"Kinh nghiệm chuyển tiếp kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống" tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương.
Chiều ngày 08/10/2019, Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức sinh hoạt dược lâm sàng “ Kinh nghiệm chuyển tiếp kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống”nhằm tăng cường sử dụng kháng sinh hợp lý, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Việc lạm dụng thuốc dạng tiêm quá mức trong khi có thể chuyển sang dạng uống trong điều kiện cho phép là một trong những tồn tại của sử dụng kháng sinh không hợp lý. Vì vậy chuyển đổi từ đường tiêm sang đường uống (IV to PO) trong khoảng thời gian thích hợp mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân và bệnh viện.
Tham dự buổi tập huấn, về phía Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc có TS. Vũ Đình Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và phản ứng có hại của thuốc. Bà Nguyễn Phan Hoài, đại diện Công ty dược phẩm Pfizer, đơn vị đồng hành. Về phía bệnh viện Phụ sản Trung ương có PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện; các Giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, Điều dưỡng, Hộ sinh, các cộng tác viên mạng lưới Cảnh giác dược bệnh viện – những người trực tiếp làm công tác chuyên môn có liên quan đến sử dụng thuốc an toàn, hợp lý của bệnh viện.
PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Danh Cường cho rằng việc sử dụng kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống về mặt lợi ích cho bệnh nhân sẽ thích hợp hơn và thoải mái hơn, ít tác dụng không mong muốn liên quan đến tiêm tĩnh mạch (huyết khối, nhiễm khuẩn catheter và nhiễm khuẩn huyết, đau, quá tải dịch), bệnh nhân nằm viện ngắn hơn, nguy cơ nhiễm chéo và nhiễm khuẩn mắc phải ở bệnh viện thấp hơn. Ngoài ra việc sử dụng kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống đem lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho bệnh viện đó là giảm vật tư y tế tiêu hao trong quá trình tiêm, giảm rác thải y tế cần xử lý mà giá thành đường uống là rẻ hơn. Không phải tồn trữ thuốc tại kho nên giảm được khối lượng công việc của nhân viên y tế, giảm thời gian nằm điều trị của bệnh nhân. Muốn vậy, người thầy thuốc cần luôn cập nhật kiến thức, áp dụng hướng dẫn mới phù hợp. Như vậy, những khóa đào tạo, tập huấn dược lâm sàng là hết sức cần thiết và cần được tổ chức thường xuyên.
Tại buổi sinh hoạt khoa học, các thầy thuốc bệnh viện Phụ Sản TW đã được nghe TS Vũ Đình Hòa trao đổi về các vấn đề cơ bản của việc chuyển đổi kháng sinh từ tiêm sang uống, các lưu ý trong thực hành lâm sàng, lợi ích của chuyển kháng sinh tiêm sang kháng sinh uống; điều kiện cho phép chuyển đổi kháng sinh tiêm – uống; các cách chuyển đổi kháng sinh tiêm – uống; tương tác thuốc qua đường uống; vấn đề chất lượng thuốc đường uống; chuyển đổi tiêm uống trong chương trình quản lý kháng sinh…
TS. Vũ Đình Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và phản ứng có hại của thuốc
Các học viên cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận về việc chọn lựa kháng sinh và việc làm sao để việc sử dụng kháng sinh đạt hiệu quả cao, đặc biệt là việc lựa chọn loại, chế độ liều phù hợp với đặc điểm của sản phụ khoa hoặc sơ sinh.
Buổi sinh hoạt thường kỳ dược lâm sàng góp phần bồi dưỡng cho cán bộ nhân viên y tế trong bệnh viện thêm nhiều kinh nghiệm sử dụng kháng sinh hợp lý, giảm những hậu quả không mong muốn khi dùng thuốc kháng sinh, nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh tốt hơn.
Bài: Đặng Thị Mai Hương – Phòng CTXH
Ảnh: Đàm Văn Thành – Phòng CNTT
Chào đời ở tuần thứ 25 khi mới được hơn 500g, bé Bùi Thị Gái (Bùi Thị Xuân, Hải Dương) là em bé có cân nặng thấp nhất được nuôi sống từ trước tới nay tại Việt Nam.