bệnh nhân Đỗ Thị Th., 35 tuổi ở Thái Nguyên đã có tiền sử chửa ngoài tử cung 2 lần; năm 2005 và năm 2010. Chị đã phải lần lượt cắt bỏ cả hai vòi tử cung bên trái và bên phải. Ngày 30/5/2015, chị đã được bệnh viện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công. Khi tuổi thai được khoảng 8 tuần chị đến bệnh viện để khám, làm xét nghiệm máu thấy βhCG cao ở mức 19.920 IU chứng tỏ chị đã có thai. Tuy nhiên hình ảnh siêu âm không thấy khối thai xuất hiện trong tử cung. Ngày 30/6 chị đã được mổ nội soi thăm dò vẫn không tìm thấy khối chửa. Xét nghiệm βhCG cho kết quả tiếp tục tăng cao. Với kinh nghiệm và nhạy cảm lâm sàng, PGS.TS Quyết yêu cầu cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ (MRI). Đúng như tiên lượng, kết quả chụp đã phát hiện chị Th. có khối chửa nằm ngoài tử cung, ở sau phúc mạc, sát tĩnh mạch chủ dưới, đoạn ngang thận. Bs Nguyễn Bá Phê – Phó trưởng Khoa phụ ngoại người mổ nội soi thăm dò lần đầu cho biết, khối chửa có kích thước 14x14 cm, ở mức bình thường, nhưng tại sao khối chửa lại có thể di chuyển đến làm tổ ở vị trí sau phúc mạc thì rất đặc biệt chưa thể giải thích. Đây là trường hợp hy hữu, khá đặc biệt, anh chưa từng gặp trên lâm sàng.
Ngày 08/7, PGS.TS Vũ Bá Quyết đã trực tiếp thực hiện thành công ca mổ nội soi. PGS Quyết cho biết quyết định mổ nội soi để không gây xâm lấn, ít ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Tuy nhiên, đây là ca mổ rất phức tạp vì khối chửa nằm sát mạch máu nếu không cẩn thận sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh. Bên cạnh đó, việc xử lý cầm máu cũng không hề đơn giản do không được khâu, do không được đốt vì quá gần mạch máu.
Đến ngày 09/7, sau khi làm lại xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ βhCG trong máu bệnh nhân giảm xuống còn hơn 9.000 IU đã chứng tỏ khối chửa nguy hiểm đã được xử lý dứt điểm. Chị Th. đã trung tiện, đi lại, ăn uống trò chuyện bình thường và được xuất viện ngày 10/7.
Chửa trong ổ bụng cũng là hình thái của chửa ngoài tử cung, tần suất xảy ra khoảng 1/10000 đến 1/25000 trường hợp có thai, tuy nhiên chửa trong ổ bụng sau phúc mạc là cực kì hiếm gặp.
Tại Việt Nam, đây là trường hợp thứ 5 được công bố trên y văn (ca đầu tiên được phát hiện tại bệnh viện Từ Dũ ngày 1/2/2008). Tại Bệnh viện Phụ sản trung ương phát hiện ca đầu tiên vào tháng 4/2013 và sau đó, ca này là trường hợp thứ 5.
Về cơ chế: Các yếu tố của chửa ngoài tử cung bao gồm: tiền sử viêm nhiễm vùng chậu, tiền sử phẫu thuật trên tai vòi tử cung, tiền sử chửa ngoài tử cung, đang sử dụng dụng cụ tử cung, hút thuốc lá, ngừa thai chỉ bằng progestin, tiền sử phẫu thuật vùng chậu... Tuy nhiên thai ngoài tử cung sau phúc mạc là rất hiếm gặp, cơ chế của sự hình thành thai sau phúc mạc cũng chưa thật rõ ràng, hiện có một số giả thuyết, có thể liên quan đến IVF-ET: hoặc không liên qua như sau:
- Hình thành sau IVF-ET:
+ Có sự di chuyển ngược dòng tự phát của phôi sau khi được đưa vào buồng tử cung.
+ Thủng tử cung trong thủ thuật chuyển phôi vào buồng tử cung làm cho phôi trực tiếp vào ổ bụng hoặc sau phúc mạc.
- Không liên qua IVF-ET:
+ Phôi ban đầu làm tổ ở bề mặt lá phúc mạc và vào khoang sau phúc mạc do sự xâm nhập của nguyên bào nuôi xuyên qua phúc mạc hoặc sự phát tán các mảnh tế bào hoặc mô qua đường máu như trong trường hợp bệnh lý nguyên bào nuôi. Theo Hidenoril, các đầu cắt của vòi tử cung sau phẫu thuật điều trị chửa ngoài tử cung đã bị bao phủ bởi phúc mạc và vùi vào khoang sau phúc mạc. Sau phẫu thuật, so sánh với tiêu chuẩn của Studdiford sẽ là thai trong ổ bụng thứ phát do từng phẫu thuật cắt vòi tử cung và có thể có thông thương giữa buồng tử cung và phúc mạc qua vị trí tai vòi tử cung đã cắt.
Trong 4 trường hợp tại bệnh viện Phụ sản trung ương, tất cả đều có tiền sử cắt vòi tử cung do chửa ngoài tử cung cũ, riêng trường hợp này đã 2 lần mổ chửa ngoài tử cung và đã cắt cả 2 vòi tử cung. Khi mổ thấy mỗi tai vòi còn lại 1cm nhưng không dính vào lá phúc mạc và đây là trường hợp có thai sau phúc mạc đầu tiên sau chuyển phôi làm IVF.
Đây là lần thứ hai, bệnh viện có ca mổ đặc biệt như vậy. Năm 2013, BS Quyết đã cùng các phẫu thuật viên bệnh viện Việt Đức thực hiện thành công ca mổ chửa ngoài tử cung, trong ổ bụng, làm tổ sau phúc mạc, đoạn dưới thận trái.
Ca mổ thứ 2 cũng được mổ nội soi thành công tại bệnh viện Phụ sản trung ương năm 2013.
Trường hợp thứ 4 được tiến hành mở bụng tại bệnh viện Việt Đức do các phẫu thuật viên mạch máu tiến hành vì khối chửa to nằm sát tĩnh mạch chủ ở dưới.
Việc hội chẩn, tiên lượng chính xác, kết hợp nhiều chuyên khoa cũng như áp dụng phương pháp mổ tiên tiến với tay nghề cao của các phẫu thuật viên đã đem lại sự an toàn cho người bệnh. Điểm đặc biệt nữa của ca mổ là người bệnh không cần truyền máu.
Hội nghị đại biểu viên chức, người lao động năm 2024 đã diễn ra thành công tốt đẹp với sự đồng thuận cao trên tinh thần đổi mới, sáng tạo và trách nhiệm