Bài phát biểu của PGS. TS Nguyễn Viết Tiến tại Lễ đón nhận danh hiệu Bệnh viện Anh hùng thời kỳ đổi mới.
Thành lập vào những năm đầu tiên hoà bình lập lại ở Miền Bắc, bệnh viện Phụ - Sản Trung ương là cơ sở chuyên khoa đầu ngành về phụ sản, sinh đẻ kế hoạch và sơ sinh, từ trong gian khó, trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, tập thể thầy thuốc, người lao động bệnh viện đã đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, bền bỉ nỗ lực vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách xây dựng bệnh viện phát triển lớn mạnh về mọi mặt. Bệnh viện Phụ - Sản Trung ương ngày nay không chỉ là cơ sở đầu ngành của chuyên ngành phụ sản, sinh đẻ kế hoạch và sơ sinh mà còn là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên sâu lớn nhất trong cả nước. Nhiều năm liên tục là đơn vị “Xuất sắc toàn diện” của ngành Y tế Việt Nam. Dưới thời Pháp thuộc, tại khu vực bệnh viện hiện nay là một nhà tu kín chuyên khám và chữa bệnh hoa liễu, sau là nhà thương Võ Tánh. Sau ngày hoà bình lập lại (1955), nhà thương được tu sửa lại làm nơi khám, chữa bệnh cho CBCNVC các cơ quan trung ương. Ngày 19/7/1955, BS Hoàng Tích Trí, Bộ Trưởng Bộ Y tế ký Nghị định 615-ZYO/NĐ/3A quy định tổ chức các cơ quan kế cận và trực thuộc Bộ, chính thức thành lập bệnh viện “C” đặt nền móng đầu tiên cho bệnh viện Phụ - Sản Trung ương ngày nay. Trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, ngày 14/5/1966 Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 88/CP đổi tên bệnh viện C thành Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh. Lần đầu tiên tại Việt Nam có một Viện chuyên ngành nghiên cứu tình trạng sinh lý, bệnh lý của phụ nữ, của các bà mẹ và trẻ sơ sinh, hướng tới mục tiêu “Bảo vệ tốt sức khoẻ phụ nữ, các bà mẹ và trẻ sơ sinh, góp phần vào việc giải phóng phụ nữ, phát triển sản xuất, bảo vệ thế hệ tương lai của Tổ quốc”. Đến năm 2003, nhu cầu được chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngày một lớn, đòi hỏi sự chuyển đổi về tính chất, quy mô của Viện, ngày 18/6/2003 Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định 2212/QĐ-BYT đổi tên Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh thành bệnh viện Phụ - Sản Trung ương trực thuộc Bộ Y tế, tiếp tục thực hiện những chức năng, nhiệm vụ trước đây của Viện Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ sơ sinh với những đòi hỏi cao hơn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ khám, chữa bệnh trong tình hình mới.
Bệnh viện toạ lạc trên khu vực có diện tích mặt bằng 14.000 m2 tiếp giáp với phố Hai Bà Trưng - Triệu Quốc Đạt - Tràng Thi, một mặt tiếp giáp với bệnh viện K. Trước năm 1966, cơ sở vật chất của bệnh viện chỉ có 5 khu nhà 01 tầng, 2 khu nhà 02 tầng và một vài công trình phụ trợ khác. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt, khó khăn về cơ sở vật chất, có những lúc phải làm việc nơi sơ tán và phục vụ người bệnh dưới hầm, tập thể thầy thuốc, người lao động bệnh viện vẫn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và sẵn sàng phục vụ chiến đấu. Thời kỳ mới thành lập, bệnh viện được chia làm 03 khối: lâm sàng, cận lâm sàng và hành chính quản trị. Tổng số nhân lực của bệnh viện có 341 người, số cán bộ đại học và trên đại học có 19 người (5.57%), cán bộ trung học có 37 người (10.85%) còn lại là cán bộ sơ học và các cán bộ khác. Thời kỳ này nhìn chung trang thiết bị y tế rất nghèo nàn, ngoài một vài trang thiết bị dụng cụ y tế chuyên khoa được trang bị từ trước như máy đốt điện, dụng cụ mổ các loại, kính hiển vi thông thường ... bệnh viện được đầu tư thêm một số dụng cụ máy móc như máy Xquang D300, máy vật lý sóng ngắn ... nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế, tranh thủ sự hợp tác và giúp đỡ quốc tế cùng với nỗ lực phấn đấu của tập thể CBVC qua nhiều thế hệ, những năm qua cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của bệnh viện đã có những bước tiến bộ vượt bậc. Bước vào thời kỳ đổi mới (1986) diện tích sử dụng khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh là 5.885 m2 (tăng gấp 2 lần so với trước), những năm gần đây bệnh viện tiếp tục xây dựng các khu nhà cao tầng mới như khu nhà H, nhà G, nhà E ... và hiện đang xây dựng khu nhà điều trị mới B-C với tổng diện tích 13.440 m2. Chuyển biến tích cực về cơ sở vật chất đã giúp bệnh viện tăng khả năng tiếp nhận khám, điều trị cho người bệnh nội trú. Hiện nay, giường bệnh nội trú của bệnh viện là 600 giường, tăng hơn 2 lần so với thời kỳ đầu thành lập. Cơ cấu tổ chức, quy mô các khoa phòng trong bệnh viện được sắp xếp phù hợp với nhiệm vụ. Hiện tại, bệnh viện có 34 khoa phòng, trung tâm, trong đó: khối lâm sàng có 10 đơn vị, khối cận lâm sàng: 9 đơn vị, khối phòng ban có 6 đơn vị và 5 trung tâm, ngoài ra còn có một số đơn vị mới được thành lập như Phòng khám chất lượng cao 56 Hai Bà Trưng, đơn vị Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại nhà, đơn vị lấy máu tập trung, tổ CNTT. Nhân lực của bệnh viện không ngừng được bổ sung và phát triển, từ chỗ chỉ có 360 CBVC trong đó chỉ có 19 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học đến nay bệnh viện đã có đội ngũ cán bộ gồm 835 người trong đó cán bộ có trình độ đại học và trên đại học có 220 người (12 GS-TS, 103 BSCK II - Thạc sĩ, CKI). Ngoài ra, còn có 22 PGS, TS, BS của Bộ môn Phụ Sản Đại học Y Hà Nội thường xuyên công tác tại bệnh viện. Nhiều thầy thuốc có trình độ chuyên môn sâu được đào tạo tại các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là nhiệm vụ trọng tâm và mục tiêu hàng đầu của bệnh viện trong mọi thời kỳ. Cùng với sự tăng cường các nguồn lực, hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện đã có những tiến bộ rõ rệt, tạo dựng được niềm tin với người bệnh do đó số người đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện ngày càng tăng. Lượng người bệnh đến khám chữa bệnh tăng trung bình mỗi năm hàng trăm ngàn lượt người. Tính trung bình 05 năm gần đây (2004-2009) mỗi năm bệnh viện phục vụ khám, chữa bệnh cho 350.000 lượt người (điều trị nội trú cho 38.000 người/năm). 9 tháng đầu năm 2010 đã có 410.000 lượt người đến khám chữa bệnh, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số phẫu thuật 5 năm trở lại đây tăng trung bình 15%/năm. Năm 2004 tổng số phẫu thuật các loại tại bệnh viện là 1.066 trường hợp đến năm 2009 đã tăng lên 15.547 trường hợp. Công tác chăm sóc và điều trị sơ sinh cũng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, đặc biệt là chăm sóc và điều trị sơ sinh non tháng. Năm 2010, lần đầu tiên đã điều trị khỏi 01 trường hợp sơ sinh nhẹ cân, non tháng đến 500 gam. Trung tâm tư vấn SKSS và KHHGĐ của bệnh viện đã tư vấn và cung cấp các dịch vụ KHHGĐ an toàn cho hàng vạn lượt khách hàng/năm. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và kỹ thuật mới được ứng dụng trong điều trị. Năm 2001, bệnh viện đón cháu bé đầu tiên ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm, đến nay đã có trên 2000 cháu ra đời nhờ kỹ thuật này. Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tiếp tục được nghiên cứu phát triển và hoàn thiện như kỹ thuật hỗ trợ phôi thoát màng; nuôi cấy trứng non; siêu âm bơm nước buồng tử cung ... tỷ lệ có thai lâm sàng trong điều trị vô sinh (IVF) của bệnh viện luôn ở mức rất cao so với các trung tâm y tế lớn trong và ngoài nước (30 - 35%). Nhiều kỹ thuật cao như gây tê ngoài màng cứng giảm đau trong đẻ, cắt tử cung và bóc nhân xơ qua nội soi; vi phẫu thuật tạo hình vòi tử cung ... cũng đã được các thầy thuốc của bệnh viện nghiên cứu và đưa vào phục vụ người bệnh, trong đó kỹ thuật phẫu thuật nội soi nối vòi tử cung đã được các thầy thuốc của bệnh viện thực hiện thành công trên người bệnh lần đầu tiên tại Việt Nam. Chất lượng điều trị được nâng cao đã làm tỷ lệ tử vong người lớn và sơ sinh tại bệnh viện Phụ - Sản Trung ương giảm mạnh trong những năm gần đây. Năm 2009, tỷ lệ tử vong người lớn giảm xuống còn 0,008% (03 trường hợp) và tử vong sơ sinh chỉ còn 1,38%. 9 tháng đầu năm 2010, không có trường hợp tử vong người lớn nào xảy ra tại bệnh viện, tử vong sơ sinh giảm xuống 0.5%. Khối cận lâm sàng cũng có nhiều đóng góp quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho khối lâm sàng nâng cao chất lượng điều trị và phục vụ nghiên cứu khoa học. Bệnh viện đã trang bị đầy đủ các hệ thống máy xét nghiệm sinh hoá; huyết học; miễn dịch; máy cắt lạnh, đúc bệnh phẩm ... cho các khoa phòng khối cận lâm sàng tạo điều kiện rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, kết quả xét nghiệm đảm bảo chính xác, kịp thời phục vụ người bệnh. Trung tâm Chẩn đoán trước sinh của bệnh viện triển khai tốt đề án chẩn đoán trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại các tỉnh miền Bắc, kết quả của hoạt động này đã giúp thầy thuốc tư vấn hướng xử trí chính xác cho người bệnh để có thể cho ra đời những đứa trẻ khoẻ mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số quốc gia. Là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, công tác nghiên cứu khoa học cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bệnh viện. Khi mới thành lập, ngay trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng công tác nghiên cứu khoa học vẫn luôn được quan tâm phát triển, ngay trong giai đoạn này, nhiều kỹ thuật cao trong phẫu thuật phụ khoa đã được các thầy thuốc của bệnh viện nghiên cứu thực hiện thành công như phẫu thuật tạo hình sinh dục; mổ dò bàng quang, âm đạo; cắt tử cung mở rộng … Hàng năm có rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được triển khai và thực hiện tại bệnh viện. Năm 2010, có 25 đề tài (01 đề tài cấp Nhà nước, 08 đề tài cấp Bộ và 16 đề tài cấp Cơ sở) đang triển khai thực hiện trong đó có 02 đề tài đã nghiệm thu. Bệnh viện tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học quốc tế và trong nước về chuyên ngành Sản Phụ khoa. Tham gia hội thi tuổi trẻ sáng tạo khu vực Hà Nội đạt kết quả cao. Hàng năm, bệnh viện mở nhiều lớp đào tạo cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về các kỹ thuật siêu âm, soi cổ tử cung, chẩn đoán và điều trị vô sinh, phá thai an toàn. Tăng cường đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế đã được thực hiện tại bệnh viện. Hàng năm, nhiều cán bộ của bệnh viện được cử đi nghiên cứu học tập tại các nước có nền y học hiện đại theo các chương trình hợp tác quốc tế đồng thời tiếp nhận nhiều sinh viên của các nước Pháp, Đức, Lào, Campuchia ... đến thực tập. Bệnh viện kết nghĩa với đại học Brest (Cộng hoà Pháp) trong công tác đào tạo, giảng dạy chuyên ngành phụ sản, siêu âm. Ký kết với Chính phủ Nhật Bản viện trợ 5 triệu USD về trang thiết bị kỹ thuật để trang bị cho khu nhà điều trị B-C.
Bệnh viện Phụ - Sản Trung ương là đơn vị đầu ngành phụ sản, có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến cho các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Thời kỳ mới thành lập, công tác chỉ đạo tuyến của bệnh viện tập trung vào một số lĩnh vực như đào tạo cơ bản về bệnh phụ khoa, xây dựng đơn vị điển hình tại y tế cơ sở ... Những năm gần đây, bệnh viện thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm chuyên môn và hội thảo khoa học về kỹ thuật sản phụ khoa cho các tuyến cơ sở, tổ chức chuyển giao nhiều kỹ thuật mới như mổ nội soi, cắt tử cung đường âm đạo, cho nhiều tỉnh thành phía Bắc. Chuyển giao kỹ thuật IVF cho bệnh viện Phụ Sản Thanh Hoá, bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng, bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, bệnh viện Phụ Sản Hùng Vương ... tổ chức các lớp học tại chỗ theo phương thức cầm tay chỉ việc cho nhiều khoa Sản bệnh viện tuyến tỉnh, xây dựng đề án 10 bệnh viện vệ tinh ở phía Bắc để giảm bớt tình trạng quá tải hiện nay. Thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế, trong hai năm 2009 - 2010 bệnh viện đã cử 113 lượt CBVC về tăng cường cho các bệnh viện tỉnh như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Hoà Bình, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Quảng Bình ... lãnh đạo các bệnh viện tỉnh đã đánh giá cao vai trò của các CBVC bệnh viện Phụ - Sản Trung ương trong thực hiện đề án 1816 của Bộ Y tế. Nhiều bác sĩ, NHS, điều dưỡng đã được Bộ Y tế, UBND và Sở Y tế các tỉnh khen thưởng sau khi kết thúc đợt công tác.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, áp dụng những kỹ thuật mới trong khám bệnh, chữa bệnh, bệnh viện đã mạnh dạn đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại, thực hiện tốt, đúng nguyên tắc về đấu thầu trong mua sắm. Trang thiết bị được quản lý chặt chẽ, đảm bảo sử dụng có hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính các chế độ thu viện phí theo hướng giảm tối đa phiền hà cho người bệnh. Bệnh viện là đơn vị thực hiện tốt Nghị định 43/CP tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tổ chức công tác, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, khai thác có hiệu quả thương hiệu của bệnh viện nhằm tăng nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh và các dịch vụ khác để tiếp tục tái đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh và không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống cho CBVC.
Đảng bộ bệnh viện có 144 đảng viên sinh hoạt trong 9 chi bộ. Đại hội Đảng bộ tháng 5/2010 đã bầu Ban chấp hành Đảng uỷ gồm 09 đồng chí. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ kiêm Giám đốc bệnh viện. Với truyền thống đoàn kết, phát huy dân chủ trong đảng, Đảng uỷ bệnh viện đã lãnh đạo CBVC hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị mà Bộ Y tế giao cho, nhiều năm liên tục Đảng bộ bệnh viện Phụ - Sản Trung ương được công nhận là “Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh”. Công đoàn bệnh viện luôn được quan tâm tạo điều kiện trong các hoạt động. Đoàn viên Công đoàn bệnh viện luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động giỏi, nghiên cứu khoa học, tiết kiệm, thực hiện tốt 12 điều y đức và các hoạt động nhân đạo khác. Công đoàn còn thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các chế độ chính sách cho người lao động, tham gia quản lý hoạt động dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống CBVC. Tổ chức Công đoàn nhiều năm liên tục là “Công đoàn cơ sở vững mạnh, xuất sắc”. Đoàn thanh niên cộng sản HCM bệnh viện là lực lượng khá hùng hậu gồm trên 300 đoàn viên thanh niên. Đoàn TN đã phát huy được vai trò xung kích, là đội hậu bị của Đảng trong mọi hoạt động của bệnh viện. Đoàn TN bệnh viện là cơ sở Đoàn vững mạnh nhiều năm liền của Quận Đoàn Hoàn Kiếm.
CÁC DANH HIỆU CAO QUÍ CỦA TẬP THỂ VÀ CÁ NHÂN
- Tập thể:
Huân chương Độc lập hạng Ba : năm 2008
Huân chương Lao động hạng Nhất : năm 2002 và 1985.
Huân chương Lao động hạng Nhì : năm 1982.
Huân chương Lao động hạng Ba : năm 1976.
Bệnh viện xuất sắc toàn diện từ năm 2005 đến 2009.
- Cá nhân:
Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới : 01 (đồng chí Giám đốc bệnh viện)
Huân chương Lao động hạng Ba : 05
Thầy thuốc Nhân dân : 03
Thầy thuốc ưu tú : 34
Nhiều cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế. Những thành tích trên tiếp tục khẳng định và nâng cao truyền thống vẻ vang của bệnh viện trong những năm qua.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ bệnh viện, sự phấn đấu nỗ lực của tập thể CBVC trong suốt 55 năm qua (1955 - 2010), bệnh viện Phụ - Sản Trung ương đã có những tiến bộ vượt bậc. Công tác quản lý bệnh viện được tổ chức hoàn thiện, quyền làm chủ của CBVC, của người bệnh và người nhà người bệnh được phát huy, nội bộ đoàn kết nhất trí, chất lượng chuyên môn ngày càng được nâng cao, bệnh viện thực sự là địa chỉ tin cậy trong khám, chữa bệnh của nhân dân cả nước. Đạt được những thành tích trên đây không những là sự nỗ lực phấn đấu của CBVC bệnh viện qua nhiều thế hệ mà còn nhờ vào sự lãnh đạo đúng đắn của lãnh đạo Bộ Y tế, các Cục, Vụ chức năng của Bộ Y tế, các cấp uỷ Đảng, chính quyền thành phố Hà Nội, của Quận Hoàn Kiếm, sự phối hợp có hiệu quả của các bệnh viện bạn, của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội và các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong ngày vui hôm nay, chúng ta không quên ghi nhớ công lao của các thế hệ thầy thuốc, cán bộ đi trước đã nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển bệnh viện. Các bậc Thầy đã hết lòng truyền ngọn lửa nhiệt huyết, tinh thần say mê nghiên cứu, tận tâm, hết lòng vì người bệnh, vì sự phát triển của bệnh viện cho các cộng sự, đồng nghiệp và các thế hệ học trò trên con đường nghiên cứu khoa học và trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Toàn thể CBVC bệnh viện Phụ - Sản Trung ương xin hứa sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh của bệnh viện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của Bộ Y tế giao cho, xây dựng bệnh viện ngang tầm với những cơ sở y tế tiên tiến của các nước trong khu vực, xứng đáng là cơ sở khám, chữa bệnh đầu ngành sản phụ khoa của cả nước, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước đã giành cho bệnh viện suốt 55 năm qua.
Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Việt Nam.